Đà Nẵng cuối tuần

Tết này con sẽ về quê!

09:56, 23/12/2023 (GMT+7)

“Đã bao lâu mình chưa về thăm quê?”

“Đã bao lâu mình chưa đón một cái Tết trọn vẹn bên những người thân yêu nhất?”

Năm rưỡi chiều - trong lúc ngồi ở trạm xe buýt, Hà bất chợt nghĩ đến điều này. Cô gái trẻ bỗng cảm thấy kỳ lạ với những cảm xúc đang len lỏi trong lòng.

Hà là một người con sống xa quê. Cách đây hơn bốn năm, Hà sang Mỹ sau khi giành được học bổng toàn phần của trường đại học Nam California. Ngày đặt chân tới xứ cờ hoa, Hà vừa tròn mười tám tuổi. Vậy mà thoắt cái, Hà đã tốt nghiệp, đi làm. Cũng là từng ấy thời gian, Hà chưa có dịp trải nghiệm lại không khí Tết quây quần, đậm chất Việt.

***

Hà là con út trong gia đình có hai chị em. Bố Hà người Bắc, cụ thể hơn là người Hà Nội. Vì lẽ đó, ngày cô cất tiếng khóc chào đời, bố đã ghé tai mẹ thủ thỉ rằng: “Anh muốn đặt tên con là Nguyễn Xuân Nhật Hà - Xuân trong từ mùa xuân, Hà trong từ Hà Nội”. Mẹ Hà nghe bố nói vậy bèn lập tức gật đầu. Thế là, giấy khai sinh được làm liền sau đó.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bố Hà là người yêu và nặng lòng với quê hương. Từ khi Hà còn nhỏ, bố thường kể cho cô nghe nhiều câu chuyện về mảnh đất nơi mình sinh ra. Chuyện nào bố kể, Hà cũng thấy hay, cũng muốn khắc ghi thật lâu trong trái tim, tiềm thức. Bố Hà đặc biệt thích kể chuyện Tết, nhất là những hôm Tết đến cận kề. Bố bảo: “Kể để bớt đi nỗi khắc khoải, nhớ mong. Kể để cả bố, cả con đều không quên. Kể để Tết Bắc gần bố hơn một chút”. Trong ký ức của bố, Tết miền Bắc là những ngày rét tới “cắt da, cắt thịt”; là cảnh tượng khắp các tuyến phố, đường làng - người dân bày bán những cành đào bích, đào phai. Tết miền Bắc là những hôm được cùng ông bà nội thức tới tận khuya trông nồi bánh chưng; là những buổi sáng hanh hao được ngồi trước sân nhà ngắm nhìn các bác, các cô làm giò tai, giò lụa. Tết miền Bắc là những đêm được nằm chung giường, đắp chung chăn với chú út, hàn huyên đủ thứ chuyện dưới bể, trên trời. Tết miền Bắc là những sáng đầu năm được nhận phong bao lì xì, được gửi lời chúc thịnh vượng, an khang tới bà con chòm xóm…

Đến tuổi trưởng thành, bố Hà lập nghiệp xa, ở mãi tận Sài Gòn. Trong một lần đi đám cưới bạn thân, bố tình cờ quen mẹ. Hai người tìm hiểu nhau, sau đó kết hôn, sinh ra chị em Hà. Cuộc sống tha phương nơi xứ người tuy có nhiều vất vả, khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Dù đã nhiều năm trôi qua, Hà vẫn nhớ mãi hình ảnh bố dậy sớm đun nước sôi cho vào bình giữ nhiệt để mẹ con Hà mang tới lớp, tới trường. Cô gái trẻ cũng không thể quên hương vị của những bát mỳ vằn thắn nóng hổi bố nấu để ba mẹ con ăn mỗi sáng. Rồi cả những buổi tối cùng gia đình ngồi quây quần. Khi ấy, bố vừa xem, vừa hỏi Hà và chị Linh hôm nay đi học có chuyện gì đặc biệt không. Nếu có thì kể ra, coi như “dốc bầu tâm sự”.

Trong mắt mấy mẹ con, bố là người đàn ông tuyệt vời nhất. Vậy nên, mẹ, chị Linh, Hà luôn cố gắng làm những điều có thể trong khả năng để bố vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương. Đó là lý do tại sao mẹ chẳng nề hà vượt quãng đường gần hai mươi cây số giúp bố đón một người bạn từ Hà Nội vào thăm. Chị Linh sẵn sàng đi ba, bốn chợ khác nhau, cốt chọn được cành đào ưng ý đem về chưng ngày Tết. Riêng Hà đảm nhận nhiệm vụ khác: nấu thịt đông, xôi gấc, tìm chỗ đặt bánh chưng. Những việc làm này tuy hơi tốn sức, tốn công nhưng với mẹ con Hà - chỉ cần thấy bố cười tươi thì rất đáng.

***

Tốt nghiệp cấp ba, chị Linh lên đường sang Mỹ du học. Ba năm sau, tới lượt Hà. Trước khi rời Việt Nam để bắt đầu hành trình mới, mẹ con Hà đưa bố về thăm quê. Cuộc đoàn tụ diễn ra ngắn ngủi trong bốn ngày mà Hà cảm nhận rõ niềm vui đong đầy trong mắt bố. Bởi bố được gặp lại những người anh chị em “máu mủ ruột già”; được đàn cháu thơ quấn quýt, ôm thật chặt vào lòng; được ăn những món ăn đậm chất quê như: canh cá rô đồng, ruốc rang khế chua, đậu phụ om chuối. Chỉ tiếc, ngày trở về của gia đình Hà vào dịp hè chứ không phải dịp Tết. “Giá mà…” - bố khẽ thốt lên lúc chuẩn bị ra sân bay quay trở lại Sài Gòn. Nghe bố nói, Hà thấy nghẹn nghẹn trong lòng. Cô gái trẻ nắm tay bố, thì thầm: “Bố ráng giữ gìn sức khỏe, đợi con tốt nghiệp trở về. Rồi bố con mình sẽ cùng hồi hương, ăn Tết miền Bắc nhé!”. Bố gật đầu, lòng Hà dịu đi đôi chút. Kể từ khoảnh khắc đặc biệt ấy, Hà tự nhủ với bản thân: “Đã hứa thì nhất định phải giữ lời”.

Bốn năm sinh sống, học tập ở Mỹ, do đường sá xa xôi, lại thêm đại dịch Covid-19 hoành hành, Hà và chị Linh không thể về thăm bố mẹ được. Tuy vậy, điều đó chẳng ngăn nổi tình cảm gắn bó, khăng khít, bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Mỗi ngày, sau khi đi học, đi làm về, dù bận rộn đến mấy, hai chị em đều cố gắng dành thời gian gọi điện cho bố mẹ. Hà kể bố mẹ nghe mấy chuyện linh tinh, vụn vặt; chị Linh kể chuyện ở chỗ làm. Bố thì kể nhiều hôm thức thâu đêm xem bóng đá, phim cao bồi. Còn mẹ kể cho hai đứa nghe về chiếc đầm mới may, về mấy món ăn bản thân vừa biết làm ngon chuẩn vị. Trong mấy năm ăn Tết cách xa nhà nửa vòng Trái Đất ấy, dẫu trái múi giờ, cứ đến giao thừa là Hà giục chị Linh “video call”. Hai đứa chúc bố mẹ năm mới luôn mạnh khỏe, bình an, “đòi” bố mẹ lì xì lấy may. Thậm chí có năm, Hà năn nỉ mẹ ra đầu ngõ quay cảnh bắn pháo hoa để cô được nghe thứ âm thanh trong trẻo, rộn ràng trong ngày đầu tiên của năm mới.

***

Tết Quý Mão 2023 thật đặc biệt với Hà. Vì chỉ bốn tháng nữa thôi, Hà chính thức nhận bằng tốt nghiệp. Việc thực tập, làm thêm ở công ty diễn ra khá suôn sẻ, thuận buồm. Về phương diện đời sống riêng tư, Hà không còn độc thân mà đã có James - cậu bạn trai đồng hành đáng mến. Hà vui lắm. Hà quyết định dành trọn đêm 30 để chuyện trò cùng bố mẹ. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Hà thấy mình trưởng thành hơn. Cô dùng hết can đảm, ghé sát tai bố tỉ tê:

- Cuối năm nay con về, cả James nữa. Tụi con sẽ đưa bố ra miền Bắc thăm quê. Bố vui lên nha! Ước mong đón Tết Bắc của bố đang đến rất gần rồi, bố ạ!

Đáp lại Hà, giọng bố có chút trầm ngâm:

- Bố biết hai con gái yêu luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho bố. Nhưng bố già rồi, sức khỏe ngày một yếu đi nên chẳng dám mong ước lớn lao. Bố chỉ mong các con sớm trở về, cùng bố mẹ ăn bữa cơm. Còn chuyện thăm quê, chắc phải để từ từ, không nói trước được.

- Dạ, để tụi con về sau đó mình tính tiếp bố nha! - Hà nói với bố, miệng cười toe.

Đêm ấy, bố con Hà tâm sự tới tận khuya. Phải đến lúc mẹ giục bố tắt điện thoại tranh thủ nghỉ ngơi lát còn đi chúc Tết, cả hai mới dừng lại. Hà “off” facebook mà trong lòng rộn ràng khó tả. Cuối cùng, sau bao nhiêu năm khiến bố mẹ vất vả, lao tâm, cô gái trẻ cũng sắp bù đắp được cho họ phần nào.

***

Hà không thể ngờ, lời hứa, cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình, nụ hôn ấm áp gửi từ phương xa là tất cả những gì cô có thể làm. Bởi chỉ hai tuần sau, vào một chiều thứ sáu đẹp trời, Hà vừa kết thúc tiết học ở trường thì mẹ gọi điện thoại giục:

- Mua vé về gấp con ơi! Bố nguy kịch rồi.

- Chuyện là sao hả mẹ? - Hà hỏi lại, giọng hoảng hốt.

- Con đừng hỏi nữa, thu xếp về nhanh lên.

Vội cúp máy, Hà nhờ bạn đặt giúp hai vé về Việt Nam. Trên đường về phòng trọ lấy đồ, Hà gọi cho chị gái, giọng run run. Một tiếng sau, lúc hai chị em đang trên đường ra sân bay, mẹ báo tin: bố mất. Mọi cảm xúc kìm nén trong Hà lúc này như nổ tung. Hà ôm lấy chị khóc nức nở. Ba giờ sáng, chị em Hà lên máy bay - chuyến sớm nhất. Với Hà, đó là chuyến bay dài nhất cuộc đời.

Hà về đến nơi, vẫn là bố nhưng chỉ nằm im. Hà cất tiếng chào mà đợi mãi không thấy bố trả lời. Bố cũng chẳng thể cười tươi, dang rộng vòng tay đón Hà giống như trong tưởng tượng. Khuya, Hà không sao chợp mắt nổi. Hà nhớ bố, nhớ những kỷ niệm bên bố thuở ấu thơ. Đó là vào kỳ nghỉ hè năm học lớp ba, Hà đòi bố chở đi nhà sách mua bộ truyện tranh Doremon. Đường thì xa, bộ truyện thì gồm nhiều cuốn. Vậy mà, bố vẫn chiều, mua cho Hà không chút lăn tăn. Đó là vào kỳ nghỉ Tết dương năm học lớp sáu, bố tranh thủ dạy Hà đi xe đạp. Ban đầu, khi mới ngồi lên xe, Hà sợ lắm. Nhưng chỉ sau hai hôm Hà đi được bởi bố luôn ở bên chỉ dẫn tận tình và động viên: “Can đảm lên con!”.

Rồi Hà nhìn sang giường kế bên - nơi có bác Hòa, bác Hương, cô Mai, chú Dũng. Họ là những người anh chị em ruột thịt của bố mới từ miền Bắc bay vào. Nhìn họ, Hà lại nghĩ tới ước mong được đoàn tụ người thân mà bố hằng ấp ủ bao năm; cả khát khao được đón Tết Bắc, ăn dưa hành, nem rán, bánh chưng trong ngày đầu năm mới nữa. Vậy mà giờ đây, không khí Tết chưa kịp nguội đi, trái tim bố đã ngừng đập. Bố Hà quả thực quá đáng thương… Rạng sáng, Hà xoay người, chợt nghe tiếng chú Dũng thở dài. Chắc chú cũng như Hà, suốt đêm qua không ngủ.

Lo xong việc cho bố, Hà quay trở lại Mỹ. Để vơi đi nỗi đau, Hà tìm mọi cách khiến bản thân trở nên bận rộn hơn. Ấy vậy mà thỉnh thoảng - trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, Hà vẫn thấy lòng mình quặn thắt. Thật may, Hà còn có mẹ, chị Linh và James ở bên. Họ là nguồn động lực, là tình yêu, là sức mạnh lớn lao để Hà vượt lên nghịch cảnh. Bốn tháng sau, Hà nhận bằng tốt nghiệp. Ngày hôm ấy với Hà thật đặc biệt, có nhiều cảm xúc khó diễn tả thành lời…

***

Thời gian trôi qua nhanh như chớp mắt. Mới đó mà năm Âm lịch 2023 sắp kết thúc thật rồi. Trước thềm năm mới 2024 này, Hà đưa ra một quyết định quan trọng: về Việt Nam ăn Tết. Nhưng điểm đến không phải Sài Gòn mà là Hà Nội - quê hương Hà. Bởi Hà muốn hoàn thành ước nguyện dang dở của bố. Hà muốn trải nghiệm một lần đón Tết Bắc. Và trên hết, Hà muốn được sum vầy bên những người thân yêu, cùng họ chào đón thời khắc chuyển giao. Nghĩ là làm, Hà mở điện thoại đặt vé. Khoảnh khắc máy thông báo đặt vé thành công, cô gái trẻ nở nụ cười rạng rỡ như ánh bình minh.

29 Tết, sân bay Nội Bài đông như trẩy hội. Vừa rời khỏi máy bay, Hà đã cảm nhận không khí Tết rộn ràng. “Chị Hà ơi!” - Hà kéo hành lý ra cổng, chưa kịp mở điện thoại thì nghe tiếng cậu em họ Nhật Minh gọi. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, tay bắt mặt mừng. Ngồi trên taxi, ngắm nhìn đường phố quê hương sau bao năm xa cách, lòng Hà phấn chấn, mừng vui khôn xiết. Hà đặt tay lên ngực, khẽ thì thầm: “Bố con mình về nhà đón Tết thôi!”.

MINH HUYỀN

.