Bữa cơm ấm tình quê

.

Những bữa cơm nóng hổi, ấm áp như khi bạn đang được thưởng thức bên người thân mà Trương Hữu Phú, SV năm thứ 4, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) chuẩn bị cho những người con xa quê qua việc sáng lập dự án “Ucom-Cơm của U”.

Từ nay bạn không phải mất thời gian lặn lội đi tìm không gian quán cơm hay đợi đến kỳ nghỉ mới được trở về nhà thưởng thức bữa cơm của mẹ nấu.

Với dự án “Cơm của U”, nhóm của Phú (giữa) kỳ vọng đem đến cho khách hàng những bữa cơm mang không khí ấm áp của gia đình.
Với dự án “Cơm của U”, nhóm của Phú (giữa) kỳ vọng đem đến cho khách hàng những bữa cơm mang không khí ấm áp của gia đình.

Tên của dự án đủ gợi nhớ những bữa cơm ấm áp bên gia đình- không khí vừa gợi nhắc khiến bao trái tim xa quê thao thức.

Trương Hữu Phú- người sáng lập dự án Ucom nói: “Em cũng là một sinh viên xa nhà. Nhiều bữa trời mưa rét, khoác chiếc áo mưa tiện lợi, lặn lội đi tìm quán cơm bụi, có khi gọi ra dĩa cơm nguội ngắt, cảm giác đơn độc, nhớ nhà, nhớ cơm mẹ nấu cứ thế ùa về, khiến người mạnh mẽ nhất cũng cảm thấy rưng rưng.

Những ngày đó thèm đến ngày nghỉ cuối tuần để trở về ăn cơm của mẹ lắm. Nhưng đó là những bạn sinh viên gần nhà như em, còn các bạn quê cách trường hàng trăm, gần cả ngàn cây số thì điều đó chỉ có thể thực hiện trong dịp hè và Tết”. Đó cũng là nguyên nhân và động lực chính để Phú nảy ra ý thưởng xây dựng dự án “Ucom - Cơm của U”.

Có ý tưởng, Phú trao đổi với Nguyễn Dự-bạn học, và lập nhóm để triển khai. Phú bảo, ban đầu dự án chỉ gói gọn trong bữa cơm sinh viên với tên gọi “Cơm bạn nấu”.

Thay vì trực tiếp chế biến món ăn đưa đến khách hàng, Phú nghĩ ra cách xây dựng app để tạo ra sự kết nối giữa người nội trợ với khách hàng. Dự án tham dự cuộc thi Starup Runway do Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tổ chức dành cho tất cả sinh viên đang theo học trên địa bàn Đà Nẵng. Dự án của Phú lọt nhóm 15 dự án xuất sắc toàn Đà Nẵng.

Tháng 6-2018, dự án tham gia tuyển chọn, vượt qua nhiều vòng thi và được lựa chọn ươm tạo tại Vườn ươm Sông Hàn.

“Khi vào vườn ươm tạo thì em bắt đầu lập nhóm gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên đang học tại Trường ĐH Kinh tế là Nguyễn Dự, Nguyễn Thanh Khiết, Nguyễn Quang Huy và bạn Hoàng Anh Tuấn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Từ đây, nhóm bắt đầu triển khai chuyên sâu và mở rộng dự án với tên gọi là Ucom”, Phú nói.

Theo đó, sau hơn một tuần chạy thử app Ucom, nhóm mất thêm khoảng 1 tháng để hoàn thành app tương đối hoàn chỉnh. Từ đó, cứ cách một tuần học cùng các chuyên gia, nhóm của Phú lại chia nhau đi thực tế để tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư của khách hàng.

Suốt 6 tháng ròng rã như thế, mỗi thành viên đều nỗ lực hết mình, sắp xếp thời gian học trên giảng đường để tìm gặp từng khách hàng, tìm hiểu mong muốn của họ thế nào về một bữa cơm trưa, mức giá họ mong muốn và các vấn đề họ đang gặp phải.

Mỗi bài phỏng vấn được nhóm ghi lại cẩn thận, nghiên cứu để từ đó đưa ra giải pháp tối ưu cho một bữa cơm thật sự.

Phú cho biết: “Đối tượng chính của dự án hướng đến là các khách hàng làm việc trong văn phòng. Tiêu chuẩn của họ thường là những bữa cơm nhiều rau, đậm vị, nóng, giao hàng nhanh để tiết kiệm thời gian. Từ đó, nhóm xây dựng app, kết nối các nhà nội trợ và đưa ra phương thức giao hàng phù hợp để đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, nhóm còn tìm gặp và thuyết phục các nhà nội trợ có tay nghề chuẩn tham gia dự án”.

Mỗi suất cơm có giá vừa phải, đủ chất, đáp ứng nhu cầu khách hàng của Ucom. Ảnh:T.L
Mỗi suất cơm có giá vừa phải, đủ chất, đáp ứng nhu cầu khách hàng của Ucom. Ảnh:T.L

Theo Phú, hiện dự án đã kết nối với 5 nhà nội trợ và mỗi người có thực đơn khoảng 5 món ăn bảo đảm chất lượng để phục vụ cơm. Muốn đặt cơm, khách hàng chỉ cần lên mạng, vào máy tính hoặc điện thoại truy cập trang app Ucom để kết nối chọn món ăn, thời gian giao hàng. Chỉ cần vài cú nhấp chuột như vậy khách hàng đã có ngay bữa cơm trưa nóng hổi, thơm ngon, đậm vị quê hương và có thể lựa chọn thực đơn mình mong muốn.

“Với app kết nối này, không chỉ đem đến cho khách hàng những bữa cơm tiện lợi, hợp khẩu vị mà còn mang đến cho bản thân họ một không khí gia đình đầm ấm khi được thưởng thức những món ăn đó. Còn đối với người nội trợ, mỗi ngày, thay vì nấu cho gia đình 4 người ăn thì chỉ cần nấu thêm 2 đến 3 suất. Như vậy vừa giúp họ thỏa mãn đam mê nấu nướng, vừa kiếm thêm thu nhập”, Phú phân tích.

Sau thời gian ươm tạo, hiện dự án Ucom của nhóm Phú đang chuẩn bị vào vòng tăng tốc với kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư, chạy thử nghiệm miễn phí 3 tháng trước khi đưa vào ứng dụng thực tế. “Mong muốn của nhóm là kết nối được càng nhiều nhà nội trợ để những bữa cơm đến với khách hàng được phong phú hơn.

Tương lai khi dự án vận hành, nhóm sẽ phát triển nhiều hơn số lượng thành viên để vận hành app. Đồng thời mở rộng hơn ra ngoài khuôn khổ của bữa cơm trưa. Nhóm cũng sẽ lưu ý đến các nhà nội trợ về việc sử dụng các hộp cơm và vật dụng đựng canh… thân thiện môi trường.

Một mục tiêu xa hơn là thông qua dự án này, nhóm mong muốn phát triển trên khắp cả nước để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, nhất là với lao động nữ”, Phú bộc bạch.

Thiên Lam   

;
.
.
.
.
.
.