.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Nút giao thông ngã ba Huế

.

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, khi nút giao thông ngã ba Huế khánh thành đưa vào sử dụng, các phương tiện thông tin đại chúng đã dùng nhiều mỹ từ để gọi công trình giao thông trị giá 2.000 tỷ đồng này như: “Công trình không ngủ”, “Công trình nghìn tỷ”, “Công trình thần tốc”, “Cầu vượt 3 tầng đầu tiên/ lớn nhất Việt Nam”, “Điểm nhấn kiến trúc đô thị Đà Nẵng”... Người dân thì cứ cầu vượt ngã ba Huế mà gọi, gọn nhẹ, dễ hiểu.

Cầu vượt ngã ba Huế trong ngày khánh thành. Ảnh: L.G.L
Cầu vượt ngã ba Huế trong ngày khánh thành. Ảnh: L.G.L

Cũng như các công trình giao thông khác ở Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý,… ngay sau khi khánh thành, cầu vượt ngã ba Huế đã đón hàng nghìn lượt người đến tham quan bằng các loại phương tiện.

Cảnh xe máy, ô-tô ken đầy gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, nhất là ở hai đầu cầu phía đường Điện Biên Phủ và Tôn Đức Thắng, đã được một tờ báo phản ảnh qua tít đề rất ấn tượng: Cầu vượt 3 tầng 2.000 tỷ “tê liệt” trong ngày đầu thông xe. Theo đó, đoàn xe dài hàng ki-lô-mét đua nhau lên cầu khiến cho toàn bộ đường lưu thông ở tầng này trở nên ùn ứ và “tê liệt” hoàn toàn.

Đó là một sự “tê liệt” rất đáng yêu. Bởi người dân không thể chờ đợi hơn nữa giây phút được tự mình chạy xe trên chiếc cầu vượt 3 tầng mới toanh để tận mắt ngắm nhìn công trình có kiến trúc mới lạ, hiện đại, độc đáo nhất nước. Nhiều gia đình đưa cả nhà đi xem. Những nam thanh nữ tú vừa đùa vui như trẩy hội, vừa chụp hình và đưa ngay lên mạng xã hội. Hình ảnh quen thuộc của những người chụp ảnh dạo ở những cây cầu đã “cũ” cũng xuất hiện trên cây cầu vượt mới toanh…

Lực lượng Công an thông cảm với cái háo hức của dòng người và xe cộ, kiên nhẫn chốt chặn tại hai đầu cầu để phân luồng giao thông, không cho xe máy lên tầng 2 nhằm sớm thông tuyến giao thông trong đêm đầu tiên cầu được chính thức “khai sinh”. Tuy nhiên, trật tự ở công trình này sớm được chấn chỉnh để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Sau 18 tháng thi công, cầu vượt 3 tầng được cho là có quy mô lớn nhất Việt Nam đã đi vào hoạt động, chấm dứt điểm đen tai nạn giao thông giữa tuyến quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam. 18 tháng mọi người phải tạm thời luồn lách qua các con hẻm chật hẹp ở địa bàn giáp ranh các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Liên Chiểu để vượt qua ngã ba Huế. Có không ít người, do quán tính, biết rằng công trình mới này đã thông tuyến rộng thênh thang, nhưng lúc đầu vẫn quen theo đường cũ! Tại lễ khánh thành nút giao thông diễn ra sáng 29-3, đơn vị thi công bày tỏ sự cảm ơn người dân đã ủng hộ và không ngần ngại bàn giao mặt bằng, đồng thời xin lỗi người dân vì những phiền phức như bụi bặm, tiếng ồn suốt ngày đêm để công trình về đích đúng thời hạn.

Cầu vượt ngã ba Huế không chỉ góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông giữa tuyến quốc lộ 1A giao với đường sắt Bắc – Nam mà còn tạo điểm nhấn về kiến trúc cho Đà Nẵng, thêm một “cú hích” để thành phố thu hút du lịch và thương mại.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Công trình còn là biểu tượng sự khao khát, ý chí hướng tới một thành phố hiện đại của Đà Nẵng, thể hiện sự đồng thuận của người dân khi phải giải phóng mặt bằng, và sự sâu sát của lãnh đạo thành phố đối với các dự án lớn”.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng sau khi đánh giá cao tốc độ thi công của nhà thầu, sự ủng hộ của người dân, đã nhấn mạnh rằng, công trình cầu vượt ngã ba Huế sẽ góp phần cùng với Đà Nẵng xây dựng thành phố “đáng sống nhất Việt Nam”.

Cầu vượt ngã ba Huế có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng; tổng chiều dài hơn 2,5 km, gồm 50 nhịp cầu, 491 cọc khoan nhồi, 57 trụ và mố cầu, 1 trụ tháp cao 65m, hệ dây văng 2 mặt phẳng, vòng xuyến có đường kính rộng 150m; gồm 3 tầng: tầng mặt đất, tầng 1 (vòng xuyến) và tầng 2 (dây văng).

Tầng mặt đất được bố trí đường gom rộng 7m với 2 làn xe chạy không cắt đường sắt để phục vụ giao thông, cho phép tất cả các loại xe cơ giới lưu thông một chiều; có cầu đi bộ vượt qua đường sắt.

Tầng 1 là vòng xuyến trên cao gồm 4 nhánh cầu dẫn rộng 15m nối với tầng mặt đất, đường kính 150m gồm 3 làn xe (xe cơ giới lưu thông 2 làn trong, xe thô sơ lưu thông làn ngoài cùng), tốc độ thiết kế 40km/giờ.

Tầng 2 dành cho hướng ưu tiên từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào trung tâm thành phố Đà Nẵng và ngược lại với 4 làn xe chạy, có bề rộng 17m, tốc độ 60km/giờ.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.