.

Rôm rốp... Tết miền Trung

.

Hầu hết người miền Trung đều thích bánh tráng. Ăn quanh năm như dân tây ăn bánh mì vậy! Bánh tráng có thể xếp hàng lương thực thứ hai, sau gạo. Giỗ quẩy, tiệc tùng mà mỗi bàn không có hai cái bánh tráng nướng đặt chính giữa mâm, thôi chứ nói gì? Có một số nơi, trước khi ăn người ta còn phải đặt cái bánh trên đầu và dùng cả hai tay để bẻ. Coi bộ rất thành kính. Đủ thấy bánh tráng là giá trị biết bao! Cả tinh thần lẫn vật chất.

Tráng mì ở Túy Loan. Ảnh: Huy Đằng
Tráng mì ở Túy Loan. Ảnh: Huy Đằng

Ăn tộ cháo. Có thể là cháo gà, cháo lòng, cháo lươn… người miền Trung vẫn có thói quen là bóp nhỏ bánh tráng nướng vô tộ. Phải nghe được những âm: “rôm rốp”, “rôm rốp” thì cảm giác mới rõ rệt. Mới bật lên cái hương vị của bánh trộn hòa trong cháo, ở từng muỗng một khi thưởng thức. Đó là lý do vì sao mà quán “Cháo vịt Sài Gòn” do chính một người miền Trung làm chủ, ở số 40 đường Trần Cao Vân, TP. Hồ Chí Minh luôn bị những người gốc ngoài này, vô ăn càm ràm vì thiếu cái bánh tráng nướng. Ngay trong những bữa cơm hằng ngày, nhiều gia đình cũng ưa có mấy cái bánh tráng. Nhất là khi có gì đó để xúc, để cuốn. Tỷ như đĩa gỏi sứa, tộ ốc um… Cái thứ này dứt khoát phải là bánh tráng nướng để có mà xúc rồi. Còn đĩa heo luộc, thịt bò nướng thì cuốn chứ ai lại xúc bao giờ! Hồi xế hay khuya đói bụng làm gì có được mấy thứ nhân ngon lành như vậy. Nhưng không sao! Chỉ cần một bánh tráng nướng và mấy cái nhúng cũng là tươm tất lắm rồi. Nhất là khi bạn là học sinh, sinh viên xa nhà hay là anh công nhân, chị giáo viên mà nơi công tác không có quán xá, tiệm ăn. Hoặc có nhưng…

Cách ăn ư? Để tôi bày nghen! Vì nghe bạn hỏi là tôi biết ngay bạn không phải là dân miền Trung. Không phải dân Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định… rồi. Để coi! Thì… Thứ bánh tráng mỏng hơn bẻ đôi hoặc tư rồi nhúng. Lấy từng miếng một đặt trên lòng bàn tay, không quên, bẻ miếng bánh tráng nướng bóp nhỏ. Và rồi có ngay những tiếng rôm rốp, rôm rốp… quen thuộc. Thích thật, khi được nghiêng tai lắng nghe thứ âm thanh rộn vui đầy xao xuyến ấy, giữa khi, tay thuần thục trải nhân rồi cuốn và chấm. Nói thật thời đi học rồi đi làm xa nhà, không chỉ có ăn xế, ăn khuya mà chúng tôi đã rất nhiều lần ngày hai bữa bánh tráng như thế! Trúng bánh tráng dễ nở. Ăn rồi làm ca nước, ham, có đứa ách bụng thở không nổi!

Ngày thường bánh tráng đã cần mà Tết, còn cần gấp bội. Đã là dân Trung mà Tết không dự trữ được đôi ba “ràng” bánh tráng thôi chứ Tết chi? Những gia đình có họ hàng ở quê thường nhắn về nhờ tráng cho cả chục “ràng” để lớp ăn, lớp biếu chứ mấy khi chịu mua bánh chợ. Nhà tôi không có ai quen, đã có lệ đặt trước. Đặt hồi đầu tháng chạp kìa! Đặt ít bánh dày có mè để nướng, ít bánh mỏng để nhúng. Tết thiếu gì nhân để cuốn. Nào là thịt luộc, thịt thưng, tré, chả lụi, cá hấp… Cũng có năm, nhà được người quen cho mươi cái bánh tráng nước dừa. Bánh dày, to, mè trắng và loáng thoáng những sợi dừa và hành phi. Ăn thơm, béo và ngon lắm.

Do nhu cầu nên các lò tráng bánh thường phải làm hết công suất, trong mùa Tết. Mỗi nơi ngoài tráng bánh gạo còn kèm thêm một hai loại gì đó nữa. Chẳng hạn bánh củ. Củ ở đây có thể là củ lang mà cũng có thể là củ mì. Bánh củ lang nhỏ hơn có màu nâu sẫm và hơi dỉu dỉu. Cái dỉu dỉu này cũng hết sức là độc đáo! Bánh tráng củ nướng ăn cũng hay mà không than lửa gì, cứ xé từng miếng nhỏ nhai nhóp nhép cũng rất thú. Tết quá nhiều đồ ăn ngon, nhà có ít bánh tráng củ lang. Mộc mạc, chân chất vậy chứ mà cũng không kém phần hấp dẫn đâu nghen! Nói chi nhà ai, ngay như gia đình tôi đây, bánh củ luôn hết trước dù mua đâu có ít ỏi gì! Cũng có một thứ bánh tráng rất đặc biệt thường được sử dụng trong dịp Tết. Đó là bánh củ mì tươi kêu là bánh tráng mì nhất. Nướng, than phải thiệt hồng bánh mới phồng lên được. Nhìn, thấy hay mà ăn cũng hay không kém. Hay nhất là ở chính cái âm rôm rốp, rôm rốp. Quen mà lại không quen. Lạ nhưng đâu có lạ. Nghe một chặp, mới nhận ra là tiếng bánh tráng mì nhất nướng phồng, được bẻ ra và nhai dòn tan trong miệng. Một người bà con của chúng tôi đang ở trên Đắc Lắc, Tết nào cũng gọi điện xuống xin ít bánh loại này. Bánh củ mì mà! Rẻ lắm nhưng lần nào gói ghém gửi lên tôi cũng thấy lòng xúc động lạ lùng.

Bánh tráng. Ảnh: Sâm Ngọc

Tết năm ngoái, bạn tôi ở Dallas, bang Texas gọi điện về tường thuật đầy đủ một buổi họp mặt của nhóm bạn người miền Trung, bên đó. Một bữa tiệc với món tây, món ta ê hề nhưng hết thảy mọi người tham dự đều “toàn tâm toàn ý” với bánh tráng. Bạn kể đã rất lâu mới được sống trong không khí ấm áp như thế. Được ăn một bữa đơn sơ và ngon lành tới vậy. Bánh tráng dày được nướng trong lò vi sóng còn bánh tráng mỏng để nhúng. Mắm không pha chế chỉ trái ớt xanh dùng muỗng để dầm. Chỉ có ớt là trồng trong vườn nhà tại Mỹ còn tất cả đều được đem từ Việt Nam qua. Tiếng bẻ bánh tráng, tiếng nhai cộng hưởng với tiếng chắp hít vì ngon vì cay trong tiếng nói, tiếng cười đặc sệch “quê mình”, rổn rảng căn phòng ăn rộng thênh khiến ai nấy đều cảm động.

Tôi nghe kể lại còn cảm động, nữa là… Cảm động và mừng, vì miền Trung có bánh tráng. Để, ở bất cứ nơi đâu mà có người mình thì năm mới sẽ được đón chào, không chỉ bằng rượu, sự sum họp, pháo hoa… mà thêm nữa bằng những âm rôm rốp, rôm rốp… thân thương và vui rộn.  

Mỹ Nữ
 

;
.
.
.
.
.