Xây dựng Trung tâm Dưỡng lão Đà Nẵng: Thêm mảng sáng cho "Thành phố đáng sống"!

.

4 năm trước, những ai mong muốn có một cơ sở chăm sóc người cao tuổi (NCT) đã rất háo hức khi đọc tin “Sắp có Trung tâm Dưỡng lão thành phố Đà Nẵng” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày 3-4-2014. Thế nhưng nay đã bước qua tháng 10-2018 mà công trình này vẫn còn nằm... trên giấy.

Bà Nguyễn Thị Thiệp (phải) mong rằng Trung tâm Dưỡng lão Đà Nẵng cũng có các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe người già như nơi bà đang sống. Ảnh: V.T.L
Bà Nguyễn Thị Thiệp (phải) mong rằng Trung tâm Dưỡng lão Đà Nẵng cũng có các trang thiết bị chăm sóc sức khỏe người già như nơi bà đang sống. Ảnh: V.T.L

Thiếu vốn và chưa định hình hình thức quản lý

Về những vấn đề liên quan đến dự án Cơ sở dưỡng lão trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Lê Đức Yên, Phó phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) hôm 28-9-2018 trả lời phóng viên qua thư điện tử như sau:

“Cơ sở dưỡng lão trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Sơ đồ ranh giới sử dụng đất tại Quyết định số 3313/QĐ-UBND ngày 26-5-2014, với tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch 10.840m2 (lô A2.8), thuộc Khu E2 mở rộng (giai đoạn 1) – Khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng - PV) là đơn vị đề nghị được tham gia thực hiện dự án, đứng ra vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, cho đến nay, Sở Xây dựng chưa nhận được thông tin chính thức nào về việc có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án. Như vậy, kinh phí thực hiện vẫn tiếp tục là vấn đề khó khăn để có thể trả lời đến bao giờ thì dự án này được xây dựng”.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại ngày 30-9, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay:

“Đến nay vẫn chưa định hình cụ thể hình thức quản lý của Trung tâm Dưỡng lão (TTDL) Đà Nẵng: là cơ sở đầu tư hợp tác giữa công và tư hay Nhà nước đầu tư hẳn để chúng tôi làm công tác an sinh xã hội. Nhà nước cho chúng tôi thuê đất để tìm nhà đầu tư hay Nhà nước có phần ưu ái để chúng tôi vừa có thể phục vụ công tác an sinh xã hội vừa tranh thủ các nhà đầu tư. Đây là lý do mà các nhà đầu tư chần chừ chưa tham gia”.

Ông Lê Đức Yên cho biết, vừa qua, Bệnh viện C Đà Nẵng có đề nghị tham gia đầu tư xây dựng TTDL thành phố Đà Nẵng tại khu đất gần 1,1ha nói trên với nguồn vốn dự kiến xin hỗ trợ từ Trung ương. “Theo Thông báo số 52/TB-UBND ngày 26-4-2018 về Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp nghe các sở, ngành chức năng báo cáo xin chủ trương đầu tư và phương án kiến trúc, quy hoạch một số dự án, công trình trên địa bàn thành phố: Giao cho Bệnh viện C Đà Nẵng lập đề án xây dựng TTDL cụ thể (trong đó lưu ý tính cấp thiết, khả thi của dự án, kinh phí và thời hạn đầu tư xây dựng… tránh trường hợp quy hoạch treo), lấy ý kiến các cơ quan liên quan, báo cáo UBND thành phố xem xét chủ trương chọn địa điểm”, ông Yên thông tin.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết: “Sở Xây dựng mới gửi công văn qua thôi chứ chưa biết tiến hành thủ tục như thế nào, nghĩa là mới tiếp nhận chủ trương chứ chưa biết khu đất đó nằm ở đâu nữa”.

Như thế, vẫn chưa biết bao giờ TTDL mới được xây dựng!

Không phải chuyện một sớm một chiều

Ở Đà Nẵng, trong lúc TTDL chưa thành hình ngoài hiện thực thì NCT được chăm sóc tại 3 cơ sở: Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng (64 Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn), Trung tâm Mái ấm tình thương (18 Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn), Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng (148, Đà Sơn, quận Liên Chiểu).

Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Đà Nẵng cho biết đơn vị tháng 5 vừa qua đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1 khu nhà mới xây dành cho Khối bảo trợ (hoàn toàn “bao cấp” theo đối tượng BTXH), là nơi “an cư” cho 70 NCT và 100 người gồm trẻ em, người khuyết tật. 70 người già không nơi nương tựa này tuổi từ 60 đến 102; người già nhất là cụ Nguyễn Thị Lan, người thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.

Giai đoạn 2 đang thi công Khối dịch vụ dưỡng lão, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 6-2019 với quy mô tiếp nhận khoảng 150 NCT. Theo bà Hương, đây là cơ sở dịch vụ nên giá dịch vụ của khối này phần cứng được dựa trên cơ sở mặt bằng đơn giá Nhà nước ở Khối bảo trợ cộng với một số chi phí tăng thêm như: Cho ăn qua ống thông (sonde), lương nhân viên chăm sóc, điện nước, khấu hao tài sản, BHYT…

Thành lập một cơ sở dịch vụ chăm sóc NCT không phải chuyện một sớm một chiều. Ông Trần Công Be, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH, từng đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm tổ chức các cơ sở dưỡng lão ở hai đầu đất nước để về triển khai thực hiện.

Hà Nội hiện có 3 cơ sở lớn thuộc loại hình này (chưa kể gần 10 cơ sở nhỏ lẻ); trong đó đáng nể nhất là Viện Dưỡng lão Thiên Đức - cơ sở này phải mất 5 năm thể nghiệm trước khi trở thành một trong những trung tâm chăm sóc NCT hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Người dân Đà Nẵng có mức thu nhập trung bình chưa cao nên sau khi tham khảo các nơi, ông Be đề xuất mức thu dịch vụ dưỡng lão ở Đà Nẵng bằng khoảng 2/3 mức thu hai đầu đất nước. Ví như Hà Nội thấp nhất 6,5 triệu đồng/người/tháng thì Đà Nẵng chỉ thu 4,5 triệu đồng.

Nhìn chung, tuy NCT vào Khối dịch vụ dưỡng lão ở đây phần lớn còn “lành lặn” cả về thể chất lẫn tinh thần (nên công chăm sóc ít hơn so với Khối bảo trợ) nhưng để có một cơ sở dưỡng lão đạt chuẩn còn đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Người cao tuổi được chăm sóc tốt

Đầu tháng 11-2015, bà Trương Thị Ngự (82 tuổi, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nguyên cán bộ Hội LHPN tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, vào Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng.

Hồi còn ở khu tập thể Hội LNPN thành phố Đà Nẵng, có lần bà đau nặng, thấy đứa cháu kể “ăn cắp” giờ Nhà nước vô bệnh viện chăm sóc mình, bà sợ cháu bị đuổi việc. Từ khi vô trung tâm, đau ốm có người chăm, ăn uống đều đặn, thuốc men đầy đủ… sức khỏe bà tốt dần lên.

Cụ Nguyễn Thị Lan (bìa trái) đã bước qua tuổi thế kỷ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Cụ Nguyễn Thị Lan (bìa trái) đã bước qua tuổi thế kỷ được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Bà nói: “Ở nhà làm chi được rứa. Con sáng nấu cơm xong lo đi làm, trưa về nấu cơm rồi dọn dẹp vệ sinh, xong đóng cửa cái rẹt đi làm tiếp. Chứ mô được chăm sóc liên tục như ở đây. Người có điều kiện thì thuê người chăm sóc cha mẹ, nhưng họ làm chi mình cũng chịu, ở đây hộ lý mà làm chi không đúng là mình góp ý”.

“Hàng xóm” bà Ngự là bà Nguyễn Thị Thiệp (72 tuổi, quê Thái Bình, trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu). Không còn thân thích, vào Trung tâm gần 1 năm trước, bà cảm thấy cuộc sống ở đây thật thoải mái. Từng bị tai biến, rồi bị thay khớp gối, sức khỏe có giảm sút, mỗi sáng bà tới phòng Vật lý trị liệu tập đi bộ, chiều dạo quanh bãi biển.

Cũng như Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng, Trung tâm BTXH chăm sóc, nuôi dưỡng NCT miễn phí suốt đời. Bà Nguyễn Thị Đ., sinh 1933, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, gần 20 “thường trú” tại Trung tâm BTXH, bệnh nặng vừa được Bệnh viện Ung bướu cho về. Bà không còn người thân, được điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Hoa và y tá Vũ Thị Lê thay phiên nhau chăm sóc.

Ông Trần Công Be nhận định, Khối dịch vụ dưỡng lão của Trung tâm BTXH hay bất cứ một cơ sở dưỡng lão nào ở Đà Nẵng, muốn phát triển thành “thương hiệu” cũng phải chăm sóc NCT tốt hơn hoặc ít nhất cũng bằng ở nhà.

Thiết nghĩ, TTDL là mái ấm cho người già đối với một xã hội văn minh, càng sớm bước từ trang giấy ra ngoài đời sẽ càng góp phần tạo nên một mảng màu sáng cho bức tranh “Đà Nẵng - Thành phố đáng sống”!

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.