Đà Nẵng cuối tuần

Cổng làng đợi những mùa xuân

16:03, 27/01/2024 (GMT+7)

Tháng Chạp đang trôi mình về thời khắc giao thừa, lòng người phức cảm bao nỗi niềm, những nỗi niềm ấy hòa vào cảnh sắc phố phường. Lòng phố thênh thang chộn rộn, lòng người hối hả chạy đua để hoàn thành nốt những công việc cuối cùng nhưng cũng không quên lắng vào bản giao hưởng của phố để cho tấc lòng rung lên, rồi chầm chậm đếm ngược từng giây phút được hồi hương…

Đã trở thành một nếp quen thân của tâm hồn người làng, chuyến xe chở niềm nao nức trở về dừng lại, bàn chân tha phương mòn mỏi xứ người khi đặt xuống đất quê đã gieo những bước đặc biệt. Rồi đưa ánh mắt để cố đọng lắng hình ảnh xóm nhỏ đang khoác áo mùa xuân. Trong ánh nhìn ấy, hình ảnh cổng làng thân thương hiện hữu. Làng trong mắt con quê bao giờ cũng đẹp như một bức tranh, bởi thế cổng làng tựa như một nét chấm phá hết sức tài tình. Tôi trở về với chốn thương của mình trong buổi sáng. Với tôi, cổng làng tựa cánh tay của một “cố nhân”, cánh tay ấy dài rộng tiễn nhìn tôi ngày rời làng, nâng bước trên những dặm trường chốn phố, và vẫy gọi tôi trở về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bước chân tôi chậm rãi để cố hít thở sâu hơn không khí của quê nhà trong mấy ngày cuối cùng của năm cũ, mùi quê sống lên đầu mũi sao đỗi thơm thảo, hồn hậu. Bất chợt những câu thơ của Bàng Bá Lân sống dậy: “Sáng hồng lơ lửng mây son/ Mặt trời thức dậy véo von chim chào/ Cổng làng rộng mở/ Ồn ào/ Nông phu lững thững đi vào nắng mai”. Đó là biểu tượng của quê hương, gắn liền với trầm tích văn hóa, lịch sử của làng và cả những kỷ niệm ấu thơ hết mực thân thương, đẹp đẽ của bao người. Miên theo dòng ý nghĩ ấy, tôi nhận ra được phía sâu trong mình, cổng làng luôn ăm ắp nỗi niềm thương nhớ, đợi chờ người làng tha hương trở về.

Con đường làng nao nức trong những ngày cuối năm. Sắc xuân đã phơi phới phủ lên mái làng. Cỏ hai bên đường để lộ những mầm biếc non tơ trong dấu tàn của mùa đông ảm đạm đã đi qua, chúng rạo rực đợi xuân sang để phơi phới khoe nhựa sống. Đồng ruộng đã xanh lên bởi những cây lúa con sau vài tuần gieo sạ. Người hối hả qua cổng làng tựa như những sứ giả của mùa xuân. Những cành đào hồng phớt run rẩy trước gió gắn sau xe, những chậu quất vàng lúc lỉu trái để cẩn thận sau những chiếc xe cải tiến. Bao ý vị mang phong sắc của mùa xuân đã được mang về làng. Không một ai khác, cổng làng chính là nơi đầu tiên chạm mình vào những phong vật tạo nên hồn xuân rạo rực.

Bỗng mưa bay, những hạt mưa nhẹ bẫng rơi trên mái tóc tôi. Mưa nói những lời nồng nàn của mùa xuân bên thềm, mưa khiến cho nỗi ngóng trông của người quê trở nên nặng trĩu. Trong mưa bay, tôi đứng nán lại một chút dưới cổng làng để rồi lặng lẽ chiêm cảm… Chẳng có cánh cửa nào bao dung như cánh cổng làng mình, chẳng có nơi nào mà ta có thể sống là chính mình khi được trở về quê mình. Tôi mến phục sự bền bỉ của cổng làng khi đã đi qua biết bao thăng trầm của thời gian, cổng làng vẫn vậy, rêu phong phủ mướt một sắc xanh từ ngàn năm, ôm phủ những viên đá ong loang lổ. Tôi nhìn dòng chữ hai bên cổng làng, những nét chữ đã được đắp nổi bao giờ, chúng gợi nhắc bao người về nguồn cội, về bản sắc văn hóa. Để rồi, dẫu có thể đi xa, dẫu có thể lặng thầm ôm nỗi nhớ Tết quê nơi mùa xuân xứ người, thì khi nghĩ về những dòng chữ khắc cốt ấy, đó cũng là một sự trở về tâm tưởng hết mực tình nghĩa với quê mẹ.

Thấu cảm cổng làng, dẫu chẳng có một lời tự bạch nào thốt ra, nhưng khi đem cả lòng mình đối cảm
với sự thân thương ấy tôi thấy rõ một niềm vui. Niềm vui ấy đi ra từ sự được làm đầy những nỗi đợi chờ, nhớ thương bấy lâu, bao xa cách khi xuân về của cổng làng. Cổng làng mở rộng lòng mình để rồi đồng điệu với người quê trở về. Với làng tôi, sự trở về ấy của những đứa con xa quê chính là những mùa xuân đẹp nhất.

Hương trầm thoang thoảng thơm từ chiếc lư hương dưới chân cổng làng, hình như ai đó vừa thắp. Về rồi, qua cổng làng rồi tôi sẽ sà mình vào căn bếp yêu thương của mẹ, vươn vai nơi khu vườn của cha để đón nhận sắc xuân, để say sưa trong men nồng của cảnh vật. Tôi cùng mẹ nấu những bữa ăn sum vầy, cùng cha uốn tỉa cho mấy chậu cảnh và chậu hoa ngoài vườn. Gió xuân qua cổng làng, rồi thổi vào bao nhà quê, gió xuân mang bao điều ý vị, gió gieo vào lòng người bao ý nghĩ về hạnh phúc năm mới. Ngồi đây, nơi hiên nhà này, sau cái cổng làng cổ kính rêu phong, khi lòng đã đầy xuân. Thoáng một chút bâng khuâng trước đất trời sắp sửa chuyển giao, thoáng một chút nuối tiếc về những câu chuyện cũ năm qua, thoáng một chút rạo rực bởi mùa tình tứ đã gần về, và rồi sau tất cả là một ý cảm về sự hồi sinh mạnh mẽ như chồi non, lộc biếc mùa xuân!

VIỆT NGỌC

.