"Lửa mới" - niềm hy vọng từ nhà sáng tác Đà Nẵng

.

Trại sáng tác văn học đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang năm 2018 do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Nẵng bế mạc vào ngày 17-5. Trại viết thu được nhiều truyện ngắn đầu tư công phu, chất lượng. Trong đó, đề tài chiến tranh cách mạng và lịch sử là mảng đề tài được nhiều trại viên quan tâm và thu được nhiều tác phẩm  ấn tượng.

Nhà văn Uông Triều báo cáo tổng kết hoạt động Trại sáng tác. Ảnh: T.T.S
Nhà văn Uông Triều báo cáo tổng kết hoạt động Trại sáng tác. Ảnh: T.T.S

Đại tá Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội cho biết, đây là trại viết khởi động cho cuộc thi truyện ngắn Lửa mới với mong muốn bằng ngọn lửa nhiệt tình mới, nguồn cảm hứng mới cùng  tài năng, tâm huyết của các nhà văn sẽ cho ra đời những truyện ngắn thật sự có chất lượng, góp phần làm phong phú thêm cho đời sống văn học đương đại.

Theo kế hoạch, lễ trao giải cuộc thi này sẽ được tổ chức vào cuối năm 2019, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).

Những cây bút có thế mạnh về đề tài chiến tranh cách mạng vẫn giữ được phong độ của mình. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, qua truyện ngắn Cha con người phố Hẹ kể chuyện về người cha vào chiến trường, từng bắn rơi máy bay trực thăng của địch, tham gia những trận đánh đẫm máu trên những cánh đồng vùng Tháp Mười hoang vắng.

Nối bước cha, người con trai phố Hẹ tiếp tục vào quân ngũ, anh trở thành chiến sĩ biên phòng vùng biển và trong một lần truy bắt tàu buôn lậu, anh đã bị thương. Hai cha con trong hai cuộc chiến khác nhau, người cha chiến đấu đòi lại độc lập cho Tổ quốc còn người con giữ gìn bảo vệ cho nền độc lập ấy.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, tác giả được nhiều người biết với bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”, lần đầu tham gia trại viết với tư cách tác giả viết văn xuôi. Anh đã có truyện ngắn Biên ải mờ sương liên quan tới cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc.

Trên vùng cao biên giới heo hút ấy có rất nhiều những chuyện lạ kỳ về phong tục của đồng bào miền núi, thổ phỉ cũng từng tồn tại. Một viên thổ phỉ già khét tiếng một thời và một biệt kích của chế độ Sài Gòn cũ tình cờ có một cuộc hội ngộ.

Câu chuyện có phần ly kỳ nhưng toát lên ý nghĩa, dù có ở địa vị, chiến tuyến nào nhưng khi an nguy của Tổ quốc bị đe dọa thì bất kì công dân nào cũng sẵn sàng đứng ra chặn đứng sự hiểm nguy ấy.

 Về đề tài lịch sử, Phạm Hữu Hoàng có truyện Người quản ngục kinh thành, viết về cuộc đời có phần bi thảm của Ngô Văn Sở, danh tướng một thời của nghĩa quân Tây Sơn. Lê Vũ Trường Giang thì vẫn say đắm với đất Huế, mảnh đất quê hương của anh.

Qua truyện Hoa vĩnh hằng gợi lại âm hưởng trận chiến năm 1968 tại Huế. Không phải là phán xét, lật lại lịch sử mà một cái nhìn thiết tha hoài nhớ về đất Huế, về những đau thương, mất mát đất cố đô phải trải qua trong chiến tranh và dường như những vết thương hậu chiến vẫn còn tiềm ẩn.

Bên cạnh chiến tranh và lịch sử là một đề tài lớn, cuộc sống xã hội hiện đại luôn là niềm đau đáu của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ tham gia trại viết. Nguyễn Thị Lê Na có hai truyện ngắn về đề tài này: Tiếng sáo người hát rong và Sinh.

Tác giả có thế mạnh về miêu tả những cảnh đời, tâm lý phụ nữ trong cuộc sống bộn bề và chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Lưu Thị Mười với hai truyện ngắn Tàn tro, Những người đàn bà khóc, lại đề cập tới một vấn đề khác của cuộc sống và những hệ lụy của nó. Điều đáng nói là sau những biến cố, có lúc cay đắng, ê chề ấy cuối cùng những người đàn bà lầm lạc đã trở về đúng cái nền tảng quan trọng nhất: hạnh phúc gia đình.

Nhà văn đầy cá tính Y Ban tham gia trại viết với hai truyện ngắn Ruộng xấu và Anh Quảng. Ruộng xấu đề cập tới vấn đề đồng tính. Chối bỏ, chấp nhận hay sống chung với những khác biệt là câu hỏi đặt ra cần lời giải đáp.Truyện ngắn Anh Quảng là hồi ức về những ngày xa xưa khốn khó. Một cậu bé theo một người đàn ông trưởng thành xuôi ngược rong chơi.

Những cảnh đời, những người cậu bé gặp, ai cũng mang một niềm tủi cực ít nhiều nào đó. Rồi người đàn ông lãng tử mê thơ kia dạy cậu chơi cờ. Rồi bẵng đi một thời gian, khi cậu bé kia trở về từ xứ lạ và trở thành cao thủ làng cờ thì người bạn năm xưa đã khuất bóng. Một nỗi buồn man mác chen pha một quá khứ đã lùi xa.

Trần Nhã Thụy đóng góp với trại viết bằng truyện ngắn Máu đen. Những tay giang hồ người đầy hình xăm trong một băng nhóm khét tiếng ở thành phố đang thực hiện những phi vụ dưới những vỏ bọc rất mỹ miều. Chúng hoạt động rất mạnh và tìm cách chiêu mộ thêm những người trẻ vào băng ổ của chúng. Một cậu thanh niên mới ra trường thất nghiệp đã rơi vào vòng điều khiển của chúng và một ngày kia anh bỗng phát hiện ra sự thật cay đắng của những việc mình làm.

Anh quyết định quay trở về với lương thiện. Máu đen vừa là mực xăm của những kẻ giang hồ vừa là ẩn dụ của những thế lực hắc ám mà dường như nhà văn của thế hệ 7x rất ưa chuộng dùng để xây dựng những biểu tượng đa nghĩa.

Nhà văn trẻ nhất của Trại viết là Phạm Thị Thúy Quỳnh (sinh năm 1997) và lần đầu  tham dự trại, với truyện ngắn Thần thoại để đưa người đọc trở về miền cổ tích Hy Lạp với những vị thần lừng danh như thần Dớt, thần tiên tri… với một trí tưởng tượng đầy bay bổng…

Nhà văn Uông Triều, Trại trưởng Trại sáng  tác nhận định: Dù tác phẩm có lúc mãn nguyện hoặc có khi chưa được như ý nhưng tất cả đều cháy hết mình trong đợt nhóm lửa đầu tiên của Lửa mới. Một số cây bút vẫn trung thành với lối viết truyền thống nhưng một số đã có những đổi khác, tự làm mới mình cũng như có những thử nghiệm nhất định.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.
.