Chụp ảnh dạo, một thời 'vàng son'

.

Cầm chiếc máy ảnh kỹ thuật số trên tay, vội mời chào du khách chụp ảnh lưu niệm là công việc mà anh Hải, chị Thơ và những thợ chụp ảnh dạo khác thực hiện trong nhiều năm nay. Kể từ khi công nghệ số phát triển cùng với sự ra đời của điện thoại thông minh (smartphone), ký ức “vàng son” của nghề chụp ảnh dạo có lẽ chỉ còn trong hoài niệm của những người thợ này.

Chị Đoàn Thị Thơ chụp ảnh cho khách trên cầu Rồng. Ảnh: VĂN HOÀNG
Chị Đoàn Thị Thơ chụp ảnh cho khách trên cầu Rồng. Ảnh: VĂN HOÀNG

1. Thấy đôi bạn trẻ người Hà Nội trên cầu Rồng, anh Cao Văn Hải (56 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) niềm nở: “Chụp ảnh đi hai em, một tấm 20.000 đồng, đợi một phút lấy liền”. Sau một hồi anh Hải cố thuyết phục, hai vị khách đồng ý. Câu nói quen thuộc “ba, hai, một” lại vang lên. Chụp xong, anh Hải đến chiếc xe máy có gắn máy in, cắm thẻ nhớ vào máy. Đợi gần 2 phút, hai vị khách có ngay tấm ảnh vừa chụp.

Khi được hỏi về cái nghề một thời vang bóng, anh Hải chia sẻ, sinh ra tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), vì điều kiện gia đình khó khăn nên anh nghỉ học từ sớm và học nghề thợ may. Công ăn việc làm vừa ổn định, anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vào năm 1989. Sau khi rời quân ngũ, anh Hải học nghề và dần “bén duyên” với công việc chụp ảnh rồi gắn bó gần 30 năm nay.

Nhớ lại trước đây, cứ mỗi chiều, anh đồng hành với chiếc máy ảnh đến bãi biển Mỹ Khê đợi khách. Tầm vài phút lại có một lượt khách. Theo anh, chụp tấm nào phải chắc tay tấm đó, bởi hỏng một tấm là mất đi một miếng phim trong cuộn. Chụp đến hơn 17 giờ thì anh nghỉ. Hôm sau, anh đi “rửa” ảnh rồi giao tận tay khách hàng.

Nói về địa điểm “ăn khách” của nghề chụp ảnh dạo trong những năm 2000, anh Hải khẳng định: “Không có chỗ nào chụp đẹp và ưng ý bằng cầu Sông Hàn”. Lúc mới có cầu Sông Hàn, lượng người dân và du khách đổ về tham quan càng nhiều nên nghề chụp ảnh dạo càng ăn nên làm ra. Vì lẽ đó, anh Hải được những người trong nghề đặt biệt danh “Hải Cầu”, bởi số lượng ảnh chụp mỗi đêm “vượt chỉ tiêu”.

“Hồi đó, mỗi đêm chụp từ 100-150 tấm ảnh là chuyện bình thường. Thu nhập hằng đêm lên đến cả triệu đồng. Cả thợ lẫn khách đều đông. Sau một thời gian, nhu cầu của khách giảm dần, nhiều anh em không bám nghề nổi, phải tìm việc mới”, anh Hải kể.

Rồi với sự phát triển của công nghệ và smartphone trở nên phổ biến, những thợ chụp ảnh dạo như anh Hải dần mất chỗ đứng. Qua năm tháng, lượng khách mỗi ngày một ít dần. Từ số lượng vài chục thợ trên cầu Sông Hàn hiện còn vài người. Nghề chụp ảnh dạo đã qua “thời kỳ vàng son” và có lẽ dăm ba năm nữa chỉ còn trong ký ức của những người thợ lão làng như anh Hải.

2. Cứ tầm 18 giờ 30, chị Đoàn Thị Thơ (55 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) lại đến cầu Rồng. Người bạn đồng hành với chị là chiếc máy ảnh kỹ thuật số cùng máy in màu. Hơn 30 năm thâm niên, chị Thơ là một trong số ít những phụ nữ kiên trì còn bám nghề chụp ảnh dạo đến bây giờ. Với chị Thơ, nghề chụp ảnh dạo đã qua thời “vàng son”, nên khách ít cũng là lẽ thường tình. Đôi lúc chị Thơ có ý định bỏ nghề nhưng chỉ sau vài hôm, chị lại mang máy đi chụp trở lại.

Chị Thơ chia sẻ, ban đầu, chị là nhân viên “chấm ảnh” của một cửa tiệm. Cũng như anh Hải, chị Thơ làm công việc này bởi đây là nghề hưng thịnh. Trước đây, khi chưa có máy vi tính, việc chỉnh màu da, che khuyết điểm, tạo mắt hai mí, mũi thon gọn… đều được chị Thơ làm bằng thủ công. Thấy tôi ngạc nhiên, chị cười vì “thời này có mấy ai nhớ đến việc này nữa đâu”. Trong lúc rảnh rỗi, chị kể cho tôi nghe những thăng trầm của nghề chụp ảnh dạo.

Theo lời chị, “sướng nhất” là những năm điện thoại thông minh chưa ra đời, người người, nhà nhà đều muốn lưu giữ lại kỷ niệm nên nghề chụp ảnh rất “hot”. Tuy nhiên, ngoài việc biết chụp ảnh, người thợ cần có sự tỉ mỉ, kiên trì, bởi khi chụp bằng máy phim, chỉ cần bị lỗi một chi tiết, khách hàng không ưng ý là mất ngay một tấm phim. Vì vậy, câu cửa miệng quen thuộc của giới chụp ảnh dạo là “ba, hai, một”. Sau này, máy ảnh kỹ thuật số ra đời, chị Thơ cùng nhiều thợ khác vẫn giữ câu “thần chú” đó như muốn tự nhắc nhở bản thân phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết khi chụp ảnh.

Gắn bó với nghề hơn 30 năm, chị Thơ gặp không ít chuyện vui buồn. Nhiều khách hàng chụp ảnh nhưng chỉ trả một nửa tiền và “xù” không lấy ảnh là chuyện thường xảy ra. Đôi khi gặp những vị khách khó tính, chị Thơ luôn cẩn thận chụp thật đẹp. Những lúc khách hàng không hài lòng về ảnh, chị cũng cười nhẹ nhàng.   

Vào dịp Tết, đường hoa Bạch Đằng luôn là địa điểm thu hút người dân và du khách, chị Thơ cùng những thợ chụp ảnh dạo khác không nghỉ Tết mà túc trực tại đây, bởi khoảng thời gian này là cơ hội kiếm được nhiều tiền nhất. Có những mùa Tết, chị kiếm được cả chục triệu đồng. Ngoài ra, chị Thơ cho biết, khoảng thời gian sinh viên tốt nghiệp cũng là “mùa Tết thứ 2” của giới chụp ảnh dạo. Dù có điện thoại di động nhưng nhiều người vẫn muốn trực tiếp cầm trên tay tấm ảnh trong bộ trang phục cử nhân. Với giá tiền từ 150.000 - 200.000 cho khổ 30x45cm và lấy ngay trong lễ tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên cùng gia đình sẵn lòng chụp ảnh.

Gặp một đoàn khách du lịch, chị Thơ dừng câu chuyện với tôi để mời chào khách chụp ảnh. Còn tôi cũng hiểu thêm về những gì chị chia sẻ rằng, nghề nào cũng vậy, phải thay đổi, tiếp thu cái mới chứ không thể sống trong quá khứ “vàng son” mãi.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.