Bữa cơm nhà

.

Bữa cơm mà cả nhà đủ đầy, cùng quây quần ăn uống, trò chuyện luôn là sự mong đợi của bất cứ ai. Cả ngày tất bật với công việc, khi bước chân về đến nhà, ai cũng muốn được ngồi vào mâm với canh nóng, cơm dẻo và những gương mặt thân yêu cùng xúm xít bên nhau. Bữa cơm là sợi dây kết nối những tình cảm gia đình. Nếu không có những bữa cơm đầm ấm ấy, con người sẽ trở nên cô độc biết bao.

Ảnh: NGUYỄN THIỆN
Ảnh: NGUYỄN THIỆN

Người ở nhà đã vậy. Với người đi xa thì bữa cơm nhà luôn là nỗi nhớ mong khắc khoải. Nỗi nhớ thì chung, nhưng lại rất cụ thể qua từng món ăn đơn sơ mẹ vẫn nấu hằng ngày.

Bữa cơm nhà những ngày thơ ấu, chỉ có bát canh rau với đĩa cá kho ít ỏi mẹ không dám gắp để nhường cho chồng, cho con. Những bữa cơm mà khoai độn nhiều hơn gạo, thức ăn chỉ có đĩa rau luộc hoặc kho những ngày giáp hạt. Những bữa cơm của một thời khó khăn ấy đã đọng lại trong ký ức những người tha hương biết bao là nhớ, là thương.

Nhớ những ngày hè, trời nắng nóng, ăn gì cũng thấy háo nước, mẹ luộc mớ rau muống xanh rờn, lấy nước luộc rau vắt chút chanh làm canh. Mớ tôm tươi mẹ mua ở bến sông sáng sớm, rang mặn để dành vài ba ngày cho lũ trẻ có chút mặn mòi đưa cơm.

Cả nhà ngồi quanh mâm, đưa bát cho mẹ xới đều chừng hai lượt là mọi thứ hết veo. Câu chuyện quanh mâm cơm rôm rả. Những câu chuyện nghe hoài vẫn thấy chưa bao giờ đủ là chuyện kể của những đứa trẻ trong nhà. Hay chuyện chợ búa của mẹ, chuyện cày bừa của cha, rồi đến chuyện lũ chó con nhà hàng xóm mới mở mắt hôm qua...

 Những ngày trời mưa dầm, mẹ lấy mớ cá cơm phơi khô để dành từ mùa hè, đem ngâm rồi cái nấu canh với rau tập tàng mẹ quơ vội ngoài vườn, cái thì đem chiên sơ rồi thêm chút đường, chút nước mắm dầm thêm chút ớt bột. Mẹ vốn khéo tay, thứ gì vào tay mẹ cũng thành món ngon dù chỉ là rau dưa.

Cơm mẹ nấu ngon bởi mẹ nếm vào trong đó gia vị của yêu thương, của vén khéo, tảo tần.  Thức ăn chỉ có vậy, mà lũ con đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn rào rào như tằm ăn lên, loáng cái đã sạch nhẵn mọi thứ.

Những ngày nước lụt tràn về, chợ không họp, mẹ sàng sảy mớ đậu phụng để trên gác bếp, rang lên. Hũ dưa gang mẹ muối để dành cho ngày mưa tháng gió được đem ra, hớt chút váng rồi rửa sơ cho bớt mặn.

Tay mẹ thoăn thoắt xắt mỏng trái dưa vàng ươm, rồi trộn chút muối, chút đường với chén đậu phụng rang giòn giã giập, là cả nhà có món ngon. Bữa cơm nhà không cao lương mỹ vị, chỉ quanh quẩn với những thứ rau dưa quen thuộc, thi thoảng có chút cá đồng hay chút thịt dặm thêm, nhưng luôn làm cho những đứa con lớn lên đi xa quê thao thức, thèm thuồng.

Ảnh: NGUYỄN THIỆN
Ảnh: NGUYỄN THIỆN

Mâm cơm nhà không có sơn hào, hải vị, không có những món ngon mà ta được tiếp đãi ở những nhà hàng sang trọng, vậy mà ai đi xa cũng muốn trở về nhà để được ăn cơm cùng mẹ. Thì ra, ta nhớ cái không khí ấm cúng của những bữa cơm sum họp, nhớ mùi thức ăn mẹ nấu mỗi trưa, mỗi chiều. Nhớ những tháng ngày đi học xa.

Cứ chiều lại, nhìn thấy những gia đình tụ họp vui vẻ bên mâm cơm, lại quay quắt nhớ nhà. Nhớ mâm cơm nóng những chiều mưa với món cá chuồn chiên củ nén của mẹ; nhớ bát canh mít non nấu với tôm thêm mớ lá lốt thơm nức mũi ăn hoài vẫn còn thèm. Nhớ những lời càm ràm muôn thuở của mẹ chuyện con gà bới hết mấy vồng đậu mẹ mới trồng, con chó sủa điếc tai hàng xóm....

Những bữa cơm nhà với gia vị yêu thương của mẹ, với tấm lòng bao dung của cha sẽ theo ta suốt cả cuộc làm người. Ai lớn lên mà không nhớ về những bữa cơm nhà ngày còn thơ ấu; nhớ những lam lũ, cực nhọc của mẹ; nhớ những ngày dầm mưa dãi nắng của cha để nuôi lớn chúng ta. Câu hát xưa “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” luôn mộc mạc, chân tình và mãi là một lời nhắc nhớ không bao giờ cũ với những đứa con xa quê.

KIM EM

;
.
.
.
.
.
.