"Thung lũng Silicon" của Ấn Độ thiếu nước sạch

.

Thành phố công nghệ Bengaluru - “Thung lũng Silicon” năng động và nhộn nhịp của Ấn Độ - cần khoảng 2 tỷ lít nước cho gần 14 triệu cư dân mỗi ngày do nguồn nước ngầm đang cạn kiệt nhanh chóng. Người dân được khuyến cáo tiết kiệm nước, tắm cách ngày, hạn chế giặt quần áo…

Người dân xếp hàng lấy nước uống tại thành phố Bengaluru. 6.900 trong số 13.900 giếng khoan trong thành phố này đã cạn nước. Ảnh: AFP/Getty Images
Người dân xếp hàng lấy nước uống tại thành phố Bengaluru. 6.900 trong số 13.900 giếng khoan trong thành phố này đã cạn nước. Ảnh: AFP/Getty Images

Nguyên nhân được cho là cơ sở hạ tầng cung cấp nước không thể theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh và dân số ngày càng tăng tại thành phố Bengaluru (còn có tên là Bangalore), thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Độ.

Hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển

Bhavani Mani Muthuvel và gia đình 9 người của bà sống ở Ambedkar Nagar - khu định cư thu nhập thấp nằm khuất sau những tòa nhà sang trọng của các công ty phần mềm toàn cầu thuộc khu phố Whitefield. Cả nhà bà Muthuvel có khoảng 5 xô nước dung tích 20 lít dùng để nấu ăn, dọn dẹp và làm việc nhà trong tuần. Họ thường phụ thuộc vào nước máy, có nguồn gốc từ nước ngầm. Song, nguồn nước ngầm đang cạn dần. Muthuvel cho biết, đây là cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất mà bà từng trải qua trong 40 năm sống ở thành phố Bengaluru.

Thành phố công nghệ Bengaluru - nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia như Infosys và Wipro - cần khoảng 2 tỷ lít nước cho gần 14 triệu cư dân mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước được cung cấp cho người dân đang giảm đến mức báo động, theo Chủ tịch Ủy ban Cấp thoát nước của thành phố - ông V. Ram Prasat Manohar.

Bengaluru đang trải qua các đợt nắng nóng bất thường. Trong vài năm gần đây, lượng mưa ít và mực nước đang xuống rất thấp, đặc biệt là ở những khu vực nghèo, dẫn đến chi phí nước cao ngất ngưởng và nguồn cung cấp nước nhanh chóng cạn kiệt. Tại Bandepalya, khu ngoại ô thu nhập thấp ở phía nam thành phố, cô Susheela - cư dân trong gia đình 4 người cho biết, người dân nơi đây thường kiếm được 6.000 - 8.000 rupee/tháng (70-95 USD) và nhiều người trong số họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chi một nửa thu nhập để mua nước từ các xe chở nước tư nhân.

Chính quyền thành phố Bengaluru và bang Karnataka cố gắng kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, các chuyên gia về nước và nhiều người dân lo ngại điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra khi thời tiết càng nóng bức. Theo các nhà chức trách, 6.900 trong số 13.900 giếng khoan trong thành phố đã cạn nước mặc dù một số giếng đã được khoan tới độ sâu hơn 457m. Những người phụ thuộc nguồn nước ngầm như gia đình Muthuvel và Susheela giờ đây phải dựa vào các xe chở nước tư nhân được bơm từ các làng lân cận.

Nhà thủy văn học Shashank Palur làm việc tại Phòng thí nghiệm Nước, Môi trường, Đất đai và Sinh kế có trụ sở ở Bengaluru cho biết, cuộc khủng hoảng nước ngọt xảy Bengaluru là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới và cơ sở hạ tầng cung cấp nước không thể theo kịp tốc độ gia tăng dân số. “Hiện tượng El Nino cùng với lượng mưa ít hơn trong những năm gần đây khiến việc bổ sung nước ngầm không diễn ra như mong đợi. Thêm vào đó, đường ống cung cấp nước mới từ sông Cauvery cách thành phố Bengaluru khoảng 100km cũng chưa được hoàn thành”, ông Palur lý giải.

Nhiều năm trước, nhà khoa học T.V. Ramachandra tại Trung tâm Khoa học Sinh thái thuộc Viện Khoa học Ấn Độ có trụ sở ở Bengaluru đã cảnh báo về nguy cơ nguồn nước cạn kiệt. “Đó là đỉnh điểm của sự phát triển đô thị không có kế hoạch, nạn phá rừng nhanh chóng và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Mọi người đang phải trả giá”.

Hướng tới giải pháp xanh

Bengaluru vốn nổi tiếng với mạng lưới hồ nhân tạo rộng khắp, cung cấp nước cho cư dân thành phố. Sự phong phú của cây xanh và các khu rừng xung quanh cùng khí hậu dễ chịu khiến Bengaluru có biệt danh là “Thành phố vườn của Ấn Độ”.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 1990, Bengaluru đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng khi chuyển đổi thành trung tâm công nghệ lớn và điều này dẫn đến sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Ông Ramachandra phân tích: Bengaluru đã mất gần 70% diện tích xanh trong 50 năm qua. Bề mặt lát đá bao phủ gần 90% diện tích thành phố, ngăn nước mưa thấm xuống và tích tụ trong lòng đất. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự suy giảm các vùng nước cũng có thể làm trầm trọng thêm tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo ông Ramachandra, người dân Bengaluru đang khoan giếng ở vùng đệm các hồ nhưng đây không phải là giải pháp. Thay vào đó, chính quyền nên tập trung vào việc bổ sung hơn 200 hồ trải rộng khắp, dừng xây dựng mới trên các khu vực hồ, khuyến khích thu hoạch nước mưa và tăng độ che phủ xanh. “Làm như vậy thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề thiếu nước của thành phố”, ông Ramachandra khẳng định.

Chủ tịch Ủy ban nước của Bengaluru, ông Ram Prasath Manohara (43 tuổi) bày tỏ hy vọng sẽ có nguồn ngân sách và đầu tư tư nhân cho một cách tiếp cận sáng tạo hơn, kết hợp các phương pháp dựa trên dữ liệu sẽ hồi sinh các hồ, từ đó cho phép các tầng ngậm nước tái nạp, mở rộng việc thu hoạch và bảo quản nước mưa. “Chúng tôi đang hướng tới một giải pháp xanh hơn, một giải pháp hiệu quả hơn”, ông Manohara nói. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang tiến triển chậm.

KHÁNH LINH

;
;
.
.
.
.
.