Đà Nẵng cuối tuần

"Scarf bombing" giữ ấm trong mùa đông

14:00, 17/02/2024 (GMT+7)

Mỗi chiếc khăn quàng cổ được đặt ở nơi công cộng khi trời lạnh giá tại Canada và Mỹ có dòng chữ: “Tôi không phải khăn thất lạc! Nếu bạn đang ở ngoài trời lạnh, hãy lấy khăn này để giữ ấm”.

Những chiếc khăn quàng cổ được đặt ở khu vực công cộng tại Twin Cities, bang Minnesota (Mỹ).  Ảnh: FOX
Những chiếc khăn quàng cổ được đặt ở khu vực công cộng tại Twin Cities, bang Minnesota (Mỹ). Ảnh: FOX

“Scarf bombing” (đặt những chiếc khăn quàng cổ “handmade” ở nơi công cộng để giữ ấm cho mọi người trong những ngày mùa đông) khởi nguồn tại thủ đô Ottawa (Canada) đã gây sốt trên mạng, sau đó lan đến những nơi khác.

Hành động đẹp

Cách đây 10 năm, 14 chiếc khăn “handmade” (làm bằng tay) xuất hiện quanh cổ những bức tượng nổi tiếng ở Ottawa trong một ngày tháng 1 lạnh giá. Mỗi chiếc khăn gắn tag với dòng chữ: “Tôi không phải khăn thất lạc! Nếu bạn đang ở ngoài trời lạnh, hãy lấy khăn này để giữ ấm”. Nhiều người dự đoán đây là hành động đẹp của một số sinh viên ở Ottawa. Tuy nhiên, không ai biết chủ nhân thật sự của 14 chiếc khăn khơi mào cho phong trào “scarf bombing” là ai.

Câu chuyện được chia sẻ rộng rãi và trở thành một phần của phong trào “scarf bombing” ngày nay. Phong trào này xuất hiện khắp Canada và Mỹ - bao gồm Maryland, Virginia, Iowa, thành phố New York, Twin Cities và Jacksonville (bang Florida). Những chiếc khăn thường được quấn vào hàng rào, lan can và đặt trên những chiếc ghế dài, chủ yếu phục vụ những người vô gia cư trong những ngày trời lạnh giá.

Bà Michelle Chance-Sangthong (56 tuổi) ở thành phố Jacksonville nói với báo Washington Post: “Hầu hết chúng tôi đang làm điều này vì một người đã làm như vậy trước đó”. Bà Michelle được truyền cảm hứng từ câu chuyện “scarf bombing” trên mạng vào năm 2014 và sau đó bắt đầu chiến dịch “scarf bombing” của chính mình. Bà thành lập nhóm Scarf Bomb Jax trên mạng xã hội. Suốt 10 năm qua, nhóm này thu hút hàng chục tình nguyện viên ở độ tuổi từ thiếu niên đến 80.

Hằng năm, cứ vào mùa đông, bà Michelle và nhóm tình nguyện viên thường xuyên đặt khăn len, mũ, găng tay, áo khoác và chăn ở những khu vực có nhiều người cần tới nhất. Hầu hết những món đồ đều được nhóm tự làm thủ công. Tính đến nay, Scarf Bomb Jax đã thực hiện 15 chiến dịch “scarf bombing” và quyên góp hơn 1.600 bộ quần áo ấm.

Ai đó vẫn quan tâm đến bạn

Tại Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), bà Suzanne Volpe (71 tuổi) cũng thực hiện các chiến dịch “scarf bombing” suốt 10 năm qua. “Tôi thấy một bài đăng trên mạng xã hội vào năm 2014. Một người bạn đã gắn thẻ tôi và viết “Ai đó đang làm việc này”. Một người bạn khác ở Connecticut biết đan khăn len đã gợi ý thực hiện hành động tương tự và mọi chuyện bắt đầu từ đó”, bà Volpe kể.

Bà Volpe thành lập nhóm Scarf Bombardiers, thu hút hơn 1.700 thành viên. Mọi người thường quyên tặng sợi len và khoảng 20 tình nguyện viên của Scarf Bombardiers đã đan những chiếc khăn quàng cổ. Trong suốt những tháng mùa đông, họ đặt những chiếc khăn ở nhiều địa điểm khác nhau tại Pittsburgh và thường có người lấy đi trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Không những thế, bà Volpe luôn giữ một túi khăn quàng cổ trong xe phòng khi gặp ai đó cần giúp đỡ. Bà cảm thấy hạnh phúc khi dự án của mình phát triển trong nhiều năm và được nhiều người chia sẻ, ủng hộ. “Tôi rất thích công việc này. Tôi thích đan khăn, đưa chúng đến các khu vực công cộng và có ai đó nhận lấy”, bà Volpe bày tỏ.

Trong khi đó, tại Lancaster, bang Pennsylvania (Mỹ), bà Angelia Reed (52 tuổi) đã thực hiện chiến dịch “scarf bombing” từ năm 2015. Bà thành lập tổ chức The Wrap Up Project, chuyên quyên góp những chiếc khăn quàng cổ “handmade” và phân phát ở Lancaster, Columbia…

Bà Michelle Christensen sống ở Golden Valley, bang Minnesota (Mỹ) cũng tặng những chiếc khăn quàng cổ ở Twin Cities kể từ năm 2016. Nhóm tình nguyện viên của bà Christensen duy trì hoạt động đến nay. Họ treo quần áo quyên góp được xung quanh hai công viên - một ở Saint Paul và một ở Minneapolis. “Những chiếc khăn “handmade” và những bộ quần áo ấm truyền đi thông điệp rằng ai đó vẫn quan tâm đến bạn”, bà Christensen nói, đồng thời bày tỏ: “Viên sỏi chúng ta bỏ vào hồ càng lớn thì gợn sóng càng mạnh”.

KHÁNH LINH (theo Washington Post, ABC News)

.