Chung tay bảo vệ môi trường

.

Cuộc thi hùng biện tiếng Nhật thường niên do Học viện Kake Gakuen tổ chức vừa hoàn thành kỳ thi lần thứ 8 tại Việt Nam. Ngoài một thí sinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay, Phạm Tú Nhã Uyên, đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đại diện cho các bạn học sinh Đà Nẵng đến Nhật trình bày về vấn đề: “Điều tôi có thể làm để bảo vệ môi trường”.

Các thí sinh tham dự cuộc thi hùng biện tiếng Nhật cúp Học viện Kake lần thứ 8.
Các thí sinh tham dự cuộc thi hùng biện tiếng Nhật cúp Học viện Kake lần thứ 8.

Trái đất nóng lên, thiên tai hoành hành ngày càng dữ dội khắp các châu lục, rác thải làm môi trường sống ô nhiễm nghiêm trọng…

Để bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai, hàng vạn người trên thế giới, trong đó có những người trẻ ở Việt Nam đang cố gắng để giữ cho trái đất xanh chừng nào có thể. Việc góp tiếng nói bảo vệ môi trường đã được đưa vào cuộc thi hùng biện Kake, một chủ đề khá khó và rộng.

Bạn Nguyễn Thị Trâm Anh, sinh viên năm thứ 2 khoa Du lịch, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ: “Tôi và bạn giờ đây đang cùng hít thở chung một bầu không khí, cùng nghe một thứ âm thanh, và cùng ngắm nhìn một khung cảnh.

Thế nhưng bạn có nghĩ đến một ngày một ngày nào đó, chúng ta không thể tiếp tục những điều tuyệt vời ấy? Chúng ta đang phải đối diện với một vấn đề môi trường nghiêm trọng. Nguyên nhân thì có rất nhiều.

Tất nhiên phần lớn những nguyên nhân đó, tôi nghĩ là do là người chúng ta. Cứ thế này 100 năm nữa, có lẽ những người trẻ tuổi sẽ không biết đến những thứ như cây là gì hay sẽ phải trông thấy nước biển lúc nào cũng một màu đen thật kinh khủng.

Nếu là như vậy, chúng ta không thể không gửi lời xin lỗi đến họ. Thế nhưng tôi không muốn phải nói lời xin lỗi ấy”.

Đây là lần thứ 2 Trâm Anh tham gia cuộc thi hùng biện Kake và lần đầu giành giải nhì. So với năm 2016, giờ cô gái này có nhiều suy nghĩ chín chắn hơn trước một vấn đề xã hội.

“Tôi nghĩ người Việt thường có câu “Phòng cháy hơn chữa cháy”, vậy nên cần chú ý đến những hành động dù nhỏ như để rác đúng chỗ, sử dụng tiết kiệm nước, giữ lại để có thể tái chế bao ni-lông. Những việc đó cần nhiều người thực hiện. Hoặc tổ chức những cuộc thi vẽ tranh hoặc kể chuyện về môi trường để những đứa trẻ hiểu và học cách bảo vệ môi trường từ khi còn nhỏ”, Trân Anh chia sẻ.

Giành giải nhất của cuộc thi, Phạm Tú Nhã Uyên, học sinh lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn kể câu chuyện của chính gia đình mình: Ông bà tôi đã từng là những ngư dân sống Hà Tĩnh. Nhưng từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do chất thải của công ty Formosa, việc đánh bắt cá phải dừng lại. Nguồn nguyên liệu muối để làm nước mắm cũng bị ô nhiễm. Tất cả những nguời dân làng chài ở đó đều là nạn nhân. Cuối cùng, ông bà tôi đã quyết định từ giã biển…

Theo Nhã Uyên, vấn đề quan trọng nhất là ý thức của mỗi người vì môi trường nói chung và hãy nói cho người khác hiểu điều đó để họ cùng chung tay giữ gìn. Và Nhã Uyên cũng nghĩ ra ý tưởng có ích như tái tạo đồ sử dụng trong gia đình, đi học bằng xe bus.

Điều đặc biệt là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có câu lạc bộ về môi trường, nên có điều kiện là ngày cuối tuần Uyên cùng các bạn đi tuyên truyền hay thực hiện những việc như thu gom rác…

Cuộc thi hùng biện tiếng Nhật quốc tế Cúp học viện Kake lần thứ 8, khu vực Đà Nẵng chọn được 13 thí sinh vào vòng thi cuối trong hơn 50 bài dự thi. Các bạn đến từ các trường: THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Sky-line, THCS Đức Trí và Tây Sơn, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) và nhiều bạn đã đi làm và đang học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ Sakura và Đông Du.

Trần Thị Ngọc Vân, hiện đang làm việc ở Agribank, đoạt giải 3 cuộc thi cho biết theo học tiếng Nhật được 6 năm, nhưng chỉ thực sự quyết tâm đeo đuổi từ 3 năm qua, lúc bắt đầu đi làm. Ngọc Vân tiết lộ: “Học tiếng Nhật cực lắm, nhưng em thích nên vẫn cố được”.

Cả 3 thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba của cuộc thi đều học thêm ở các trung tâm và đã có chứng chỉ tiếng Nhật N3.

Tháng 11 tới đây, Nhã Uyên sẽ cùng một thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện Kake ở TP. Hồ Chí Minh lên đường sang Nhật tham dự vòng chung kết cuộc thi quốc tế tại tỉnh Okayama, nơi đặt trụ sợ chính và 2 trường đại học lớn của Hệ thống giáo dục Kake.

Và những người có chung chí hướng bảo vệ môi trường đến từ nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… sẽ nói về việc bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ bản thân mình. Để không phải gửi lời xin lỗi đến thế hệ mai sau. Và bắt đầu từ hôm nay và từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Hiền Lương

;
.
.
.
.
.
.