.
NHÂN 55 NĂM HỘI NGHỊ VÀ HIỆP ĐỊNH GENÈVE (20-7-1954 - 20-7-2009)

Góc khuất trong Hội nghị và Hiệp định Genève

.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chấm dứt ách thống trị của phát xít, thực dân, phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH); nhưng thực dân Pháp không chấp nhận từ bỏ ý đồ của mình và ngày 23-9-1945 đã nổ súng tấn công ở Sài Gòn-Gia Định, mở đầu công cuộc tái xâm lược Việt Nam.

Chiến sĩ Điện Biên trước giờ xuất kích. (Ảnh TL)

Dù Chính phủ Hồ Chí Minh đã hết sức nhân nhượng để gìn giữ hòa bình, bằng việc lần lượt ký kết Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 rồi Tạm ước 14-9-1946 và tránh né mọi sự khiêu khích; nhưng vì thực dân Pháp manh tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa, nên ngày 19-12-1946 cuộc kháng chiến chống Pháp đã bùng nổ trên khắp cả nước.

Sau những ưu thế quân sự lúc khởi đầu cuộc chiến, kể từ thất bại trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp buộc phải chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”; sử dụng chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” bằng cách xúc tiến thành lập chính phủ bù nhìn. “Giải pháp Bảo Đại” bắt đầu được người Pháp đặt ra.

Nguyên vào ngày 16-3-1946, Bảo Đại rời Hà Nội sang Nam Kinh trong phái đoàn Chính phủ đi thăm hữu nghị Trung Quốc, nhưng sau đó không quay về mà ở lại Hồng Kông sinh sống. Ngày 18-9-1946, Bảo Đại công khai từ bỏ chức vụ Cố vấn tối cao của Chính phủ VNDCCH.

Qua nhiều lần thương thảo, ngày 6-12-1947, tại Hạ Long đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Cao ủy Pháp Bollaert và Bảo Đại. Hai bên thỏa thuận ra một bản tuyên bố và một bị vong lục, theo đó, Bảo Đại sẽ trở lại Đông Dương thành lập chính phủ thống nhất ba miền. Với sự đồng tình của Bảo Đại, vào 23-5-1948, Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam được thành lập, do Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng.

Ngày 5-6-1948, trên tuần dương hạm Duguay-Trouin đậu trên vịnh Hạ Long, trước sự chứng kiến của Bảo Đại, Bollaert và Nguyễn Văn Xuân ký bản tuyên bố chung và bản bị vong lục, khẳng định Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, Việt Nam gia nhập khối Liên hiệp Pháp với tư cách là quốc gia liên kết với Pháp.

Trong lúc Pháp đang tìm thế đứng về pháp lý và dư luận cho Chính phủ Nguyễn Văn Xuân, thì tại Trung Quốc, tình hình biến chuyển một cách bất lợi cho Quốc Dân Đảng, còn những người cộng sản ngày càng thắng thế, đặc biệt sau cuộc tổng phản công và chiếm Bắc Kinh ngày 1-2-1949. Trước sự thành công của cộng sản Trung Quốc, Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại đến tình hình Đông Dương, khuyến cáo Pháp nên đi đến thỏa thuận với Bảo Đại hay bất cứ một nhóm “Quốc gia chân chính” nào khác.

Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol ký kết hiệp ước với Bảo Đại ở điện Élysée, công nhận nền độc lập của Việt Nam. Vào 1-7-1949, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đang nằm trong sự kiểm soát của quân đội Pháp trở thành một “quốc gia độc lập trong Liên hiệp Pháp”, đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Quốc gia Việt Nam (QGVN) do Bảo Đại đứng đầu.

Phản ứng trước hành động của Pháp và Chính phủ QGVN, Chính phủ kháng chiến tuyên bố với thế giới chỉ có Chính phủ VNDCCH là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Tuyên bố trên nhanh chóng nhận được sự ủng hộ khi vào ngày 18-1-1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tiếp sau đó là Liên Xô công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ VNDCCH.

Để tạo thế đối trọng, Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp ước Élysée và ngày 7-2-1950, Hoa Kỳ chính thức công nhận Chính phủ QGVN do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Tháng 3-1950, Hoa Kỳ đã cử một phái đoàn đến Sài Gòn để tìm hiểu tình hình và sau đó Tổng thống Truman chấp thuận viện trợ cho Chính phủ QGVN. Quan hệ Hoa Kỳ-QGVN càng gắn bó khi vào 23-12-1950, Hoa Kỳ, Pháp và Chính phủ QGVN đã ký “Hiệp định phòng thủ chung Đông Dương” để viện trợ quân sự, kinh tế - tài chính cho Pháp và Chính phủ QGVN.

Đến ngày 7-9-1951, Hoa Kỳ còn ký “Thỏa ước kinh tế Việt - Hoa Kỳ” nhằm hỗ trợ cho chính quyền Bảo Đại ngày càng đủ mạnh, bớt dựa dẫm vào Pháp, qua đó dần dần thay thế Pháp nắm lấy Đông Dương. Từ chỗ Hoa Kỳ viện trợ cho Chính phủ QGVN thông qua vai trò của Pháp, hai bên đã tiến đến đặt quan hệ trực tiếp với nhau mà không cần thông qua Pháp. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Chính phủ QGVN ngày càng gắn bó. Từ đây, Chính phủ QGVN nhận được ngày càng nhiều “sự giúp đỡ” từ phía Hoa Kỳ.

Sau thất bại trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là sự thảm bại của liên quân Pháp - Quân đội QGVN trong chiến dịch Điện Biên Phủ; Pháp phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Genève để bàn về vấn đề Đông Dương mà không còn một sự lựa chọn nào khác, đặc biệt kể từ ngày 8-5-1954.

Tham gia hội nghị, ngoài các phái đoàn Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lào, Campuchia, thì Chính phủ QGVN cũng tham dự với tư cách là một thành viên.

Trong quá trình Hội nghị Genève, phái đoàn Chính phủ QGVN đề nghị ưu tiên giải quyết vấn đề thả các tù binh ở Điện Biên Phủ và được phái đoàn VNDCCH tuyên bố đồng ý. Nhưng với lập luận Quốc gia Việt Nam là nhà nước duy nhất có thẩm quyền thay mặt nước Việt Nam, lính Việt Minh có thể hòa nhập vào Quân đội Quốc gia, sau tổng tuyển cử duy nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, thì phái đoàn VNDCCH kịch liệt phản đối và báo chí phương Tây gọi đó là một đề nghị hoàn toàn không thực tế.

Sau nhiều cuộc tranh luận trên bàn đàm phán, vào chiều 20-7-1954, Hiệp định đình chiến được soạn thảo xong và lễ ký kết diễn ra sau 24 giờ đêm 20-7-1954, qua sáng ngày 21-7-1954.

Lính nhảy dù không cứu vãn  được sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh TL)

 

Phái đoàn Chính phủ QGVN cùng phái đoàn Hoa Kỳ đã từ chối không ký Hiệp định; rồi ngay trong ngày 21-7-1954, Trưởng đoàn Chính phủ QGVN đưa ra bản tuyên bố riêng, giải thích lý do phái đoàn QGVN không ký là để phản đối “cách ký Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt”, khẳng định Chính phủ QGVN “hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện thống nhất và tự do cho xứ sở”.

Viện lý do không ký vào bản Hiệp định Genève và nhất là không tham dự vào bản “Tuyên bố cuối cùng”, Chính phủ QGVN tự cho rằng không bị ràng buộc vào những điều khoản và không có trách nhiệm thi hành Hiệp định Genève.

Như vậy, mặc dù tham dự Hội nghị Genève với tư cách là một thành viên, nhưng Chính phủ QGVN đã không có được “tiếng nói” riêng trên bàn đàm phán và cũng không ký kết Hiệp định; mà theo gót Hoa Kỳ đưa ra bản tuyên bố riêng của mình để đi đến phủ quyết những điều khoản trong Hiệp định. Đó chính là những góc khuất trong Hội nghị và Hiệp định Genève, khiến tinh thần của Hiệp định Genève đã không được tôn trọng trọn vẹn ngay từ khi chữ ký các thành viên chưa ráo mực.

Thái độ của Chính phủ QGVN và Hoa Kỳ qua Hội nghị và Hiệp định Genève là mầm mống sâu xa dẫn đến việc thay vì chỉ mất 2 năm để tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, cả dân tộc phải bước vào cuộc chiến đấu mới hết sức gian khổ, đầy mất mát tang thương trên cả hai miền Nam-Bắc, và phải mất 21 năm trời mới xóa bỏ hết mối hận chia cắt đôi bờ sông Bến Hải.   
       

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN 
           

;
.
.
.
.
.