Nâng cao năng lực cán bộ Hội Phụ nữ: Hướng đến giá trị cốt lõi

.

Không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, rèn luyện kỹ năng, trẻ hóa đội ngũ, lực lượng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp hiện nay được nhận định là sự khác biệt lớn so với chừng 10-15 năm trước...

Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây thăm, tặng quà động viên các hội viên cao tuổi, khó khăn trên địa bàn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây thăm, tặng quà động viên các hội viên cao tuổi, khó khăn trên địa bàn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giỏi vận động, tập hợp chị em

Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố, làm công tác Hội Phụ nữ, dù ở cấp nào, thời nào, khả năng vận động quần chúng, tập hợp chị em chính là điều quan trọng nhất.

Trình độ, bằng cấp, kiến thức, kỹ năng... chung quy lại cũng là để nâng cao năng lực vận động, tập hợp quần chúng. Đây chính là giá trị cốt lõi của những nỗ lực nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp thời gian qua.

Tính về mặt bằng cấp đối với cán bộ Hội Phụ nữ các cấp (trừ cán bộ chi hội) hiện nay, có thể nói là đã gần như “phổ cập” trình độ đại học và trung cấp, cao cấp chính trị. Đó là sự khác biệt rất lớn so với 10-15 năm trước và cũng là nền tảng căn bản, quan trọng, tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động ngày càng phong phú, sáng tạo của các hội phụ nữ.

Tuy nhiên, theo bà Hương, trình độ, bằng cấp không nên là mối quan tâm quá đặc biệt đối với những hoạt động rất đặc thù, toàn diện của người làm công tác Hội. Bởi, bên cạnh kiến thức (kiến thức chung, kiến thức về công tác Hội, về tổ chức, thể chế chính trị...), cần kỹ năng và phương pháp thực hiện, phù hợp với yêu cầu cụ thể.

Cũng từ đó, đòi hỏi về độ “nhạy” nhất định đối với cán bộ hiện nay. “Nhạy” để phát hiện, lẩy ra những vấn đề cốt lõi từ rất nhiều vấn đề đa chiều của cơ sở hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp, cách thực hiện căn cơ nhất. Khi sự “nhạy bén”, trực cảm thiên phú của phái nữ được phát huy tối đa, cán bộ Hội nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hội viên; từ đó sẻ chia, đồng cảm, gần gũi, vận động, tập hợp được chị em. Vận động được chị em hăng hái, hoạt động Hội các cấp mới hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, người có trên 20 năm gắn bó với công tác Hội Phụ nữ cho biết, mỗi ngày làm việc của chị luôn mới và đặc biệt chị luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi vấn đề của chị em. Với một địa bàn mà đa phần hội viên làm nông, là công nhân, đời sống kinh tế, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, thì những câu chuyện về bạo lực gia đình, về sinh kế... chưa bao giờ hết “nóng”.

Theo chị Liên, với vấn đề bạo lực gia đình thì bạo lực thân thể còn dễ thấy, còn bạo lực kinh tế, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục là những chuyện không dễ để chị em nói ra. Khi đó, người cán bộ Hội cần nhẫn nại gần gũi, tạo cho họ niềm tin, chỗ dựa an toàn. Tuy nhiên, “không phải chị em hội viên nói một mình tin một, bên cạnh sự nhiệt tình, sẵn lòng yêu thương, san sẻ, cán bộ Hội rất cần sự tỉnh táo để xem xét những vấn đề thực sự chính đáng của chị em”, chị Liên đúc rút.

Cũng theo chị Liên, một kinh nghiệm trong công tác vận động, tập hợp quần chúng của Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây là nguyên tắc đoàn kết, dân chủ, công bằng luôn được nêu cao. Bất kỳ một mô hình, quỹ, nhóm, câu lạc bộ nào trước khi triển khai trên địa bàn đều được đưa ra trưng cầu ý kiến chị em hội viên.

Chỉ sau khi mọi người đều thấu hiểu, thông suốt, mọi kế hoạch mới được thực hiện trên suốt 14 chi hội với 2.264 hội viên một cách nhịp nhàng như thế.

Các chị đã rất linh hoạt trong việc thực hiện các mô hình, hoạt động từ trên đưa xuống. Ví như với mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ” từ Hội LHPN thành phố xuống đến phường Hòa Thọ Tây, chị em linh động thành “3 biết, 3 hỗ trợ” (3 biết là: biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu chị em; 3 hỗ trợ là: hỗ trợ kiến thức, vốn, việc làm), để phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngoài những mô hình, quỹ, câu lạc bộ, nhóm chung, ở đây có các câu lạc bộ “tổ công nhân thuê trọ tự quản”, “nữ công nhân xa nhà”... dành cho các khu dân cư tập trung đông công nhân ngoại tỉnh, với nhiều hoạt động trao quà Tết, hỗ trợ khi ốm đau thiết thực cho chị em hội viên là công nhân tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Đó cũng là cách thu hút chị em nhiệt tình tham gia sinh hoạt Hội.

“Năng lực” thôi, chưa đủ

Chị Nguyễn Thị Mỹ Cảnh, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết, những năm gần đây, Hội LHPN quận luôn tranh thủ các diễn đàn đối thoại với Thường trực Quận ủy để tranh thủ định hướng của lãnh đạo đối với các vấn đề phụ nữ đề xuất như xây dựng “Thành phố 4 an”, xây dựng “Quận môi trường”...

Đồng thời, qua các diễn đàn này, quận hội vận động kinh phí cho các hoạt động, tổ chức gặp mặt các chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN các phường trên địa bàn; thực hiện chợ văn minh, chợ an toàn thực phẩm... cho chị em hội viên tiểu thương. Cán bộ phụ nữ cấp phường còn tham gia BCH Đảng bộ, đại biểu HĐND, các Ban của HĐND phường, giúp nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm trong các hoạt động của Hội.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Trong khi đó, cùng với việc tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, các cuộc thi do Hội LHPN thành phố tổ chức hoặc hướng dẫn tổ chức…, thế mạnh, sự sáng tạo trong hoạt động của Hội LHPN quận Hải Châu là còn tổ chức các hội thi rất riêng. Như hội thi giới thiệu về di tích trên địa bàn (năm 2017) với sự tham gia của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN các phường.

“Hội thi nhằm nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho các cán bộ lãnh đạo Hội tại cơ sở. Và thật vui là các chị rất sáng tạo, linh hoạt với những phần thi xuất sắc bằng nhiều hình thức tiểu phẩm, sân khấu hóa sinh động...”, chị Hồ Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu nhận xét.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù các cấp Hội LHPN đều hoạt động thống nhất theo những hướng dẫn, chủ trương từ trên xuống, song, về đến mỗi cán bộ Hội, từng địa phương đều có cách làm khác nhau.

Ở cấp chi hội sẽ càng cụ thể, sinh động hơn nữa. Có điều, điểm chung của họ là sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, không ngừng học hỏi để thích ứng với yêu cầu mới. Có như thế, các chị mới sẵn sàng dẹp những bận rộn, lo toan gia đình riêng để hết lòng với công tác hội. Và, hai chữ “năng lực” dường như không bao giờ đủ để nói hết tâm tình, cống hiến của các chị.

Theo số liệu từ Hội LHPN thành phố, tính đến ngày 30-6-2018, tổng số cán bộ Hội cơ sở có: 244 người (trong đó có 112 chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN phường, xã). Toàn thành phố hiện có 1.239 Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu dân cư, 1.239 chi hội phó và 521 tổ trưởng tổ phụ nữ.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.