Đà Nẵng năm 1876 qua góc nhìn nhà thám hiểm người Pháp

.

Đầu năm 1876, sau khi vua Tự Đức được chính phủ Pháp tặng 5 tàu thủy hơi nước, nạp sẵn vũ khí và thiết bị (thực hiện theo Điều 3 của Hiệp ước Việt - Pháp năm 1874), thì Jules-Léon Dutreuil De Rhins (1846-1894), người Pháp, một nhà địa lý học, nhà thám hiểm chuyên nghiệp, từng trải trong các lịch trình hàng hải viễn dương, cùng với 4 người khác được Bộ trưởng Bộ hải quân Pháp cử làm thuyền trưởng để vận hành các thuyền chiến mà Pháp đã tặng cho nhà Nguyễn.

Tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam: ký sự du hành”, được Book Hunter và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành 2023.
Tập sách “Vương quốc An Nam và dân An Nam: ký sự du hành”, được Book Hunter và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành 2023.

Trên hải trình từ cảng Sài Gòn ra Huế năm 1876, De Rhins là chỉ huy tàu Scorpion. Trong hành trình khám phá nhiều cảng biển và cảng sông ở Đông Dương, De Rhins đã quan sát, ghi chép, sau đó xuất bản thành tác phẩm "Le royaume d'Annam et les Annamites: journal de voyage, Paris: Plon, 1879" (Vương quốc An Nam và người An Nam: nhật ký hành trình, Paris: Plon, 1879); được tái bản năm 1889.

Với mong muốn có bản Việt ngữ để nhiều độc giả có thể tiếp cận nội dung tập sách này, dịch giả Phan Tín Dụng (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng), tiến hành dịch tập sách trên cơ sở bản in năm 1889, được Book Hunter và NXB Đà Nẵng ấn hành (4-2023) với tên gọi “Vương quốc An Nam và dân An Nam: ký sự du hành”.

Tập sách gồm 16 chương, nội dung chính đề cập đến Đà Nẵng và Huế, cung cấp những tư liệu tham khảo giá trị; trong đó, Đà Nẵng hiện ra sinh động: “vịnh Tourane tuyệt đẹp có hình số 6, dài 13 cây số, rộng 11 cây số; thấy một lần không thể quên” (trang 29), cùng nhiều nhận xét của tác giả để chúng ta suy ngẫm.

Một đánh giá mà tôi cho là cần suy nghĩa sâu hơn là Tourane (Đà Nẵng), với “vị trí trung tâm của nó trên bờ biển An Nam, trong một tỉnh giàu có và giáp giới phía Nam của vịnh Bắc Bộ, thiếu các cảng xứng với danh xưng, đã luôn thu hút sự chú ý của du khách, và mang lại cho nó một danh tiếng xứng đáng; nhưng phải thừa nhận rằng trong tay người An Nam, hải cảng này hầu như không có giá trị gì. Chừng nào tình trạng này còn tồn tại, chừng nào việc ngoại thương thực hiện bằng các phương tiện thuyền nhỏ hoặc thuyền mành, thì Tourane sẽ còn nhường chỗ cho cảng Kiame [Chăm, tức Đại Chiêm hải cảng], một điểm trung tâm hơn, và là chợ chính của tỉnh.

Tương lai thương mại của Tourane không chỉ phụ thuộc vào số phận chính trị của nó, mà còn phụ thuộc vào số phận của các tỉnh lân cận; sẽ không đáp ứng đủ cho việc các con tàu đóng ở châu Âu đến bốc hàng ở đó, nhưng điều cần thiết là người châu Âu phải định cư với số lượng lớn ở xứ này, họ đảm nhận các công việc cần thiết để Tourane trở thành một cửa ngỏ ra vào dễ dàng cho mọi sản vật, không chỉ của tỉnh Quảng Nam, mà là Quảng Ngãi… và họ phải thu dọn các dải cát đang xâm chiếm cảng mỗi ngày. Không có gì đáng ngại về công việc này: có rất nhiều sông cũng như nhiều dòng suối có thể được nối với nhau bằng các kênh đào; một tuyến đường sắt chạy dọc theo bờ biển rất dễ xây dựng (sau này chúng ta sẽ thấy rằng việc khoan khối núi Ải Vân sẽ tốn ít công sức hơn lúc người ta thoạt nhìn); đối với các bãi cát do sông Hàn hình thành, không gì dễ hơn là nạo vét chúng và loại bỏ nguyên nhân toàn bộ một lần, bằng cách chuyển dòng chảy sông ra đại dương, băng qua eo cát nhỏ của Sơn Trà” (trang 43-44).

Hoặc khi nói về sông Cu Đê: “Một con đường rất thuận lợi dẫn chúng tôi xuyên qua rừng tre bên bờ sông, con sông này trước khi đổ vào lòng vịnh phía Tây Nam, hai nhánh của nó bao quanh một hòn đảo cây cối rậm rạp. Ở đó có một con đò ngang đưa chúng tôi sang bờ bên kia, một trong những vị trí tuyệt đẹp và đồng thời thơ mộng nhất của vịnh Tourane, vì du khách chỉ cần phóng tầm mắt ra xung quanh sẽ thấy những cảnh trí đẹp nhất và cảnh quan đa dạng nhất” (trang 130-131).

Trên đường bộ từ Tourane ra Huế, De Rhins nhận xét: “Khi chúng tôi được đưa qua phía cửa đầm bên kia, khối núi hùng vĩ vẫn còn cuốn hút chúng tôi. Chắc chắn sẽ có một ngày, du khách dễ dàng vượt qua nó chỉ trong vài phút (tận dụng các hẻm núi, có thể không cần làm tới năm cây số đường hầm); nhưng đường sắt sẽ không làm mất đi niềm vui thích đó!” (trang 139).

Có thể nói rằng, một góc nhìn của người ngoại quốc về Việt Nam nêu trên, bên cạnh sự ảnh hưởng cách nhìn yếu tố chính trị đương thời, thì rất đáng được lưu tâm, nhất là khi góc nhìn ấy là của một người đam mê đường biển, một chuyên gia hàng hải, có xuất thân từ quốc gia có nền hải quân và hải thương thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Qua vài ý trích dẫn phác thảo trên có thể thấy rõ hiện trạng, ưu thế và nhược điểm của cảng Đà Nẵng vào năm 1876. Đặc biệt, thông qua các quan sát của mình, De Rhins cho rằng, điều cần thiết là người châu Âu phải định cư với số lượng lớn ở xứ này, đây cũng là cơ sở để chính phủ Pháp muốn lấy Tourane làm nhượng địa sau này.

Cùng với đó, De Rhins cũng đã hình dung và đưa ra nhận xét có tính dự báo về tuyến đường đèo Hải Vân khi nêu ý tưởng đào một đường hầm qua núi, nhưng vẫn nên giữ tuyến đường sắt ven theo sườn núi như hiện nay. Ngoài ra, tập sách còn cung cấp nhiều thông tin về sinh hoạt văn hóa, lối sống của người dân và tầng lớp quan lại, về quang cảnh Đà Nẵng và vùng lân cận, góp thêm  tư liệu nghiên cứu lịch sử Đà Nẵng hiện nay.

VÕ HÀ

;
;
.
.
.
.
.