Đà Nẵng cuối tuần

Nghiên cứu mực vẽ thân thiện môi trường

13:28, 23/03/2024 (GMT+7)

Mong muốn chế tạo mực viết, màu vẽ mỹ thuật thân thiện môi trường, nhóm Binks, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VN-UK) đã nghiên cứu thành công dự án “Botanical Inks - Mực thực vật” từ rau, củ, quả. Dự án đoạt giải Ba tại cuộc thi “Innovation Challenge 2024” và đại diện Đại học Đà Nẵng tham gia vòng chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp trong sinh viên VSTARTUP 2024” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Sinh viên Trần Nhân Kiệt, Trưởng nhóm Binks đang nghiên cứu sản phẩm màu vẽ, mực viết trong phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh.  Ảnh: H.V
Sinh viên Trần Nhân Kiệt, Trưởng nhóm Binks đang nghiên cứu sản phẩm màu vẽ, mực viết trong phòng thí nghiệm tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh. Ảnh: H.V

Nói về dự án, Trần Nhân Kiệt (sinh viên năm 2, ngành Khoa học Y Sinh), Trưởng nhóm chia sẻ, dự án nghiên cứu và ứng dụng quá trình biến đổi màu sắc của hợp chất Anthocyanin thu được từ trong những phế phẩm nông sản như rau, củ, quả nhằm sản xuất ra mực viết, màu vẽ mỹ thuật mà không sử dụng bất kỳ hóa chất độc hại nào. Ý tưởng bắt nguồn từ thực trạng mỗi ngày tại các chợ hay siêu thị sẽ có hàng tấn rau, củ, quả bị vứt bỏ, gây lãng phí tài nguyên. Chính vì vậy, nhóm nghĩ đến phương án tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, tạo ra sản phẩm mực viết và màu vẽ mỹ thuật có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng. “Trong suốt quá trình thực hiện dự án, nhóm gặp không ít khó khăn với vô số lần thử nghiệm, điều chỉnh các thông số như nhiệt độ, độ pH... Tuy nhiên, với mục tiêu đã đề ra, nhóm vui mừng khi sản phẩm mực thực vật được hai lớp học vẽ lớn trong thành phố đang sử dụng và đánh giá cao về chất lượng”, Kiệt vui vẻ nói.

Nguyễn Hoàng Thanh Trâm (sinh viên năm 2, ngành Khoa học máy tính), thành viên nhóm cho hay, để tạo ra sản phẩm mực thực vật, nhóm lấy mẫu chứa Anthocyanin từ rau, củ, quả và sử dụng dung môi phù hợp để chiết xuất Anthocyanin từ mẫu, một dung môi phổ biến là Methanol hoặc Ethanol. Mực viết và màu vẽ thu được từ hợp chất Anthocyanin trong rau, củ, quả không những an toàn mà còn sở hữu khả năng chịu phai màu cao gấp 3 lần và tốc độ khô nhanh hơn gấp 6 lần so với các sản phẩm trên thị trường.

Sinh viên Lê Văn Minh Tuấn (năm 3, ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế) thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, về mặt công nghệ, quy trình sản xuất mực viết và màu vẽ từ hợp chất Anthocyanin có trong rau, củ, quả là hoàn toàn mới lạ và chưa từng áp dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, dự án thể hiện tính sáng tạo qua khả năng đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển mực in và màu nhuộm vải ra thị trường tiềm năng trong lĩnh vực in ấn và dệt may, phù hợp với xu hướng bảo vệ môi trường.

Theo Kiệt, tính sáng tạo của dự án “Botanical Inks - Màu thực vật” còn thể hiện qua chiến lược sản phẩm và thương hiệu. Nhóm đang định vị mực viết sạch từ rau, củ, quả như một lựa chọn vừa xanh, vừa chất lượng nhằm thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng theo hướng bền vững hơn. Song song, dự án được nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng chất lượng, sự an toàn từ các chuyên gia nghiên cứu các ngành về hóa sinh, hóa phân tử và hóa ứng dụng của VN-UK cũng như nhận nhiều phản hồi tích cực về chất lượng sản phẩm từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong lĩnh vực hội họa, các họa sĩ, giới trẻ đam mê nghệ thuật.

PGS.TS Giang Thị Kim Liên, Viện phó Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh nhận định, sản phẩm mực thực vật khai thác nguồn rác thải hữu cơ vốn không mới nhưng hướng tiếp cận rất đột phá, mang tính sáng tạo cao. Đồng thời, dự án tận dụng nguồn phế phẩm rau, củ, quả để sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đây là bước đi đột phá về công nghệ so với các dòng sản phẩm truyền thống, mang lại lợi thế về tính thân thiện với môi trường và vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh về chỉ số chất lượng.

HUỲNH VŨ

.