Rượu bia ở châu Á

.

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy một mối dây liên hệ mật thiết: thu nhập tăng lên thì lượng rượu bia cũng tăng lên và tử vong do rượu bia cũng nhiều hơn. Thu nhập cải thiện đang thúc đẩy sản lượng tiêu thụ rượu bia lên cao ở châu Á và Thái Bình Dương.

Tỷ lệ tử vong do uống rượu bia quá nhiều ở Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Nga đang tăng nhanh nhất trên thế giới. WHO kêu gọi hãy có những biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng bệnh trạng. Tổ chức này kêu gọi cần đánh thuế mạnh về thức uống có cồn, cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu bia và hạn chế tình trạng luôn luôn có sẵn rượu bia.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc tiêu thụ rượu bia tăng ở các nước châu Á. Ảnh: iStock / Getty Images
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy việc tiêu thụ rượu bia tăng ở các nước châu Á. Ảnh: iStock / Getty Images

Số liệu thống kê của WHO năm 2016 cho thấy, vào thời điểm năm 2000, chỉ có khoảng 33,1% người tuổi từ 15 trở lên sử dụng rượu bia ở Đông Nam Á; trong lúc châu Âu là gần 60%, châu Mỹ là 54,1% và 53,8% ở Tây Thái Bình Dương.

Tại thời điểm 2016, trong lúc các khu vực khác có dấu hiệu giảm lượng tiêu thụ rượu bia thì Đông Nam Á lại tăng lên mạnh từ mức 2,4 lít rượu nguyên chất bình quân đầu người (năm 2000) lên 4,5 lít vào năm 2016; ở Tây Thái Bình Dương tăng mạnh hơn từ 4,8 lít lên 7,3 lít. Hai quốc gia có lượng tăng đột biến là Trung Quốc từ 4,1 lít lên 7,2 lít và Ấn Độ từ 2,4 lít lên 5,7 lít trong cùng thời gian nói trên.  

WHO dự báo mức rượu bia tiêu thụ bình quân đầu người trên toàn thế giới sẽ tăng từ mức 6,4 lít năm 2016 lên 7 lít trong một thập niên nữa. Khu vực tăng mạnh nhất vẫn là Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Đầu sổ là Trung Quốc và Ấn Độ; thấp hơn một chút là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam; Úc giảm được một chút. Tính ra có tới 1,4 tỷ người ở Tây Thái Bình Dương và 1,5 tỷ người ở Đông Nam Á thường xuyên uống rượu bia, tương đương với một nửa lượng người sử dụng rượu bia trên toàn thế giới.  

Tác hại của rượu bia như thế nào? Nó là nguyên nhân dẫn tới hơn 200 vấn đề về sức khỏe như gan, tim mạch, lao, tai nạn giao thông, tự vẫn, bạo lực… WHO cho biết trong năm 2016 có 3 triệu người tử vong do lạm dụng rượu bia, mức tử vong trung bình toàn cầu do rượu bia là 5,3%. Vậy mà có nhiều nước có tỷ số “vượt trội”: Nga 21,6%, Hàn Quốc 7,6%, Thái Lan 7,4%, Indonesia 1,7%... và có một quốc gia nhỏ ở châu Âu là Moldova có tỷ lệ đáng suy ngẫm là 26,1%.

Nghiên cứu của WHO cho thấy khi thu nhập nhích lên, mọi người có xu hướng chuyển từ bia sang rượu mạnh. Nghiệt một nỗi, rượu mạnh thì hàm lượng cồn nhiều hơn và chứa các phụ gia có hại. Rượu mạnh ở Đông Nam Á phần lớn do người dân tự nấu, không có nhãn mác, đăng ký thương hiệu và chiếm  tới 45,4% lượng rượu tiêu thụ ở đây. Có tới 69% người Thái Lan, Hàn Quốc thích uống rượu mạnh so với 28% uống bia. Chính điều này dẫn tới kết quả không có gì ngạc nhiên là lượng người chết vì rượu lớn nhất ở các nước châu Á. Năm 2016, Ấn Độ có 264.468 người, Trung Quốc là 249.906 người, Nga 63.089 người, Thái Lan 22.448 người.

ANH THƯ (Theo Asia Times)

;
.
.
.
.
.
.