Khoảng trống

Việc một số ca sĩ ký tên lên tranh của họa sĩ sau buổi đấu giá từ thiện khiến dư luận chỉ trích liên tục suốt mấy ngày qua, kể cả khi “khổ chủ” mở lời xin lỗi cũng khó được chấp nhận. Thực ra, giờ có tích cực “ném đá” thì chữ ký cũng hằn lên bức tranh ấy rồi, điều đáng nghĩ hơn qua câu chuyện này là chúng ta được dịp nhìn lại cách ứng xử với văn hóa – nghệ thuật nói chung (không chỉ riêng lĩnh vực hội họa) của chính mình.

Tôi không tin tất cả những người đang mạnh mẽ chỉ trích sự việc trên đều nằm lòng nguyên tắc tuyệt đối không được ký lên tranh hay tác phẩm nghệ thuật của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, dù tác phẩm đã được đấu giá thành công hay đã mua bán sòng phẳng.

Và tôi càng không tin những người đang chê bai sự kém cỏi của người khác ấy đều hiểu giá trị của tác phẩm nằm ở đâu để khiến người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn sở hữu nó. Tôi có sự nghi ngờ bởi chính tôi cũng suýt thốt lên lời chê bai, nhưng thú thực nhờ qua câu chuyện ồn ào này tôi mới biết những quy tắc và giá trị đó. Việc chúng ta chưa sai phạm nhiều khi chẳng qua tại… hên xui.

Vậy vì đâu nên nỗi?

Trước hết, không thể ngụy biện cho lý do nào khác ngoài sự thiếu hiểu biết của bản thân. Nhưng bên cạnh nguyên nhân chủ quan cũng cần thẳng thắn nhìn nhận một thực tế đau lòng đó là làm sao khả năng, trình độ cảm thụ và ứng xử với văn hóa - nghệ thuật của chúng ta “giàu có” khi đời sống văn hóa – nghệ thuật xung quanh ta quá “nghèo nàn”! Lấy ví dụ như âm nhạc- lĩnh vực vốn sôi động và ồn ào hơn nghệ thuật hội họa gấp nhiều lần, nhưng thực tế cơ hội thưởng thức và trải nghiệm thứ âm nhạc chất lượng của chúng ta đang như thế nào? Thật đáng buồn khi giai đoạn tôi đi xem các chương trình ca nhạc nhiều nhất không phải là lúc đã tự kiếm được tiền mua vé mà là hồi còn sinh viên. Tôi vẫn nhớ như in buổi đi nghe nhạc jazz “rất chất” tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh của nhiều năm trước.

Đó là chương trình giao lưu, đồng thời là buổi thị phạm của những nghệ sĩ đến từ quê hương của thể loại âm nhạc này để giảng viên và sinh viên trường nhạc học hỏi. Là một kẻ “ngoại đạo”, tôi càng được phen mở mắt. Những buổi giao lưu tương tự như vậy không hề ít ở các trường nghệ thuật khác và cả tại Nhà Văn hóa Thanh niên của thành phố này. Vào cửa tự do, sân khấu không khói, không phông cầu kỳ, nghệ sĩ ăn mặc giản dị nhưng khán giả thì vô cùng háo hức ngồi xen cả lối đi, bởi họ biết chắc đó là cơ hội quý giá để không chỉ được thưởng thức mà còn hiểu biết thêm về những thứ gọi là âm nhạc đích thực. Nhưng tiếc là những cuộc vui ấy phải khép lại khi tôi ra trường trở về làm việc. Đà Nẵng không có nhiều sân chơi nghệ thuật như vậy và mỗi lần có chương trình biểu diễn của nghệ sĩ lớn là một lần phải ngẫm ngợi tới… túi tiền của mình.

Tôi chưa bao giờ cho rằng một tấm vé ca nhạc 3 triệu đồng, 5 triệu đồng là quá đắt, bởi khó đem tiền so sánh với sự đầu tư của nghệ sĩ (thực thụ) dành cho đêm diễn, nhưng tôi cũng phải cân nhắc vì không thể cứ thích là mua vé với mức giá nào. Những sân chơi âm nhạc bổ ích dành cho trẻ em càng khan hiếm. Tháng 6 vừa rồi, lần hiếm hoi tôi thấy có buổi giao lưu âm nhạc giao hưởng dành cho trẻ em diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố.

Nhóm tứ tấu đàn dây của Nhật Bản đã mang đến cho trẻ em Đà Nẵng tổ khúc Bốn mùa (Four Seasons) của nhà soạn nhạc Vivaldi. Nhạc cổ điển mà lại được diễn giải bởi những nghệ sĩ đến từ nước ngoài, vậy mà bạn có tưởng tượng nổi không, những đứa trẻ ngày hôm đó chắc chắn có thể hiểu những gì được “nói” lên từ tiếng đàn ấy sau vài chục phút trải nghiệm. Đó là sự thật. Các nghệ sĩ không mặc vest đen thắt nơ như những buổi trình diễn thông thường, ngược lại, “bộ tứ” mặc áo thun màu cam rực rỡ cùng quần jean và giày thể thao.

Ban đầu trẻ được xem qua hình ảnh người đã soạn nên tác phẩm kinh điển đó, rồi các nghệ sĩ trình diễn một khúc trong tổ khúc và giải thích đôi điều bằng lời nói. Tiếp đó, các nghệ sĩ “cắt” giai điệu thành từng đoạn nhỏ để phân tích cho trẻ hiểu đâu là âm điệu thể hiện tiếng ruồi kêu, tiếng mưa, tiếng sấm và nỗi sợ hãi của người nông dân khi cơn bão bỗng tràn về. Đến lượt trẻ đổi vai trở thành những nghệ sĩ tự tạo ra âm thanh mô phỏng bằng những nhạc cụ thô sơ nhất từ các mẩu giấy hay chính đôi tay trần của mình để hòa quyện thành bản giao hưởng “Bốn mùa” của riêng các em.

Cuối cùng, khán giả nhí được thưởng thức một lần nữa bản nhạc đầy đủ do các nghệ sĩ trình diễn, và lúc này không bé nào còn nghe theo kiểu để… dễ ngủ mà đã thực sự nắm bắt được ngôn ngữ của âm nhạc. Tiếc là không biết đợi đến bao giờ các bé mới lại được đến gần với thể loại âm nhạc “sang trọng” này như vậy một lần nữa. Trẻ lại phải quay về “tắm” trong dòng chảy âm nhạc sướt mướt cất lên khắp các quán cà-phê, quán nhậu quanh nhà…

Với vụ “ký lên tranh”, người ta nói: Nghe lời xin lỗi khiến họ đau hơn là giận. Nhưng làm gì để bớt giận hay bớt đau thì tôi chưa nhìn thấy, khi nghệ thuật đỉnh cao vẫn còn là một “ngôi đền thiêng” ở đâu xa lắm. Không được tiếp cận với nghệ thuật đích thực thì dẫn đến không hiểu để rồi hành xử “tầm bậy” là… chuyện thường.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.