Giới trẻ Thái Lan về nông thôn

.

Pasawut “Jack” Roongrasmi là một kỹ sư nhưng anh quyết định bỏ cuộc sống ở đô thị để bắt đầu cuộc sống mới của một nông dân. Roongrasmi giải thích rằng, đơn giản kỹ sư không làm cho anh cảm thấy vui. Chàng kỹ sư này không phải ngoại lệ khi mà rất nhiều thanh niên nam nữ ở Thái Lan đang có xu hướng quay lưng lại những tiện nghi hiện đại ở thành phố lớn để bước vào cuộc sống “tự cung tự cấp” cho mình thông qua nông nghiệp.

Trang trại của những bạn trẻ Thái Lan.
Trang trại của những bạn trẻ Thái Lan.

Những thanh niên này không hề cô đơn bởi có một mạng lưới gồm những nông dân giàu kinh nghiệm giúp đỡ mang tên Dare to Return (tạm dịch là Thách thức trở lại). Mạng lưới này giúp các bạn trẻ trong việc xây dựng trang trại với các phương pháp hiện đại và bền vững. “Tôi đã học nhiều khóa về nông nghiệp nhưng không thể xây dựng được trang trại cho riêng mình. Nhưng Dare to Return đã giúp tôi một hướng đi hoàn toàn mới, kinh nghiệm làm việc và sống một cuộc sống tốt hơn, dần dần tôi đã có thể biến đổi bản thân mình”, Roongrasmi nói. Roongrasmi hài lòng với trang trại của mình ở huyện Mae Rim thuộc tỉnh Chiang Mai, nơi ông sử dụng hệ thống điện tưới tiêu tự động cho dứa xuất khẩu. Roongrasmi cũng đang học về cách tối ưu hóa ánh sáng cho cây trồng tại Đại học Maejo ở Chiang Mai

Xu hướng này đang được khuyến khích ở Thái Lan. Theo Ủy ban phát triển kinh tế xã hội quốc gia, số người trên 60 tuổi sống ở nông thôn đã tăng lên hơn 11 triệu người trong năm 2017, chiếm 17% dân số. Điều đó chứng tỏ dân số nông thôn đã già đi. Mạng lưới Dare to Return khuyến khích người trẻ từ thành phố trở về phát triển nông nghiệp, nông thôn với các công nghệ canh tác tiên tiến. Họ tin rằng nông nghiệp là nền tảng bền vững cho một xã hội sẵn sàng chấp nhận thay đổi công nghệ. Các nông dân hỗ trợ lẫn nhau, học tập cộng đồng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế hệ trước và sau để xây dựng một nông thôn mới mang tính hợp tác cao hơn, chất lượng cuộc sống cũng cao hơn.

Purich Singkharaj tốt nghiệp đại học đã tìm được công việc bận rộn: 6 ngày/tuần và cả làm thêm giờ mỗi ngày. Rồi công ty đưa anh sang Nigeria làm việc trong 3 năm. Thời gian ở châu Phi đã giúp cho Purich Singkharaj có cách nghĩ khác về cuộc sống, rằng như vậy là lãng phí thời gian và muốn quay trở lại với truyền thống làm nông của gia đình. Singkharaj trở về Thái Lan mở một nhà nghỉ homestay để du khách có thể sử dụng đất xung quanh nhà để trồng hành, dâu tây hữu cơ… Singkharaj cho rằng làm nông nghiệp giúp anh có thời gian để theo đuổi những sở thích khác về nghệ thuật và âm nhạc mà lúc làm công ty không có thời gian. “Tôi thích phiên bản này của mình hơn”, Singkharaj vui vẻ nói.

Hay như Duangjai Sirijai làm việc ở Bangkok 7 năm trong công việc của một cử nhân quản trị kinh doanh nhưng vì cha mẹ đau ốm nên chấp nhận chuyển về quê để chăm sóc cha mẹ. Cô chuẩn bị khá kỹ lưỡng về nông nghiệp như đất nhà cô phù hợp với trồng đậu phộng, khoai tây và nhãn. Quy mô hoạt động của Sirijai nhỏ nhưng đạt chất lượng cao nên trang trại của cô là điểm cho những bạn trẻ học tập. Sirijai sẵn lòng hỗ trợ các bạn trẻ rời chốn phồn hoa đô thị để trở về nông thôn lập nghiệp.

ANH THƯ (Theo Christian Science Monitor)
 

;
.
.
.
.
.
.