Phố cổ Hội An, xe đạp và đi bộ

.

Tôi đến Hội An nhiều lần, cái phố cổ nho nhỏ ấy mỗi lần tôi tới lại thêm vài điểm nhấn làm duyên và lại thêm những người khách lạ. Khách sạn chúng tôi ở là khách sạn Công Đoàn nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nơi đó ra một tí là con đường Hai Bà Trưng có tấm bảng chỉ đường: Chùa Cầu 1km.

Vâng, Chùa Cầu luôn là linh hồn, nổi bật hẳn so với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích làm say đắm lòng người ở Hội An. Giờ thì muốn bước vào lòng chùa Cầu phải mua vé tham quan, cũng là cách để Hội An có thêm nguồn thu bảo quản di tích và cũng giảm bớt khách bước lên di tích được xây dựng từ thế kỷ 17 này.

Với Hội An,  từng bước chân bạn qua là ríu rít sự gợi nhớ và đầy cảm xúc.Ảnh: K.V.T
Với Hội An, từng bước chân bạn qua là ríu rít sự gợi nhớ và đầy cảm xúc.Ảnh: K.V.T

Tất nhiên là tôi không ý định tả cảnh ở Hội An, mà lại kể về cái cảm giác của đôi chân đi bộ và xe đạp.  Bởi những con phố cổ như  Phan Chu Trinh, Trần Phú hoặc Bạch Đằng ven sông Hoài rất nhỏ, nhà nhỏ cho nên việc đi ô-tô vào chắc chắn sẽ phá vỡ đi cảnh quan, còn đi xe đạp, đi bộ hoặc đi xích lô du lịch là cách ngắm nhìn thú vị nhất.

Anh taxi chở tôi đi, bảo có lẽ Hội An là nơi có nhiều xe đạp nhất. Thật vậy, những chiếc xe đạp mà thường ngay giỏ xe có gắn tên của khách sạn, nhà hàng hay một điểm cho thuê nào đó có khắp mọi nơi ở con phố cổ. Vì ngoài việc chặn xe taxi vào trung tâm, tới đêm thì cả khu phố khi đã ngập tràn ánh đèn lồng chỉ còn là những bước chân đi bộ và xe đạp.

Tôi chọn cách đi bộ, đi thong dong như mọi người, đi như lâu lắm rồi không hề được đi. Hội An nheo mắt ngó tôi như ngó ngàn ngàn du khách, không mời chào, không hối hả và cũng chẳng bận tâm hỏi tôi đi đâu.

Con đường Hai Bà Trưng cứ thế nhỏ lần, nhỏ rí như nó vẫn thế bao nhiêu năm nay. Băng qua Trần Phú hay đi tiếp tới bờ sông Hoài, rẽ qua chùa Cầu, nay có thêm chiếc cầu đi bộ, có những chiếc thuyền gỗ do những người phụ nữ chèo chở bạn qua bên kia sông, đến Cẩm Kim chạm làng mộc Kim Bồng, hay đôi khi chỉ là xuôi dòng mà nhìn Hội an.

Hội An đẹp về đêm. Bước vào Hội An đêm giống như bước vào một câu chuyện cổ tích. Những chiếc xe đạp mau chóng được thuê với giá 30.000 đồng/ngày. Một chiếc xe chở được hai người, đạp nhẹ nhàng chen qua mấy con hẻm, chen vào những người đi bộ hay đưa điện thoại lên tự chụp ảnh mình. Người đi bộ cứ đi, không vội, cứ dừng chân ngắm nhìn hay tự mình lạc vào các điểm bán đèn lồng, bán  món ăn.

Người đi xe đạp cũng không vội đạp, đạp xe cũng chỉ là cái cớ chen cùng ấy mà. Thỉnh thoảng sẽ bắt gặp những cô gái bước ra từ các tiệm quần áo may sẵn, họ mặc áo dài đội nón lá. Đó là những cô gái đến từ Hàn Quốc, họ thích thú mặc áo dài đi trong con phố nhỏ đầy ký ức Hội An.

Những hàng ăn nhỏ mà các món ăn rất Hội An là  cao lầu, mì Quảng treo bảng nhấp nháy. Quán nằm trong con hẻm, khách cứ để xe đạp bên ngoài, để chỗ nào cũng được, chẳng cần khóa xe, vào mà ăn. Ngay cả những quán  trà ở Hội An cũng đẹp như những bài thơ, trang trí rất đẹp.

Có quán nhón cao bởi hiên nhà trên cao, những cây dây leo thả rũ. Có quán nép trong những ngôi nhà cổ với những cánh cửa màu thời gian. Khách có thể uống trà, cà-phê hoặc bánh ngọt. Và tất nhiên, xe đạp muốn để nơi nào cũng được.

Có thể bạn rất ít đi bộ, nhưng tôi đoán chắc là với Hội An, bạn quên mất rằng bạn đang đi bộ, rời xa các phương tiện đi lại tiện nghi. Không phải vì Hội An nhỏ, mà bởi vì từng ngôi nhà, từng mái ngói, từng bước chân bạn qua là ríu rít sự gợi nhớ và đầy cảm giác.

Và có thể bạn đã từng đi xe đạp, nhưng bạn sẽ thấy chưa nơi nào xe đạp nhiều như Hội An. Và những chiếc xe đạp đưa du khách đến và đi đó cứ  để dọc mọi nơi, không choán chỗ. Và mỗi lần tới Hội An, bạn lại yêu nơi này thêm một tí giống như bạn đang trở về nơi mình yêu quý, vô cùng yêu quý.

KHUÊ VIỆT CƯỜNG

;
.
.
.
.
.
.