Đà Nẵng cuối tuần

Khát vọng hòa bình trong tập thơ "Điêu tàn"

13:20, 13/04/2024 (GMT+7)

Năm 17 tuổi, Chế Lan Viên bất ngờ cho ra đời đứa con đầu lòng với tiêu đề "Điêu tàn" vỏn vẹn 36 bài mỏng tang. Tập thơ vừa mới xuất hiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng yêu văn chương. Cho đến nay, điều ai cũng thấy ở "Điêu tàn" là sự kinh dị và huyền bí, nhưng ít ai nhận ra khát vọng hòa bình cháy bỏng của tác giả.

Người đầu tiên phát hiện tài năng thi ca đặc biệt của Chế Lan Viên không ai khác chính là Hàn Mặc Tử. Khi "Điêu tàn" còn chưa ra đời, đọc một số bài thơ của Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử trang trọng “chuốt lại ngòi bút, mượn hương thơm đưa đẩy lời văn để giới thiệu một nhà thơ mới”. Nhà phê bình Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam cho biết: “Quyển "Điêu tàn" đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. “Kinh dị” nghĩa là "Điêu tàn" khiến cho người đọc vừa kinh ngạc vừa kinh sợ trước một thế giới “đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma”. Nếu tất cả những bài thơ trong "Điêu tàn" đều kinh dị và huyền bí như thế, chắc chỉ những ai thích phiêu lưu mạo hiểm mới đủ can đảm đọc hết.

May thay không phải hoàn toàn như thế! Xem xét thật kỹ mới biết kinh dị và huyền bí trong "Điêu tàn" chẳng qua chỉ là tấm màn che, chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài. Chế Lan Viên nhập vai một con dân người Chàm để khóc than thay họ, qua đó bộc lộ sự thất vọng, chán chường của mình trước thời cuộc. Thời cuộc ở đây không chỉ đóng khung trong một không gian hẹp, mà nhìn rộng ra toàn thế giới: "Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết/ Những sắc màu hình ảnh của trần gian".

Nỗi chán chường, thất vọng cũng không chỉ đóng khung trong thì hiện tại mà cả thì quá khứ lẫn tương lai: "Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô tận/ Cả tương lai là chuỗi huyệt chưa tàn/ Và hiện tại, biết cùng chăng hỡi bạn/ Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!" (Những nấm mồ). Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong bốn mùa, không khí trong lành, trăm hoa khoe sắc. Thế mà nhân vật trữ tình trong "Điêu tàn" lại chối bỏ: "Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?/ Với của hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!" (Xuân). Những câu thơ buồn nản, ảm đạm chẳng có gì là kinh dị và huyền bí trên, đặt trong tổng thể "Điêu tàn" đóng vai trò hết sức quan trọng. Nỗi thất vọng, buồn chán của nhân vật trữ tình liên quan mật thiết với vận mệnh của vương quốc Chăm pa.

Theo tác giả, một trong những nguyên nhân làm cho vương quốc Chăm pa suy vong là thói ăn chơi hưởng lạc của giới cầm quyền. Điều đó được tác giả gói gọn trong hai câu: "Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo/ Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà" (Trên đường về). Chế Lan Viên mượn bài học lịch sử của vương quốc Chăm pa để phê phán, để vạch trần những kẻ quyền cao, chức trọng nhưng vô trách nhiệm đối với vận mệnh đất nước. Đó là kiểu “nói bên Đông mà động bên Tây”. Đồng thời nhà thơ cực lực lên án những kẻ gây ra chiến tranh.

Mượn lịch sử nước Chăm pa, mượn cách thể hiện kinh dị, huyền bí, nhà thơ nói tiếng nói phản chiến một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Thời điểm Chế Lan Viên xuất bản "Điêu tàn" (1937), nước ta đang bị thực dân Pháp đô hộ. Tác giả đành phải mượn lịch sử vương quốc Chăm pa để bày tỏ lòng mình (như cách Nguyễn Du mượn bối cảnh “năm Gia Tĩnh triều Minh” bên Trung Quốc để sáng tác Truyện Kiều). Tác giả không chỉ bó hẹp trong phạm vi vương quốc Chăm pa, tầm nhìn của Chế Lan Viên là tầm nhìn xuyên thời gian và không gian. Càng căm ghét chiến tranh, Chế Lan Viên càng khao khát cuộc sống hòa bình. Bằng trí tưởng tượng siêu phàm, tác giả tạo dựng lại thời hoàng kim của vương quốc Chăm pa chỉ qua một vài nét chấm phá: "Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành"; "Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc/ Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi/ Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui" (Trên đường về).

Tác giả sử dụng nghệ thuật song hành đối lập để làm nổi bật cuộc sống thời chiến và thời bình: "Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn/ Không phải là khối máu của dân Chàm/ Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm/ Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!/ Quả dừa xanh không phải đầu chiến sĩ/ Xác pháo rơi không phải thịt muôn người/ Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ/ Và bảo ta: muôn vật đợi ta cười" (Xuân về). Có hai thế giới hoàn toàn trái ngược nhau, đối lập nhau trong "Điêu tàn". Bên cạnh cái thế giới chiến tranh chết chóc rùng rợn, kinh dị “đầy sọ dừa, xương máu, cùng yêu ma” là cái thế giới hòa bình với “trời xanh”, “sông lặng”, “nắng chiều tươi”, “cành hoa đào mơn mởn”.

Nhưng không chỉ có thế, Chế Lan Viên còn miêu tả những bức tranh thiên nhiên, làm dịu đi phần nào không khí ảm đạm, thê lương, chết chóc. Đây là những bức tranh hết sức gần gũi, thân thương, yên lành, tươi sáng: "Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ/ Tan dần trong im lặng của đồng quê". Rải rác trong "Điêu tàn", ta còn gặp: "Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ/ Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô/ Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ/ Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu (Xuân về)". Điều đó đủ thấy tác giả khát khao cuộc sống hòa bình và căm ghét những kẻ gây ra chiến tranh biết chừng nào. Nếu chỉ đọc lướt qua, nhiều người chỉ thấy "Điêu tàn" kinh dị và huyền bí mà không nhận thấy thái độ căm ghét chiến tranh và khát vọng hòa bình cháy bỏng của thi sĩ. Đây là tư tưởng lớn, là giá trị nhân văn đích thực, góp phần làm nên sức sống lâu bền của tập thơ "Điêu tàn".

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920, tại Cam Lộ, Quảng Trị, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Bình Định. Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Tên tuổi của ông vụt sáng trên thi đàn Việt Nam với tập thơ đầu tay "Điêu Tàn".

MAI VĂN HOAN

.