Tuổi cao gương sáng

.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng nhiều người cao tuổi vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, sống vui, sống khỏe, sống có ích, trở thành những tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.

Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 1 trao Giấy mừng thọ các cụ cao niên trên địa bàn phường nhân 27 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10).Ảnh: Đ.L
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hải Châu 1 trao Giấy mừng thọ các cụ cao niên trên địa bàn phường nhân 27 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10).Ảnh: Đ.L

“Giúp đỡ người khó khăn là lẽ sống”

Ở khu dân cư số 70, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ), hầu như ai cũng biết đến bà Trương Thị Kép, 62 tuổi - người đầy nhiệt huyết với phong trào địa phương và công tác từ thiện. Bà đảm nhiệm Bí thư Chi bộ 30 và Tổ trưởng dân phố. Nhiều năm liền, chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu, tổ dân phố xuất sắc.

“Tôi luôn nghĩ, mình là người cao tuổi thì phải là tấm gương sáng để con cháu noi theo, nhất là thương yêu giúp đỡ những người khó khăn bất hạnh”, bà Kép chia sẻ. Tuy còn gặp nhiều khó khăn vì phải nuôi con bị bại liệt nằm một chỗ do ảnh hưởng chất độc da cam, bản thân thường xuyên đau ốm, nhưng bà luôn có mặt đều đặn trong những buổi làm công tác từ thiện.

Đó là những buổi đi phát cơm cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố và vận động những người chung quanh đến giúp đỡ trẻ em ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em nhiễm chất độc da cam tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ tàn tật, mồ côi của Hội Chữ thập đỏ thành phố, chùa Quang Châu, Trung tâm Trẻ tàn tật liên xã ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Đối với khu dân cư, khi nào trong khu phố có người ốm đau, hoạn nạn, bà đều tận tình giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần.

Từ chiếc áo mùa xuân cho trẻ em nghèo đến chiếc bánh chưng cho hộ khó khăn trong ngày Tết. Đặc biệt, nhằm giúp các gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên, bà Kép cùng chi bộ vận động gây Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cho những hộ khó khăn vay mượn. Đến nay, đã có 38 lượt người vay quỹ với số tiền quay vòng lên trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học số 30. Hằng năm, bà Kép vận động nhân dân đóng góp gần 20 triệu đồng để lo cho công tác khuyến học.

Riêng trong năm 2017, bà vận động hơn 17 triệu đồng để phát thưởng cho 67 học sinh giỏi các cấp, 2 học sinh trúng tuyển đại học công lập chính quy, 9 học sinh nghèo mồ côi vượt khó và trao 205 phần quà Tết Trung thu cho các cháu. Khi được hỏi động lực nào giúp bà vượt qua khó khăn để say mê công tác hội, bà Kép chia sẻ: “Những lần làm được một việc gì đó cho công tác an sinh xã hội, tôi thấy rất vui. Tôi luôn nghĩ rằng, đã là người cao tuổi thì hãy xứng đáng là hội viên mẫu mực, dạy con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, biết quan tâm đến cộng đồng yêu thương giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là lẽ sống của tôi”.

Thành công nhờ dân vận khéo

Trong khi đó, bà Ngô Thị Kim Trinh, 83 tuổi, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành giáo dục. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác khuyến học của địa phương. Chia sẻ về sự bén duyên này, bà Trinh cho biết: Năm 1993 tôi nghỉ hưu nhưng cứ bị ám ảnh mãi với công việc dạy học. Hình ảnh các cháu học sinh đọng mãi trong tâm trí tôi nên khi lãnh đạo phường Hải Châu 1 mời tham gia công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương thì tôi nhận lời ngay.

Sau khi nhận nhiệm vụ của phường giao, bà Trinh vận động nhiều người tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học và thành lập Hội Khuyến học phường Hải Châu 1 vào năm 1995. Nhờ đó, công tác khuyến học của phường ngày càng phát triển. Các hoạt động của hội cũng không ngừng nâng cao chất lượng và thu hút nhiều hội viên tham gia. Ngoài công tác khuyến học, bà còn là Bí thư chi bộ và Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư 16. Bà Trinh cho biết: Nhớ lời dạy của Bác “Dân vận khéo, việc gì cũng thành công”, tôi luôn tìm tòi, vận dụng tuyên truyền qua nhiều kênh; từ đó khơi dậy vai trò, chức năng của các hội, đoàn thể gắn bó với cảnh sát khu vực trong việc nắm chắc tình hình an ninh ở địa phương.

Hằng năm, Ban công tác Mặt trận khu dân cư đăng ký với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hải Châu 1 hai chủ đề: Phòng chống cháy nổ và phòng chống trộm cắp. Bên cạnh đó, bà Trinh còn vận động người dân thực hiện tốt “Phong trào sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Phong trào nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Đến nay, khu dân cư không còn hiện tượng đốt vàng mã, rải gạo, muối… ra vỉa hè và lòng đường; 100% trẻ em trong độ tuổi đến lớp, không có em nào bỏ học hoặc học yếu, kém. Nhiều năm qua, Ban Công tác Mặt trận phối hợp với Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Phụ nữ khu dân cư vận động góp vốn quay vòng lên đến 300 triệu đồng để giúp nhau tân trang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong gia đình…

Cũng như bà Trinh, ông Nguyễn Văn Tá, 70 tuổi, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi số 5 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) luôn là đầu tàu gương mẫu trong các phong trào thi đua tại địa phương. Ông Tá cho biết: Hiện nay, chi hội có trên 118 hội viên. Từ năm 2008 đến nay, chi hội phối hợp với Khu dân cư văn hóa biển Kim Liên tổ chức hơn 180 buổi tuyên truyền cho trên 2.000 lượt người cao tuổi thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tổ dân phố, tổ hòa giải…; qua đó, góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện và tố giác các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu dân cư.

Với uy tín và tinh thần nêu gương, ông Tá đã cùng các hội viên trong chi hội tích cực vận động con cháu, nhân dân hiến đất và ngày công để làm đường giao thông liên tổ, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện mô hình Khu dân cư văn hóa biển. Đến nay, chi hội đã vận động 49 người dân hiến trên 2.000m2 đất, phá dỡ 60m tường rào và ủng hộ hơn 450 triệu đồng để xây dựng đường bê-tông, thiết chế văn hóa và tu sửa di tích Lăng Ông.

Hằng năm, chi hội phối hợp với Khu dân cư văn hóa biển tổ chức lễ hội văn hóa biển giúp người dân địa phương vui chơi văn minh, lành mạnh. Đặc biệt, trong dịp Tết trồng cây và ứng phó biến đổi khí hậu, ông Tá đã vận động hơn 98% hội viên tích cực tham gia và trồng được trên 7.000 cây các loại. “Để tạo điều kiện tốt nhất cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích thì trước hết, chi hội trưởng phải tham mưu cho Chi ủy khu dân cư về công tác phối hợp với các bộ phận liên quan thực hiện có hiệu quả các chương trình thi đua, góp phần phát huy vai trò, nâng cao vị thế người cao tuổi trong xã hội. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi mới dần dần có sự chuyển biến tích cực”, ông Tá khẳng định.

Người cao tuổi tham gia lực lượng cốt cán ở địa phương

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 63.000 người cao tuổi từ 60-80 tuổi còn khả năng tham gia các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh quốc phòng. Ngoài ra, còn có 1.037 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền như làm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các hội, đoàn thể. Nhìn chung, người cao tuổi ở các khu dân cư là lực lượng cốt cán ở địa phương. Hằng năm có trên 1.000 người cao tuổi được tôn vinh danh hiệu “Người cao tuổi sản xuất giỏi”. Năm 2018 có 4 người được cử đi dự hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc (gồm bác sĩ Vũ Thị Tư Hằng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dân; ông Mai Văn Soạn, Giám đốc Công ty Tư vấn Y tế; ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty Chế biến hải sản Bắc Đẩu; ông Nguyễn Việt Minh, nghệ nhân điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước).

(Theo thông tin từ Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố)

Đoàn Hạo Lương
 

;
.
.
.
.
.
.