Ngọc kia chẳng giũa…

.

Chính thức khánh thành vào đầu năm 1919 sau 4 năm xây dựng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được mệnh danh là “viên ngọc quý” khi trưng bày hàng ngàn hiện vật quý của nền văn hóa Chăm-pa.

Các bức bích ảnh tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được đầu tư cả về chất lượng lẫn số lượng để phục vụ du khách. Ảnh: V.T.L
Các bức bích ảnh tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được đầu tư cả về chất lượng lẫn số lượng để phục vụ du khách. Ảnh: V.T.L

Ông Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đã từng trải lòng qua bài viết “Cổ viện Chàm: Một góc sáng của thành phố Đà Nẵng” đăng trong tập sách “Đà Nẵng - Dấu ấn văn hóa” (NXB Đà Nẵng, 2016) nhân kỷ niệm 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Dù tên trong “căn cước” chính thức hiện nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhưng nhiều người vẫn gọi nơi này với những cái tên xưa cũ như: Cổ viện Chàm, Bảo tàng Chàm. Ông Thắng cho rằng, người ta gọi thế “để cảm thấy nó thân thương và gợi nhiều hồi ức về hình ảnh của thành phố Đà Nẵng từ những thế kỷ trước”.

Cho dù hơn thế kỷ qua đã có những đổi thay nhất định ở cái bảo tàng nhỏ bé nơi phía tây cầu Rồng này, nhưng một trong những điểm hấp dẫn của nó vẫn không hề thay đổi, đó là tính chất xưa cũ cần có của một bảo tàng.

Trước năm 1975, người viết từng đạp xe dạo quanh các nhà sách ở Đà Nẵng, chán rồi không biết đi đâu, lại rủ đám bạn chui vào trong khu nhà màu vàng có kiến trúc lạ lẫm trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú), nơi có những tượng đá hình thù quái dị khác với những gì mà tuổi thơ chúng tôi ngày đó được nghe mẹ kể trong những câu chuyện cổ tích.

Giờ sao thấy đồng cảm với ông Võ Văn Thắng về những “khối đá hình thù khó hiểu”, những “tượng mất đầu” cùng với những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí của một số người già về Cổ viện Chàm của Đà Nẵng.

Thời Pháp thuộc, gần Cổ viện Chàm và chùa An Long có một lò mổ gia súc. So với chùa và cổ viện, lò mổ cũng không kém nổi tiếng vì cấp thịt cho toàn Đà Nẵng nên con đường đi qua đó (chỉ là đường cụt, chạy từ bên hông Cổ viện Chàm vào đến khu chứa xăng dầu là hết) được người Pháp đặt tên là Rue d’Abattoir (đường Lò Mổ).

Năm 1956, Rue d’Abattoir được đổi thành đường Tiểu La. Năm 1997, do việc mở rộng đường 2 Tháng 9, đường Tiểu La (cũ) được nối với đường 2 Tháng 9. Từ đó có thêm nhiều người xuôi ngược trên đoạn đường mới này thấy những “khối đá hình thù khó hiểu”, những “tượng mất đầu” thấp thoáng sau những hàng cây cổ thụ, những cột trụ màu vàng sẫm đặc trưng.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Cổ viện Chàm xưa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nay, đã chính thức “ra mặt tiền”! “Viên ngọc quý” đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là các nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới.

Còn nhớ gần 3 năm trước, sáng 25-7-2015, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập (1915-2015) Bảo tàng Điêu khắc Chăm, đơn vị này tổ chức tọa đàm “Khảo cổ học về Chăm-pa sau năm 1975 và hoạt động bảo tồn, bảo tàng”.

Tại buổi tọa đàm, các học giả, các nhà nghiên cứu tâm huyết đã đánh giá, nhận định một cách nghiêm túc, sôi nổi về khảo cổ học Chăm-pa sau năm 1975, những vấn đề “cũ và mới” đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm sau 100 năm thành lập cùng những đề xuất về phương thức đầu tư và quản lý mới để phát huy giá trị “viên ngọc quý” của Đà Nẵng và Việt Nam.

Để “viên ngọc quý” được sáng hơn, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư gần 40 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục. Một trong những đổi thay đáng kể nhất, theo ông Trần Đình Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, là bố trí trưng bày hiện vật.

Diện tích chật hẹp mà hiện vật thì quá nhiều, rất khó giới thiệu với công chúng. Thêm vào đó, Phòng Mỹ Sơn (cũ) nằm phía Đông chịu nhiều mưa gió tạt; người Pháp gắn hiện vật tên tường nên có nguy cơ giảm tuổi thọ. Xu hướng trưng bày hiện đại là đặt hiện vật lên bục, bệ.

Trước đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có 3 lối vào dành cho khách tham quan, một vào Phòng Trà Kiệu, một vào Phòng Tháp Mẫm, một vào Phòng Quảng Trị và Hành lang Quảng Nam. Hướng dẫn viên đưa khách vào đâu trong 3 lối này cũng được, dẫn đến nhiều bất cập, trong đó có việc khách khó có thể hình dung ra toàn bộ nội dung cũng như thông điệp mà bảo tàng muốn gửi đến khách thông qua cách trưng bày hiện vật.

Nay, theo ông Hà, khách sẽ vào cổng 2B (trên đường 2 Tháng 9) thay vì vào cổng 2A (đối diện trụ sở VTV8), đến Phòng đón tiếp rồi trình tự đi qua các Phòng: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định - Kon Tum.

Trong đó, có 4 địa điểm quan trọng được bố trí thành một trục theo cổng 2A: Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm. Các khu trưng bày trước đây sử dụng ánh sáng trời, nay được lắp đặt hệ thống đèn tạo hiệu ứng gây ấn tượng cho khách tham quan.

Phòng Đà Nẵng là phòng trưng bày “mới rợi” sau khi nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhằm tạo cho khách tham quan một cái nhìn cụ thể hơn về văn hóa Chăm tại địa phương, rằng Đà Nẵng cũng là một địa chỉ có các nền móng Chăm mà trước đây người ta không nghĩ tới.

Trong thời gian Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng tháng 11-2017, nhiều khách tham quan đã ghi lại cảm xúc của mình khi đến tham quan “viên ngọc quý” này. Bà Naraporn Chan-o-cha, Phu nhân Thủ tướng Thái Lan, ghi vào sổ lưu niệm (tiếng Anh, tạm dịch):

“Tôi đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời để biết thêm về lịch sử của Champa, và nhận ra rằng Thái Lan và Việt Nam cùng chia sẻ một phần của văn hóa Hindu qua các hiện vật và các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở cả hai quốc gia. Cảm ơn các bạn rất nhiều”.

Với “viên ngọc quý” Cổ viện Chàm, nỗ lực của những người làm bảo tàng và sự quan tâm đầu tư của thành phố đã được đền đáp xứng đáng qua ghi nhận của các “khách VIP” trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Mong rằng đó chưa phải là mục đích cuối cùng, bởi lẽ dân gian có câu “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài/ Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”...

Các bảo tàng của Việt Nam cũng bắt đầu gia nhập các tổ chức kết nối các bảo tàng trên thế giới, như Hiệp hội Bảo tàng Thế giới, Hiệp Hội Bảo tàng châu Á…

Các hiệp hội bảo tàng đang cùng chia sẻ những nhiệm vụ mới đầy năng động của thiết chế bảo tàng nhằm mục đích thu hút công chúng, phục vụ xã hội nhiều hơn và nhằm vượt qua được những khó khăn trong một môi trường nhiều cạnh tranh của các ngành công nghệ giải trí.

Đây chính là cơ hội và cũng là thách thức cho bảo tàng Việt Nam nói chung và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nói riêng.

Với sự quan tâm của cơ quan quản lý và sự yêu mến của công chúng, hy vọng Bảo tàng Điêu khắc Chăm/ Cổ viện Chàm mãi mãi là một góc sáng của thành phố Đà Nẵng.

Ông VÕ VĂN THẮNG, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.