Song Lang(*) - sự kết hợp độc đáo

.

Đã rất lâu rồi khán giả mới lại được xem một bộ phim gợi nhiều cảm xúc và suy ngẫm đến vậy. Có thể bởi nỗi thất vọng với phim Việt từ lâu quá lớn, tới mức thành định kiến; nhưng cũng có thể bởi Song Lang xuất sắc.

Hai nhân vật nam chính Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) trong phim Song Lang. Ảnh: Đ.P.C.C
Hai nhân vật nam chính Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) trong phim Song Lang. Ảnh: Đ.P.C.C

Bộ phim cho thấy Leon Quang Lê là một đạo diễn có tài. Đạo diễn đã kết hợp tài tình và khéo léo những kỹ thuật quay phim đặc sắc của phương Tây, song lại vận dụng được cả những ẩn dụ rất tinh tế của văn hóa Á Đông, một khả năng không dễ có ở những đạo diễn Việt kiều còn trẻ như Leon Lê.

Tài năng của đạo diễn còn thể hiện ở hai phương diện rất đặc biệt của bộ phim: Thực thì rất thực, song cái thực lại cũng đầy tính ẩn dụ.

Trước hết, hãy nói về cái thực. Rất nhiều người Sài Gòn trải qua cuộc sống của những năm 80 thế kỷ 20 nhận ra ngay khung cảnh, vật dụng, không khí sống thời ấy qua những cảnh trí trong phim.

Đó là logo của hãng máy khâu Sinco đặt trên những tòa nhà cao tầng tập thể, là chiếc đài dò sóng thủ công, là chiếc loa phường phát không ngơi nghỉ, là những khu phố nhỏ hẹp, chằng chịt dây điện và những lối cầu thang xoắn vặn cọt kẹt cửa sắt….

Để có được cái thực ấy, đạo diễn đã chăm chút tới từng tấm áo, manh quần diễn viên, từng kiểu tóc, từng chi tiết nhỏ xuất hiện trong mỗi khuôn hình, để nhìn vào đó người ta phải thấy nó không thể là đâu khác ngoài T.P Hồ Chí Minh của những năm 80 thế kỷ 20.

Vì sự kỹ càng đó mà góc máy gần như không thể rộng rãi, thậm chí với một số người có thể cảm thấy đôi chút “bức bối” với những khuôn hình hẹp. Bởi những gì của Sài Gòn xưa đó giờ không còn nhiều. Cảnh đường phố nếu có quay rộng hơn, cũng chỉ có thể xuất hiện ban đêm.

Nhưng giữa những điều rất thực ấy là các ẩn dụ đầy ấn tượng. Cảnh cơn mưa trút xuống rửa sạch những dòng máu chảy ra từ tấm thân đổ gục của Dũng Thiên Lôi là một hình ảnh ẩn dụ sẽ không thể có trong một bộ phim như vậy nếu đạo diễn không phải người thấm rất nhuần văn hóa Á Đông.

Thực sự Song Lang đã chọn được một câu chuyện kịch bản rất phù hợp để đan lồng với vở cải lương Mỵ Châu - Trọng Thủy. Chuyện đời nhân vật và tích tuồng đã hòa quyện, đan xen nhau rất vừa, rất nhuyễn. Sẽ không dễ để đan lồng như vậy với một tích tuồng khác.

Đúng như những gì đạo diễn Leon Lê từng chia sẻ với truyền thông. Bộ phim có một phần câu chuyện của đời anh, của niềm đam mê với cải lương từ tấm bé. Leon Lê viết kịch bản, anh còn soạn cả lời cho một số bài bản cải lương trong phim.

Soạn lời đúng (chưa nói chuyện hay) cho ra bài bản không đơn giản, anh phải rất nhuyễn các bản cổ của đờn ca tài tử, ví như các bản xuất hiện trong phim là Trường Tương Tư, Lý Bông dừa, Nặng tình xưa, Nam ai (lớp mái)….

Rất nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội, như Hữu Châu, đã bày tỏ lòng cảm kích với đạo diễn vì cái tình quá lớn với cải lương trong Song Lang. Cái tình đó, thật lạ kỳ, không chỉ thấm vào lòng những người vốn sinh ra ở vùng đất cải lương. Có lẽ Leon Lê đã rời quê hương quá lâu nên đủ sức dồn nén cái tình đó một cách chắt lọc và sâu lắng ở mức mộc mạc, giản dị tới chân thành, lan tỏa trong cách kể chuyện phim.

Với nhiều người xem, họ không chịu được một cái kết quá bi kịch của Song Lang. Họ cũng như Dũng Thiên Lôi, hồ hởi với một chút hy vọng lóe lên “cuối đường hầm”, nhưng rồi lại chưa kịp tìm tới đó. Cải lương hầu như không có tích, tuồng vui. Và thường thì bi kịch luôn mang ý nghĩa thanh lọc tâm hồn.

Với Song Lang cũng vậy, cái chết của Dũng Thiên Lôi là một bi kịch. Nó gần như sự nhức nhối ta từng có ở chi tiết cuối cùng khi Chí Phèo của Nam Cao đau đớn hỏi “Ai cho tao lương thiện?”. Dũng Thiên Lôi phải trả giá cho những lầm lỗi cuộc đời đã gây ra, ngay cả khi anh đã nhận ra sự tàn bạo, thất đức trong những việc phải làm để sống.

Thêm một chuyện có thể coi là bên lề, là người dịch sách, thi thoảng tôi lại bật cười khi đọc phần phụ đề bằng tiếng Anh. Không phải vì chất lượng chuyển ngữ, mà vì sự bất lực của ngôn ngữ dịch không sao chuyển tải được.

Khi “Trọng lang” dịch thành “husband”, khi “Phụ vương” dịch thành “father”, tất cả cảm xúc cổ kính và mỹ miều của cải lương đã “mất sạch”. Nghĩa cốt lõi thì vẫn là vậy, nhưng rõ ràng chẳng thể nào chuyển được vẻ đẹp cảm xúc tuyệt vời của ngôn ngữ nữa. Chuyện này biết từ lâu, nhưng khi “kiểm chứng” từ phim thì thực sự tiếc nuối cho cái “dịch là phản” đó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

(*) Phim Song Lang - đạo diễn Leon Lê. Dựa trên truyện của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Các nhà sản xuất: Ngô Thanh Vân, Irene Trịnh. Các diễn viên tham gia trong phim gồm: Isaac, Liên Bỉnh Phát, Kim Phương, Hữu Quốc, Minh Phượng, Thanh Tú. Phim phát hành tháng 8-2018.

;
.
.
.
.
.
.