Để áp lực trở thành lực đẩy tích cực

.

Chỉ một thời gian ngắn nữa, học sinh Đà Nẵng sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025, và cũng chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Hơn bao giờ hết, đây là quãng thời gian các bạn học sinh cần nhận được sự động viên, ủng hộ từ gia đình, thầy cô, bạn bè, giúp các em gạt bỏ được áp lực, mệt mỏi sau những ngày tháng tập trung ôn luyện căng thẳng để bình tĩnh, tự tin bước vào các kỳ thi.

Một cảnh tượng quen thuộc tại các điểm thi hằng năm là nhiều phụ huynh ngồi chờ con với gương mặt lo lắng. Dưới cái nắng gần 40 độ, những cốc nước mát được chuyền tay nhau, những ánh mắt mong ngóng hướng về phía sau cánh cổng trường, những lời hỏi han, trao đổi… khiến không gian xung quanh rộn ràng hơn. Những vị khách xa lạ cũng trở nên gần gũi, thân thiết hơn bởi họ có chung một nỗi lo, chung một điều mong mỏi - đó là các con vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.

Trong câu chuyện của phụ huynh này, các bạn học sinh đã phải trải qua những ngày tháng ôn luyện, học tập cực kỳ căng thẳng, thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm và luôn trong tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Trong câu chuyện của phụ huynh kia, có bạn học sinh còn quay cuồng học ngày học đêm đến mức không có thời gian, phải ăn hoặc ăn uống ngay tại bàn học, có trường hợp đã phải nhập viện vì loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu… do căng thẳng kéo dài. Thậm chí, xót xa hơn khi có em học sinh đã òa khóc hỏi ba mẹ: “Nếu con thi không tốt, ba mẹ có sao không?” - một câu hỏi chất chứa cả nỗi niềm lo lắng nặng trĩu, chỉ chờ chực vỡ òa trong nức nở. Thế mới biết, áp lực học tập đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Học tập là quá trình dung nạp kiến thức để nâng cao năng lực và trau dồi các kỹ năng cần thiết nhằm phục vụ cho cuộc sống. Quá trình học phải song hành với việc nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo năng lượng và tìm lại sự thích thú trong học tập. Vậy mà, khi nhìn vào thời gian biểu một ngày của nhiều em học sinh, chúng ta khó có thể tìm thấy khoảng thời gian trống giữa những giờ học. Sau khi tan trường, nhiều em học sinh không kịp thay quần áo mà đến ngay các lớp học ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng mềm…, đến khi về nhà cũng đã chín, mười giờ tối nhưng chỉ kịp bỏ cặp xuống rồi vội lao vào bàn học, học tiếp bài của ngày mai. Thậm chí ba tháng hè, học sinh cũng không được vui chơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa bởi lịch học thêm, học hè “phủ kín”.

Đành rằng “có áp lực thì mới có kim cương” - áp lực là yếu tố không thể thiếu trong quá trình học tập để người học không ngừng nỗ lực vươn lên. Khi có áp lực, học sinh sẽ có động lực phấn đấu và gia tăng mức độ tập trung để ghi nhớ kiến thức, hoàn thành tốt hơn việc học. Tuy nhiên, áp lực chỉ có tác dụng như một “lực đẩy tích cực” đối với học sinh nếu diễn ra trong thời gian ngắn và ở mức độ vừa phải. Còn một khi áp lực học tập diễn ra trong thời gian dài và bản thân gia đình cũng như cá nhân học sinh không biết cách điều chỉnh thì sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về tinh thần như stress, trầm cảm và sức khỏe ngày càng suy giảm. Việc học hành, thi cử dần dần trở thành nỗi ám ảnh của nhiều em học sinh. Cuối cùng, hậu quả để lại sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của người học, gia đình và toàn xã hội.

Bất kỳ bố mẹ nào cũng luôn mong muốn điều tốt nhất đến với con mình, nhưng đó phải là điều tốt nhất bằng năng lực thật sự của con mình. Vì vậy, đừng gây áp lực học tập quá mức cho con, chú ý động viên tinh thần, giúp các bạn học sinh chủ động tiếp nhận tri thức trong sách vở một cách thoải mái nhất. Tuổi thơ của học sinh, bên cạnh sách vở và kiến thức, còn có những giờ chơi hồn nhiên vui tươi, bổ ích, góp phần hình thành và phát triển tâm hồn của mỗi bạn. Do đó, cần sắp xếp, cân đối thời gian hợp lý giữa việc học và việc chơi để vừa đạt kết quả tốt trong học tập, vừa bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần cho thế hệ tương lai.

HUYỀN MY

;
;
.
.
.
.
.