Đà Nẵng cuối tuần

Pháp sắp công nhận "quyền được hỗ trợ qua đời"

12:46, 16/03/2024 (GMT+7)

Sau khi một số nước châu Âu cho phép an tử nhằm hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo muốn kết thúc cuộc đời, Pháp cũng tiến gần hơn việc ban hành luật về “cái chết nhân đạo”, còn gọi là “hỗ trợ qua đời”.

Bệnh nhân Alain Cocq phát trực tiếp cái chết của mình tại nhà riêng ở Dijon (Pháp) vào năm 2020 sau khi Tổng thống Emmanuel Macron từ chối yêu cầu an tử của ông. Ảnh: Reuters
Bệnh nhân Alain Cocq phát trực tiếp cái chết của mình tại nhà riêng ở Dijon (Pháp) vào năm 2020 sau khi Tổng thống Emmanuel Macron từ chối yêu cầu an tử của ông. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa công bố dự luật hợp pháp hóa việc cho phép người sắp qua đời vì bệnh nặng chọn cái chết bằng thuốc độc. Quốc hội Pháp sẽ thảo luận về dự luật này vào tháng 5 tới.

Một số điều kiện nghiêm ngặt

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, dự luật chỉ áp dụng đối với những người trưởng thành mắc bệnh không thể chữa trị và sẽ qua đời trong thời gian ngắn hoặc trung hạn, những người đang trải qua nỗi đau không thể chịu đựng về thể chất hoặc tâm lý như mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Ông Macron nhấn mạnh, chỉ những ai từ 18 tuổi trở lên và có khả năng tự nhận thức mới được phép chọn phương pháp “hỗ trợ qua đời”. Bệnh nhân đồng ý tham gia quy trình này sẽ xác nhận lại lựa chọn của mình sau 48 giờ rồi chờ tối đa 2 tuần để nhận phản hồi từ đội ngũ nhân viên y tế. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc giúp bệnh nhân trải qua “cái chết êm ái” tại nhà, viện dưỡng lão hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe. Quy trình “hỗ trợ qua đời” được kiểm soát chặt chẽ và không dành cho trẻ vị thành niên hoặc những người mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, chứng mất trí nhớ, bệnh tâm thần.

Trả lời báo Libération, Tổng thống Macron cho rằng, việc “hỗ trợ qua đời” là cần thiết vì “có những tình huống mà bạn không thể chấp nhận một cách nhân đạo”; đồng thời dự luật này nếu chính thức được ban hành sẽ “dung hòa quyền tự chủ của cá nhân và sự đoàn kết của quốc gia”. Trên trang mạng xã hội X, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal viết: “Cái chết không còn có thể là vấn đề cấm kỵ và phải im lặng”.

Hiện tại, luật của Pháp cho phép “sử dụng thuốc an thần sâu và liên tục” đối với những bệnh nhân bệnh nặng, phải chịu đựng nhiều đau đớn. Song, luật không chấp nhận an tử và trợ tử. An tử đề cập trường hợp bệnh nhân yêu cầu dùng biện pháp tích cực (như tiêm thuốc) để kết thúc sự sống và hành động này phải do bác sĩ thực hiện. Với trợ tử, bệnh nhân có quyền quyết định tự kết thúc đời mình bằng sự hỗ trợ từ một ai đó nhưng không phải bác sĩ. Bác sĩ chỉ đóng vai trò kê thuốc gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân.

Những tranh cãi

Báo The Guardian dẫn kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, 70% người dân Pháp ủng hộ việc cho phép bệnh nhân sắp chết vì bệnh nan y được quyền quyết định mạng sống của mình. Hiện người dân Pháp muốn “hỗ trợ qua đời” thường phải ra nước ngoài.

Năm 2020, ông Alain Cocq - bệnh nhân bị thoái hóa suốt 34 năm - đã viết thư gửi Tổng thống Macron yêu cầu cấp một loại thuốc an thần để ông có thể chết. Song, Tổng thống gửi thư giải thích rằng luật của Pháp không cho phép an tử. Chịu nhiều đau đớn, ông Cocq phát trực tuyến cái chết của mình tại nhà riêng ở Dijon (Pháp). Trường hợp bệnh nhân này đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và làm dấy lên nhiều ý kiến về việc cho phép an tử hay không.

Giờ đây, vẫn có những ý kiến khác nhau về dự luật của Tổng thống Macron. Các nhóm nhân viên y tế cho rằng, chính phủ muốn tiết kiệm tiền nên mới đồng ý hình thức “hỗ trợ qua đời”. TS. Claire Fourcade - Chủ tịch Hiệp hội hỗ trợ và chăm sóc giảm nhẹ Pháp thậm chí gọi đây là dự luật “tự tử được hỗ trợ về mặt y tế”.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron lý giải: “Chúng tôi chọn thuật ngữ “hỗ trợ tử vong” vì nó đơn giản, nhân đạo và được xác định rõ ràng. Thuật ngữ “an tử” đề cập việc kết thúc cuộc sống của ai đó dù có hoặc không có sự đồng ý của họ, điều này rõ ràng không xảy ra ở đây. Đó cũng không phải là việc hỗ trợ tự tử, tương ứng với sự lựa chọn tự do và vô điều kiện của một người để từ bỏ mạng sống của mình”.

Trợ tử hiện được cho phép ở Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha; còn an tử được hợp pháp hóa ở Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Tây Ban Nha kèm theo một số điều kiện nhất định.

KHÁNH LINH (theo The Guardian, AP)

.