.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 – 3-3-2009), 20 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 – 3-3-2009)

Kỷ niệm đẹp của đời binh nghiệp

Vào những ngày cuối tháng chạp năm Ất Tỵ (1965), ở vùng rừng Lệ Thủy (Quảng Bình) mưa dầm dề có lúc như trút nước, rét bám vào da thịt con người như xà xẻo suốt cả đêm ngày, bàn chân lúc nào cũng có vắt đeo bám.

Vậy mà nhiệm vụ của 43 chiến sĩ lớp trinh sát đặc công chúng tôi được đồng chí Hoàng Minh Thi – Chỉ huy trưởng Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình giao cho làm giả dân thường đi hái lá dong, lá tơi, bám nhau từng tốp 3 đến 5 người để truy tìm toán biệt kích nguy hiểm mà Mỹ-ngụy mới tung ra đâu đó, có thể là trên dãy núi Vít Thù Lù (tây Lệ Thủy). Vì thế, trên lưng chúng tôi lúc nào cũng có một gùi lá tơi bó mấy khẩu súng K50 và 2 băng đạn tráo đầu, lại còn bao tượng gạo, soong nồi để tối ở đâu, nấu cơm ăn ở đó.

Cứ như thế, băng rừng vượt thác, tiến mãi về hướng tây. Đến ngày thứ sáu, khi ruột tượng gạo gần cạn thì nhận được tin ông Tơ Hơ (56 tuổi, người Vân Kiều) đi câu cá ở suối mà sao mất tích 3 ngày mới trở về (?). Tổ chúng tôi do đồng chí Lê Bá Cương phụ trách đã nhanh chóng tách ông Tơ Hơ ra khỏi bản để gỡ mối nghi vì 3 ngày ông ta vắng bản. Sau vài chục phút chuyện trò, biết chúng tôi là Công an Nhân dân vũ trang, ông ta kể: “Buổi trưa trước đó 3 ngày, ông đang câu cá, thấy 3 người lạ mặc đồ đen đến, họ hỏi ông cách câu cá và sau đó rủ ông về lán chơi.

Ông lo sợ nhưng rồi đành phải theo họ vào giữa vùng núi hiểm trở thấy có nhiều người, mỗi người có 1 đến 2 súng, có điện đài thông tin, họ ngủ võng và ai cũng nói tiếng lạ...”. Ông Tơ Hơ nói tiếp: “... Những người lạ kia bảo họ là địa chất đến nghiên cứu ở đấy lâu ngày đã hết gạo, hết thực phẩm, họ nhờ Tơ Hơ mua giúp con heo chừng 30 cân và gạo. Họ đưa cho ông 500 đồng và bảo không được cho ai biết. Họ còn quy định điểm tập kết gạo và heo, chứ không cho đưa thẳng vào nơi họ ở...”. Thông tin này được đồng chí Hồ Quang Vinh – Phó Chỉ huy Tham mưu trưởng thẩm định kỹ càng, sau đó thực hiện phương án “điệu hổ ly sơn”.

Tơ Hơ mang 3 con gà mái to và 5 cân gạo nếp vào ngay nơi toán biệt kích gồm 10 tên đang ở, báo cho toán trưởng tên là Hạnh tin mừng: Ngày mai sẽ có một con heo 25kg và 50kg gạo tại nơi quy định. Được ăn thoải mái cơm nếp, thịt gà, bọn chúng vui mừng coi Tơ Hơ như một người anh em chung thủy, một chỗ dựa tin cậy.

Sáng hôm sau, Hạnh cử 4 tên cùng hắn mang theo súng đạn và ba lô không, đi cùng Tơ Hơ đến điểm hẹn lấy hàng. Đường rừng vất vả, bọn chúng đi được khoảng 3 giờ thì gặp con suối lớn chặn ngang. Dừng lại đây, Tơ Hơ bảo: “Suối hơi sâu và chảy xiết, các bác đưa súng, quần áo và ba lô cho tôi mang sang trước, rồi cả 5 người nắm chặt tay nhau lội sang suối cho an toàn”. Tơ Hơ lội chuyến thứ 2 và bỏ vũ khí, ba lô ở bờ suối bên kia xong, bọn chúng nắm tay nhau lội ra được một đoạn, bất ngờ một tiếng súng nổ vang. Sau tiếng súng phát lệnh, tiểu đội chúng tôi phục sẵn xông ra, cả 5 tên biệt kích mặt tái xanh như lá chuối rừng, không dám nói gì, chỉ có tên toán trưởng Hạnh chắp hai tay vái và lẩm bẩm xin quý ông tha, tha!

Đưa bọn chúng lên bờ và cuộc khai thác những điều cần nhất được bắt đầu, như: họ tên những đứa còn lại trong hang ổ, vũ khí, điện đài có những loại gì, đặc biệt là trình độ võ thuật của từng đứa, môn phái, sở trường... Hơn một tiếng đồng hồ sau, một kế hoạch “Vào hang bắt cọp” được triển khai, tôi và 4 đồng chí Duy, Hòa, Mẫn, Diệt được chọn thực hiện, vì quá trình tập luyện môn võ thuật, bọn tôi được coi là có động tác đánh nhanh, mạnh, chính xác, linh hoạt trong phản thế khi phải đánh đối kháng.

Chúng tôi mang y nguyên quần áo, giày, mũ, súng đạn và ba lô của 5 tên vừa bị bắt vào hang ổ của chúng, với kế hoạch định sẵn: đóng giả đồng bọn chúng đi lấy hàng về, lợi dụng lúc nhá nhem tối để tiếp cận 5 tên còn lại, khi cách chúng khoảng 1 đến 2 mét dùng kỹ thuật cá nhân, tự chọn miếng đánh bất ngờ quật ngã và bắt sống, trường hợp bắt không gọn mới chủ động bắn què. Để bảo đảm chắc thắng, đồng chí Cương còn bố trí một tiểu đội khác bám theo sau, nhằm hỗ trợ chúng tôi khi có điều gì xảy ra ngoài dự kiến.

Tâm trạng mỗi chúng tôi lúc này là mừng lo chen lẫn: mừng vì có dịp thử sức, lo vì sợ địch mạnh hơn mình nên người nào cũng lẩm nhẩm chọn miếng đánh mà mình cho là chắc ăn. Chúng tôi theo ông Tơ Hơ lặng lẽ vào đến nơi đã hơn 5 giờ chiều. Rừng rậm âm u lại có mưa nên trời xẩm tối, chúng tôi kéo sập lưỡi trai mũ xuống không cho chúng nhìn rõ mặt để bất ngờ hành động. Đáng tiếc, chúng tưởng đồng bọn mang hàng về vội mừng rỡ chạy đến đỡ giúp ba lô, thế là “huỵch, huỵch...”, 4 tên bị khóa gọn, đang van xin thảm thiết, thì tên thứ 5 ở cách chừng 4m, đồng chí Diệt chưa kịp hành động, hắn vội xách một khẩu súng côn chạy thoát mà không dám bắn trả, vì đồng bọn của chúng đang nằm trong tay chúng tôi. Đồng chí Diệt đuổi theo và bắn mấy loạt tiểu liên nhưng không hạ được vì rừng rậm, trời tối.

Lực lượng yểm trợ vừa kịp tới, cùng chúng tôi và 9 tên bị bắt tỏa ra gọi hàng tên chạy thoát nhưng vô hiệu. Thu vũ khí, tài liệu, điện đài xong đã gần nửa đêm, đơn vị tạm dừng lại ở gần một bãi cát bồi bên dòng khe Giữa. Sáng hôm sau, chỉ huy lệnh để một tiểu đội đón lõng tên còn lại. Chúng tôi giải 9 tên và toàn bộ vũ khí, điện đài về xuôi trong niềm vui chiến thắng. Khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, Nhị - tên biệt kích cuối cùng của toán cũng “sập bẫy đón lõng” khi hắn đang nhai rau má trừ cơm.

Về đến Hoa Thủy mới biết rằng giao thừa Bính Ngọ đã trôi qua, khi anh Nguyễn Thanh Trắc đưa cho nhóm chúng tôi mỗi người nửa chiếc bánh chưng gọi là quà Tết và thông báo: Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang Quảng Bình cho cả lớp 1 con heo và 30 cân nếp để ăn Tết mừng thắng lợi, mừng xuân. Nghỉ được một ngày, chúng tôi lại phải đưa bọn biệt kích trở lại nơi cũ để lập chuyên án “câu nhử” do Bộ Công an thực hiện gọi là Vụ K38, vụ án kéo dài gần một năm và thu nhiều kết quả quan trọng.

Đại tá NGUYỄN VIẾT HIỆU (Nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.