Nét chấm phá văn học Đà Nẵng năm 2018

.

Hội Nhà văn thành phố vừa cho biết, đến thời điểm hiện nay, có 11 tác phẩm của 11 tác giả (bao gồm các thể loại: thơ, truyện ký, truyện ngắn, truyện dài, dịch thuật) tham dự xét giải thưởng năm 2018. Theo nhận định ban đầu của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng, so với nhiều năm trước, năm nay văn học thành phố có sự đóng góp của nhiều gương mặt mới, với nhiều thể loại, đề tài phong phú.

Một số tác phẩm văn học của các tác giả Đà Nẵng ấn hành trong năm 2018.
Một số tác phẩm văn học của các tác giả Đà Nẵng ấn hành trong năm 2018.

Tập thơ Mưa nắng lưng đèo (Hồ Sĩ Bình, do NXB Hội Nhà văn ấn hành), với gần 70 bài thơ, bao gồm những đề tài đau đáu nỗi đời, quê hương, thế sự…

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ nhận xét: “Nỗi đau xót chuyện đời như đan cài vào ngôn ngữ thơ Hồ Sĩ Bình trong suốt cả thời gian và không gian của Mưa nắng lưng đèo”. Có thể gặp gỡ điều đó ẩn chứa ở những câu thơ: “có con khỉ gió/ ngồi trên đá/ hắn lại nhìn ta/ cười vô tư/ ta bỗng quên mình/ đang nhiễu sự/ lòng nhẹ trong sương/ một chén trà” (Bữa nọ), hoặc: “ ta phiêu dạt cũng là điều bất đắc/ như cây đồi mùa gió lộng triền sông/ đã như em mưa nắng cũng bất thường/ cầm trên tay biết lá biết rụng về đâu/ về đâu về đâu…” (Mộng mị quanh đời).

Chú hươu cao cổ trắng (truyện dịch của Bùi Xuân, NXB Kim Đồng ấn hành) là tập sách đầu tiên trong loạt truyện thám hiểm châu Phi của nhà văn Lauren St John. Nội dung tập sách kể câu chuyện bí ẩn về một sinh vật trong truyền thuyết - chú hươu cao cổ trắng.

Một đêm giông bão, cô bé Martine dường như không tin nổi vào mắt mình: trước khung cửa sổ phòng cô, chú hươu cao cổ với bộ lông trắng bạc lung linh xuất hiện… để rồi từ đó tham gia chuyến thám hiểm châu Phi ly kỳ, hấp dẫn.

Niềm tin trong ngăn đá (thơ của Bùi Mỹ Hồng, NXB Văn học ấn hành). Trong lời giới thiệu của Ban Biên tập Nhà xuất bản, có vẻ đây là tập thơ cuối cùng của tác giả. Cơn bạo bệnh đã ăn mòn cơ thể chị, gặm nhấm thời gian của chị và sự sống ấy chỉ có thể được tính bằng ngày...

Độc giả có thể cảm nhận phần nào sợi dây cảm xúc xuyên suốt qua 49 thi phẩm trong 125 trang in của chị một nỗi cô đơn, nỗi buồn, nỗi dằn vặt thống thiết ngân lên tự sâu thẳm thân xác của chị, vang vọng giữa đời thường như một hy vọng nhỏ nhoi vừa được thắp sáng trong mưa, trong tận cùng hoang lạnh vẫn là khát khao tận hiến, khát khao sống và khát khao hạnh phúc: “Mong một ngày cánh cửa nằm im/ sẽ nhắc nhở gió vuốt ve hồn cây cỏ/ nhắc nhở hơi ấm thôi rơi xuống vực đêm/ nhắc nhở ta mỉm cười/ mỗi bình minh/ mỗi hoàng hôn mà không cần trái ngọt…” (Trái tim đổi màu).

Không như giọt sương (tập truyện của Huỳnh Viết Tư do NXB Quân đội nhân dân ấn hành), qua gần 200 trang sách, với 9 truyện ngắn, tác giả đã đem đến bạn đọc những câu chuyện ngồn ngộn thông tin, sự kiện. Điển hình như các truyện: Nơi ấy, Tôi gửi một tình yêu, Khoảng trống, Không như giọt sương…, người đọc chừng cảm thấy niềm tin được gởi gắm, điều tốt đẹp nhất mà con người tìm thấy nhau, là ngọn hải đăng trong đêm tối, nguồn động viên chân thành nhất giúp con người vững lòng trên đường đời.       

Nước mắt hạt bụi (tập truyện của Quế Hương, NXB Trẻ ấn hành) người đọc dễ dàng nhận ra, bằng trái tim đa cảm, yêu người, yêu đời, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sinh động về những cảm nhận cuộc sống xung quanh mình.

Trong văn chương Quế Hương là niềm vui hạnh phúc trong tình yêu và có cả những nỗi buồn, cay đắng vì không trọn vẹn, mà sau cùng, điều đọng lại nơi người đọc là vẻ đẹp lung linh, ấm áp của tình yêu (Ngày đi lạc), của tình người (Đãi kiến một bữa), của tình đời (Tịnh Tâm viên), của hoài niệm (Nước mắt hạt bụi), của bao dung (Úm)...

Hồi ức Hạt bụi bay xa (Trần Trung Sáng, do NXB Đà Nẵng ấn hành) là một trong những tập sách thực hiện trong kế hoạch “Tác phẩm được hỗ trợ phổ biến của tỉnh Quảng Nam năm 2017”.

Sách viết về chân dung một số gương mặt văn hóa, văn nghệ  đã qua đời. Trong số họ, hầu hết là những người hoạt động văn hóa, sáng tác văn nghệ đã sinh ra, lớn lên và cống hiến sự nghiệp tại quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng, hoặc từng có một quảng đời gắn bó nhất định để làm nên những công trình, tác phẩm tâm huyết tại miền đất nơi đây.

Phóng sinh chữ nghĩa (tập truyện của nhà văn Phan Trang Hy do NXB Hội Nhà văn ấn hành) là 17 truyện ngắn tác giả sáng tác trong những năm gần đây, là những trăn trở về cuộc sống, con người và đặc biệt tình yêu biển đảo, quê hương đất nước, đem đến người đọc không ít những cảm xúc trăn trở, bồi hồi. Điển hình nhất trong tác phẩm này là các truyện ngắn:  Đau đáu Hoàng Sa, Đảo gọi, Cơn mơ biển, Trăng Hòa Vang vẫn thế, Vòng ký ức tháng ba, Mơ về lại Hoàng Sa...

Đậm nhạt một góc trời (tuyển tập văn xuôi của Thủy Anh, NXB Hội Nhà văn ấn hành) dày gần 300 trang bao gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện ký, ký, chuyện kể, tùy bút, tản văn. Tác giả tự bạch: Với Thủy Anh, đã sống qua rồi, đi qua rồi thì có cần phải viết lại hay không. Nếu viết thì viết những gì. Viết như thế nào. Viết cho ai đọc. Và quan trọng nhất là để lại cái gì sau con chữ mình viết ra. Từng ấy câu hỏi thôi cũng đủ làm cho Thủy Anh mãi băn khoăn khi cầm bút. Quan trọng lắm, bởi văn là người.

Trong những lời yêu thương (tập thơ mới nhất của Đinh Thị Như Thúy, NXB Hội Nhà văn ấn hành) tập hợp gần 50 bài thơ, phần lớn là thơ xuôi và thơ tự do.

Theo nhận xét của Đặng Bá Tiến: “Hình như khi làm thơ chị không quan tâm nhiều đến tứ thơ mà chỉ quan tâm đến những nỗi niềm, những cảm xúc và chị giãi bày bằng một lối viết miên man suy cảm, lớp lớp hình ảnh khi trực diện, khi mờ ảo xa xôi, theo nhiều kiểu cấu trúc, có khi theo trục tuyến tính từ quá khứ đến hiện tại, từ thực tế đến ý tưởng, có khi là sự đồng hiện giữa hữu hình và vô hình, giữa ý thức và vô thức, với rất nhiều liên tưởng giao thoa, “chồng sóng”; từ đó lảy ra, gợi ra những điều mà chị đang băn khoăn, trăn trở và ai đó có thể cùng thông cảm, sẻ chia”.

Phơi cơn mưa lên chiều (Nguyễn Ngọc Hạnh. NXB Hội Nhà văn ấn hành) là những tình thân, tình yêu được nhà thơ chắt chiu nuôi dưỡng và gìn giữ; những vẻ đẹp của con người, của đời sống và quê hương... tất cả được thể hiện, biểu đạt qua ngôn từ nghệ thuật đầy sáng tạo, độc đáo: “Hạnh phúc của những ngọn sóng/ Vỗ mãi thời gian vọng bến bờ/ Để một ngày sóng dội vào thơ”.

Tôi và sông (thơ Hoàng Thanh Thụy, NXB Đà Nẵng ấn hành), với hơn trăm bài như một dòng ký ức vô tận về quê hương, tình yêu, tình bạn…

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận định: “Thơ Hoàng Thanh Thụy buồn nhiều hơn vui. Mười năm một sớm con về/ Con đứng lặng nghe nỗi buồn ứa máu/ Vườn xưa hoang tàn/ Mộ cha đầy cỏ dại/ Mẹ cũng yên bên xứ Ngoại lâu rồi (Mẹ ơi, tháng tám mùa thu); hay Tháng Hai tôi có một ngày buồn/ Buồn hơn mọi nỗi buồn/ Là ngày tôi mất mẹ (Mồ côi). Buồn đến mức nhà thơ hình dung ảnh cha mình trên bia mộ đang... buồn: Mộ ông bà ở trong quê/ Hình như đã lâu con chưa về viếng/ Tháng trước ba thăm thấy đầy cỏ rậm/ Nồi hương lưa thưa mấy tăm hương/ Trên tấm bia thấy ông buồn buồn (Nhắc nhở)... Cho nên cũng có thể nói đồng hành với sông, nỗi buồn chảy trong thơ Hoàng Thanh Thụy như một dòng ký ức vô cùng; đồng hành với sông, nỗi buồn chảy trong ký ức Hoàng Thanh Thụy như một dòng thơ”.

 TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.
.