Thơ tình Nguyễn Quang Hà

.

Nói theo kiểu Nguyễn Tuân thì Nguyễn Quang Hà đi bằng hai chân. Chân phải là văn xuôi, chân trái là thơ. Anh nhận được một số giải thưởng về tiểu thuyết và ký. Mảng thơ tình của anh, đặc biết là các bài: Gửi em cô gái đỏng đảnh, Chiếc răng khểnh, Đong đưa, Con còng gió… được nhiều độc giả hết sức yêu thích. Theo tôi, đó cũng là “giải thưởng” rất có giá trị.

Buổi giới thiệu tác phẩm thơ
Buổi giới thiệu tác phẩm thơ "Gửi em cô gái đỏng đảnh" của nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Hà (giữa). Ảnh: Tạp chí Sông Hương

Thơ tình Nguyễn Quang Hà thường chứa đựng những tình huống bất ngờ.  Anh rất chú trọng cấu tứ nhằm tạo sự hấp dẫn đối với người đọc. Làm thơ cũng như viết truyện, muốn lôi cuốn độc giả phải biết tạo ra những tình huống khó lường. Đến Quảng Bình thấy Phong Nha đẹp, sông Nhật Lệ đẹp, biển Hải Thành đẹp… nhưng khi chia tay nhà thơ lại: "Thôi xin chào nhé Luỹ Thầy/ Chỉ mang đi nét lông mày của em (Quảng Bình). “Chỉ mang đi nét lông mày của em” thì khiêm tốn quá! Tưởng thế mà không phải thế. Người con gái Lũy Thầy biết tỏng là nhà thơ muốn khen ngợi sắc đẹp của mình. Tán như thế vừa siêu, vừa hóm. Gái Quảng Bình “khí phách đọ Trường Sơn” nghe được câu này chắc cũng phải xiêu lòng.

Nguyễn Quang Hà từng là lính “quen có hàng có lối”. Anh “ghét cay ghét đắng ở đời những kẻ nào lánh xa đồng đội”. Đang hùng hồn khẳng định chất lính tráng mạnh mẽ của mình, nhà thơ đột ngột hạ giọng bằng một câu hỏi làm thay đổi hẳn ý tứ bài thơ:   

"Vậy cớ sao cứ làm anh bối rối
Mỗi khi nhìn chiếc răng khểnh của em?"

                                        (Chiếc răng khểnh)

Nguyễn Quang Hà không chỉ có tài dẫn dắt sự việc mà còn có tài đưa từ ngữ sự vụ, hành chính vào thơ tình một cách hết sức tự nhiên: "Nói thật nhé không có anh đối tác/ Em chỉ vô tình như lá rơi". “Đối tác” là từ mới xuất hiện ở nước ta khi chuyển qua kinh tế thị trường. Tôi chưa từng bắt gặp từ này trong thơ tình hiện đại bao giờ. Đưa được từ “đối tác” vào thơ tình thật không dễ chút nào. Nghe nhân vật trữ tình ví mình “vô tình như lá rơi”, đối tượng trữ tình chắc sẽ đỏ mặt, tía tai vì tức giận. Gần đến cuối bài, cô nàng mới thở phào nhẹ nhõm bởi chợt nhận ra kiểu đánh lạc hướng rất dễ thương của nhà thơ:

"Em yêu ơi, anh nói cho oách vậy thôi
Anh sẽ chẳng là cái đinh gì nếu thiếu em đỏng đảnh
Và anh sẽ là thằng trời đánh
Nếu bất đồ để em lọt khỏi tay

                                        (Gửi em cô gái đỏng đảnh)

Chiếc răng khểnh, tính đỏng đảnh của phụ nữ cũng có cái duyên riêng, cái hấp dẫn riêng mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Khi đã “một tỉnh mười mê” thì cái gì của người mình yêu cũng đẹp, kể cả cái “đong đưa”. Nhà thơ khái quát: "Trời sinh ra cái đong đưa/ Đong đưa nụ cười, đong đưa con mắt/ Từ khi có loài người trên trái đất/ Có đàn bà thì có đong đưa". Một kết luận rất đúng về phái đẹp, rất khó lòng bắt bẻ. Thúy Kiều ngày xưa cũng “đong đưa” lắm: “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo…”.

Trong những bài thơ tình của Nguyễn Quang Hà, có lẽ bài "Con còng gió" được nhiều người yêu thích nhất. Khi chơi trò đuổi bắt, đôi tình nhân chẳng khác gì hai đứa trẻ. Nàng bắt chước con còng chạy theo hình chữ chi. Còn chàng bám sát theo sau. Còng khi bị đuổi lao vào sóng và biến mất. Nàng thì ngược lại:

"Nhưng em không lao vào ngọn sóng biến đi
Bao giờ em cũng để cho anh bắt được
Con còng gió bên bờ biển biếc
Giương đôi mắt tròn không hiểu vì sao".

Con còng gió thì không hiểu nhưng những người đang yêu thì quá hiểu. Cái trò đuổi bắt ấy làm cho cuộc tình thêm phần thi vị. Phải chăng vì tình yêu nam nữ thi vị như thế nên nhà thơ Chế Lan Viên từng tuyên bố: "Mặc kệ lời Phật dạy/ Miếng tình ta cứ ăn" (Đi trong hương chùa Hương).

Nguyễn Quang Hà mới có nhận xét về đàn bà như sau: "Ra ngoài đường gặp cô nào cũng dễ thương/ Về ở nhà cô nào cũng dễ sợ". Và: "Hiểu con gái quả là rất khó/ Gần đàn bà lũ đàn ông thành ra ngu ngơ". Đàn bà ghê gớm thế kia, ai dám yêu, dám lấy làm vợ. Ấy thế mà: "Song nếu cho sống lại thời Adam và Eva/ Chắc chắn sẽ lại thêm một lần ăn trái cấm". Một lần nữa Nguyễn Quang Hà tiếp tục hấp dẫn người đọc bằng cách đánh lạc hướng. Phải đọc đến phần kết mới vỡ lẽ, à hóa ra, nói vậy mà không phải vậy!.

Theo nhà thơ: "Sống ở đời không có gì để chìm đắm/ Hẳn trần gian cũng không có con người" (Không đề 3)

Thơ tình Nguyễn Quang Hà giàu chất triết lý. Có điều Nguyễn Quang Hà triết lý mà không khô khan, triết lý mà không lý sự. Chất triết lý góp phần giúp cho thơ tình Nguyễn Quang Hà có ý vị riêng. Đọc thơ tình của anh, tôi như được sống lại thời trai trẻ “đi chơi mưa thủa em chưa lấy chồng”. Và đó cũng là lý do không ít người yêu thơ trân trọng chép vào sổ tay Gửi em cô gái đỏng đảnh, Chiếc răng khểnh, Đong đưa, Con còng gió…

Nguyễn Quang Hà sinh 1941, quê ở Quảng Châu, Việt Yên, Bắc Giang. Những năm tháng chiến tranh, anh lăn lộn ở chiến trường Thừa Thiên. Sau 1975, anh công tác tại Tạp chí Sông Hương cho đến khi nghỉ hưu.

MAI VĂN HOAN

;
;
.
.
.
.
.