Vẫn là con của mẹ

.

Ông dáng quắc thước, râu rậm, mày đen còn bà thì tóc ngắn chưa hề ngả màu, họ ngồi bên nhau, nhẹ nhàng trì chí trên khán đài. Rất hiếm khi thấy họ bật dậy hò hét cổ vũ con trai, dù sau một pha bóng xuất thần của Federer làm cả khán đài bùng vỡ. Họa hoằn lắm mới thấy bà nghiêng đầu ghé môi vào tai chồng thì thầm điều gì đó với gương mặt ra chiều lo lắng. Ông thì cười híp mắt chỉ khi nhận ra phần thắng nằm chắc trong tay con mình… Cặp vợ chồng già Roberto Federer-Lynette dường ít khi vắng mặt trên khán đài mỗi bận con trai họ - Roger Federer ra sân.

Federer thành công nhờ bố mẹ.
Federer thành công nhờ bố mẹ.

Với ông Roberto, đó là niềm vui nhưng với bà Lynette, đó còn là trách nhiệm từ nỗi lo của bậc sinh thành. Mỗi lần Federer ra sân, nhất là ở các giải đấu thu hút đông đảo người hâm mộ, là mỗi lần bà Lynette vừa hy vọng vừa bồn chồn. Thói quen này của người mẹ có từ lâu lắm rồi, vào thời Federer còn trẻ.

Ngày ấy, chàng trai Federer không kiềm được lòng háo thắng, thường phản ứng không đúng mực sau một pha bóng hỏng. Cậu cằn nhằn cáu gắt với chính mình, lắm lúc toan đập vợt xuống mặt sân cho hả giận. Ngồi trên khán đài chứng kiến thái độ của con trai, cả ông bố và bà mẹ tự thấy xấu hổ ngượng ngùng. Đến nỗi, sau một trận thắng của Federer, trong bữa tối của gia đình, ông Roberto nhìn thẳng mặt con trai dọa nếu còn như thế thì ông thà ngồi nhà còn hơn đến sân. Nhỏ nhẹ nhưng nghiêm khắc, bà Lynette bảo với Federer rằng thái độ cáu gắt kia chẳng khác nào tự kéo mình xuống thấp và trao cho đối thủ ưu thế tinh thần. “Xem kìa, nó có khác gì con bảo với anh ta rằng hãy đánh thắng tôi đi nào!”, giọng người mẹ ân cần.

Khí chất người cha, tấm lòng người mẹ đã góp phần thay đổi hẳn một Federer nông nổi. Nghe lời cha mẹ, anh tự kiềm chế và chủ động kiểm soát thái độ. “Thật may mắn, lời chỉ dạy của bố mẹ giúp tôi dần nhận ra ý nghĩa, giá trị thể thao, có cái nhìn bao quát về một cuộc tranh tài”, Federer tâm sự. Từ trận này đến trận khác, hết giải này đến vận hội kia, tay vợt Thụy Sĩ nhận ra một cách thấm thía rằng cuộc chơi không hề đóng khung trong bốn đường biên của sân đấu nhỏ gọn mà lan tỏa trong không gian rộng lớn, lưu dấu thời gian lắm khi miên viễn.

Đứa con trai cũng kịp hiểu rằng bất cứ phản ứng thiếu kiềm chế, cách hành xử thiếu tinh thần thượng võ nào của mình cũng có thể gây buồn phiền cho song thân. Và rằng chưa chắc chiến thắng, chưa chắc vinh quang này hay danh hiệu nọ của đứa con có thể nhanh chóng xua tan nỗi thất vọng của người già…

Đằng sau một Federer lịch lãm bây giờ có bóng dáng dìu đỡ của bố và mẹ anh. Anh tự nhận thành quả thể thao của bản thân xuất phát từ sự chăm sóc chỉ bảo ân cần của bố mẹ và nhận ra mình vẫn còn là chàng trai trẻ như thuở nào mỗi lúc ra sân nhìn lên khán đài với chỗ ngồi quen thuộc trên kia.

Vào tuần tới, giải Grand Slam cuối cùng trong năm 2019- US Open- khởi tranh với Federer là hạt giống số 3 ở nội dung đơn nam. Sau thất bại cay đắng ở trận chung kết Wimbledon vừa rồi, Federer càng khao khát nhiều hơn về danh hiệu Grand Slam thứ 21 trong sự nghiệp dù nhiều người dự đoán cái đích ấy khá cao so với phong độ và tuổi tác của anh bây giờ. Anh từng 5 lần liên tiếp vô địch ở sân New York nhưng từ năm 2015 đến nay chưa một lần vào đến trận cuối cùng của giải đấu trên đất Mỹ. Nhưng có hề gì, người đàn ông 38 tuổi vẫn tin vào sức mình, tin vào niềm vui mang về cho bố mẹ.

Và rồi khán đài New York lại xuất hiện đôi vợ chồng già thầm lặng dõi theo từng đường bóng của con trai. Lại híp mắt cười hồn nhiên như ông bố Roberto, lại nhíu mày lo âu như bà mẹ Lynette. Gì đâu mà phải ngạc nhiên, bởi “con dù lớn vẫn là con của mẹ”…

Đình Xê    
 

;
;
.
.
.
.
.