Nhân lực công nghệ thông tin tại cơ sở

.

Trong thời buổi khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chất lượng nguồn nhân lực. Đà Nẵng khi triển khai xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), không thể không dựa vào đội ngũ những người chuyên cầm tay chỉ việc tại cơ sở.

Thành viên Tổ hướng dẫn tình nguyện cải cách hành chính xã Hòa Phước hướng dẫn người dân truy cập các nội dung của “Văn phòng không giấy” tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã.
Thành viên Tổ hướng dẫn tình nguyện cải cách hành chính xã Hòa Phước hướng dẫn người dân truy cập các nội dung của “Văn phòng không giấy” tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã.

Từ quận, phường đến tổ dân phố

Cuối năm 2018, UBND quận Liên Chiểu xây dựng đề án “Quận thông minh, thí điểm tại quận Liên Chiểu” với sự tư vấn chuyên môn của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đề án gồm các giải pháp lấy người dân/ doanh nghiệp làm trung tâm, các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm dựa vào 6 trụ cột chính: Quản trị thông minh; đời sống thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; công dân thông minh; kinh tế thông minh.

Theo nhận định của ông Mai Phước Tuấn, chuyên viên phụ trách CNTT Phòng Văn hóa-Thông tin (VH-TT) quận Liên Chiểu, trong 6 trụ cột chính đó, có trụ cột liên quan sát sườn đến đời sống của người dân, như việc tổ chức các lớp học thông minh, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm (làng nghề) bằng công nghệ QR code.

Khi mà nước mắm truyền thống Nam Ô đang phấn đấu để lọt vào Danh mục di sản phi vật thể cấp quốc gia, việc sử dụng loại mã vạch hai chiều (còn gọi là mã phản hồi nhanh) này sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện ngay tức thì sản phẩm chính hiệu.

Trụ cột “Công dân thông minh” sẽ đưa ứng dụng Quận thông minh đến với người dân. Công dân có thể nộp hồ sơ qua mạng thay vì trực tiếp đến gặp cán bộ ở bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; việc nộp phí, lệ phí cũng sẽ đơn giản hơn với biên lai điện tử, người nộp muốn kiểm tra có thể truy cập vào các trang tương ứng.

Quận Liên Chiểu là địa bàn có những “điểm nóng” về môi trường. Trụ cột “Môi trường thông minh” sẽ tổ chức quan trắc môi trường khí thải khu dân cư, các hồ điều hòa, các bãi rác...

Mọi việc đang tiến hành thuận lợi theo đúng tiến độ. Ông Nguyễn Bá Nam, Phó phòng VH-TT quận, tổ phó thường trực Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo Đề án cho biết, dự kiến ngày 10-4-2019 sẽ chốt nội dung đề án và trình UBND thành phố xem xét. Từ đó đến cuối tháng 10-2019, nếu được phê duyệt, dự án Quận thông minh Liên Chiểu sẽ được cấp kinh phí 20 tỷ đồng giai đoạn 2019-2020, và cũng chừng đó kinh phí cho giai đoạn 2021-2022.

Triển khai đề án, cái khó nhất, theo ông Nam, là vấn đề nhân lực để vận hành hệ thống và sự hưởng ứng, tương tác của người dân. Mục đích đề án là phục vụ dân mà dân đứng ngoài thì khó thể thành công được.

Muốn thành công, dự án cần phải triển khai đồng bộ ba giải pháp: công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Trong đó, giải pháp cuối cùng là nỗi lo không chỉ riêng quận Liên Chiểu. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tinh giản biên chế khiến cho không ít các phòng, ban ở quận Liên Chiểu (và nhiều nơi khác) thiếu hẳn cán bộ phụ trách CNTT.

Để vá lỗ hổng này, Phòng VH-TT quận đề xuất quận ưu tiên xây dựng và đào tạo cán bộ CNTT, nhất là cán bộ trẻ. Không chỉ ở cấp quận, phường, mà ngay cả cán bộ ở các khu dân cư, tổ dân phố cũng phải được tập huấn, bồi dưỡng về CNTT. “Anh tuyên truyền về đô thị thông minh mà chính anh không đi đầu trong việc đưa ứng dụng CNTT vào công việc ở cơ sở thì dân ai mà nghe theo”, ông Nam nói.

Nông thôn mới với “Đô thị thông minh”

Huyện Hòa Vang, với địa bàn rộng và nhiều địa hình không đồng nhất, nhiều xã/thôn nằm ở vùng miền núi, việc đưa ứng dụng CNTT thời gian qua đã từng bước đưa chính quyền gần lại với công dân qua các mô hình như: Nhắn tin SMS đến tận công dân; phần mềm Đối thoại trực tuyến (tiếp xúc cử tri trực tuyến); làm thủ tục hành chính ngay tại thôn; sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho cán bộ bộ phận một cửa huyện, xã và tổ chức, công dân...

“Khi Đà Nẵng triển khai xây dựng đô thị thông minh, huyện Hòa Vang ngoài việc tiếp tục triển khai các mô hình, giải pháp đã có, sẽ tiến hành một số giải pháp mới nào trong ý hướng không thua sút các quận nội thành trong “cuộc đua” về kỹ năng ứng dụng CNTT?”. Trả lời câu hỏi này, ông Phan Thanh Phong, chuyên viên phụ trách CNTT Văn phòng UBND huyện, cho biết ngoài việc triển khai xây dựng đô thị thông minh theo lộ trình của thành phố, trong năm 2019, UBND huyện xác định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hành chính. Đáp ứng cho công tác này là việc đầu tư nâng cấp hệ thống mạng LAN, wifi khối nhà làm việc UBND huyện, triển khai phần mềm kiểm soát văn bản chỉ đạo điều hành đến các xã.

Ngoài việc tiếp tục triển khai thí điểm “Điểm lồng ghép hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4” đối với thủ tục hành chính cấp huyện tại các xã Hòa Phước và Hòa Nhơn, mở rộng áp dụng tại xã Hòa Bắc, UBND huyện triển khai nhân rộng “Điểm ứng dụng CNTT nông thôn mới kiểu mẫu” nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Để giúp công dân, tổ chức tiếp cận thông tin, UBND xã Hòa Nhơn trao tặng 15 bộ máy vi tính cho 15 thôn với tổng số tiền trên 100 triệu đồng từ nguồn huy động xã hội hóa.
Để giúp công dân, tổ chức tiếp cận thông tin, UBND xã Hòa Nhơn trao tặng 15 bộ máy vi tính cho 15 thôn với tổng số tiền trên 100 triệu đồng từ nguồn huy động xã hội hóa.

Trước đây, các hồ sơ thủ tục hành chính của công dân được bộ phận chuyên môn xử lý qua nhiều khâu, rồi luân chuyển văn bản giấy từ huyện lên xã và ngược lại nên kéo dài thời gian nhận và trả kết quả.

Từ năm 2016, huyện đã ban hành danh mục các thủ tục hành chính thực hiện quét hồ sơ luân chuyển trên phần mềm “Một cửa điện tử” đồng thời đầu tư 2 máy quét tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả ở huyện, chỉ đạo 7 xã đầu tư 7 máy quét tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các xã. Nhờ đó, cán bộ chuyên môn dù ít nhưng vẫn giải quyết hồ sơ công dân nhanh chóng, kịp thời mà không nhất thiết phải chờ hồ sơ giấy như trước đây.

Cũng như quận Liên Chiểu, trong lộ trình tiến đến đô thị thông minh, huyện Hòa Vang đang đầu tư đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại sơ sở nhằm phấn đấu đến cuối năm 2019, Hòa Vang được thành phố đánh giá huyện xếp hạng chính quyền điện tử cấp II; ít nhất có 6 xã đạt xếp hạng chính quyền điện tử cấp 2 và 5 xã đạt xếp hạng chính quyền điện tử cấp 3.

Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng: Không mấy khó khăn khi đưa công nghệ thông minh đến với rộng rãi công dân

Cán bộ CNTT chuyên sâu ở Liên Chiểu rất ít. Trước mắt, ngoài việc nâng cao nguồn lực tại chỗ (đặc biệt là các phòng, ban chuyên môn có liên quan đến đề án), chúng tôi có thể sẽ thuê chuyên gia từ các đơn vị lắp đặt trang thiết bị để họ hướng dẫn, tư vấn đội ngũ CNTT của Liên Chiểu trong việc quản lý, thực hiện rồi điều hành toàn bộ dự án về sau này.

Dự án lấy công dân làm trung tâm, nhưng dân trí của người dân quận Liên Chiểu không đồng đều. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công dân trong thực hiện đô thị thông minh phải song hành với đào tạo cán bộ CNTT. Tỷ lệ người dân sử dụng các ứng dụng (app) trong điện thoại thông minh (smartphone) giờ đã khá phổ biến, nên tôi nghĩ sẽ không mấy khó khăn khi đưa công nghệ thông minh đến với rộng rãi công dân.

Quận sẽ tập huấn cho một số cán bộ làm “hạt nhân công nghệ thông minh” tại các khu dân cư, tổ dân phố nhằm tiến tới mọi công dân có thể ngồi ở nhà, chỉ cần truy cập vào các app tương ứng sẽ nắm bắt được hiện trạng một số lĩnh vực trên địa bàn quận như: môi trường (ví như bãi rác Khánh Sơn), an toàn giao thông (tại các giao lộ), an toàn thực phẩm (tại các chợ)...

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.