Về thành ngữ "Chỉ hươu nói ngựa"

* Hôm rồi, trong lúc trà dư tửu lậu, có người nói “thằng ấy là loại người đổi trắng thay đen, chỉ hươu nói ngựa”. Xin cho hỏi, “chỉ hươu nói ngựa” nghĩa là gì và xuất phát từ đâu? (Hà Mãi, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- “Chỉ hươu nói ngựa” là một thành ngữ gốc Hán, nguyên văn là “chỉ lộc vi mã”, có xuất xứ từ một chuyện được chép trong sách Sử ký Tư Mã Thiên - cuốn sử của Tư Mã Thiên được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN, ghi lại lịch sử Trung Quốc trong hơn 2.500 năm từ thời Hoàng Đế thần thoại cho tới thời ông sống.

Theo đó, Tần Thủy Hoàng (259 - 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là vua nước Tần trong thời kỳ Chiến quốc. Khi Tần Thủy Hoàng bị thích khách Kinh Kha mưu hại thì được một hoạn quan tiểu tốt tên là Triệu Cao ra tay bất ngờ cứu thoát chết.

Từ đó, Triệu Cao được Tần Thủy Hoàng tin cẩn giao việc dạy dỗ thái tử Hồ Hợi, thanh thế hắn ngày một lớn mạnh, dần dần lấn át cả quyền lực của Thừa tướng Lý Tư.

Lần đó Tần Thủy Hoàng đi tuần du và ngã bệnh trên đường. Khi sắp chết, có Triệu Cao kề cận, vua Tần cho viết di chúc truyền ngôi cho thái tử Phù Tô là anh thái tử Hồ Hợi. Về đến kinh thành, họ Triệu âm mưu hủy di chúc để đưa Hồ Hợi lên. Với thế lực trong tay, Triệu Cao ép Lý Tư cùng hắn lập di chúc giả đưa Hồ Hợi lên thay. Yếu thế, Lý Tư đành phải đồng lõa với Triệu sửa di chúc và buộc Phù Tô phải tự sát.

Hồ Hợi lên ngôi lấy niên hiệu là Tần Nhị Thế. Nhờ có công giúp Hồ Hợi lên ngôi nên Triệu Cao được vua mới đặc biệt sủng ái, thế mạnh không ai bằng. Hắn không còn là một hoạn quan lo việc hậu cung mà ngang ngược can thiệp việc triều chính.

Có điều, Thừa tướng Lý Tư còn đó như một cái gai trước mắt hắn. Để nhổ “cái gai” này, hắn lập mưu vu cho con trai Lý Tư theo quân phản loạn và lấy cớ diệt cả nhà Lý Tư. Từ đó, hắn độc chiếm triều chính, lấn át luôn quyền hành nhà vua.

Hầu hết bá quan trong triều đều bất bình trước sự phản nghịch, gian manh, độc ác của kẻ xuất thân từ hoạn quan. Để trừ khử những ai không phục, Triệu Cao nghĩ ra một kế cực kỳ thâm độc. Hắn sai gia nhân dắt một con hươu đến sân triều và nói với Tần Nhị Thế: “Bẩm đại vương! Thần có một con ngựa quý muốn hiến cho đại vương”.

Nhị Thế ngạc nhiên, nói đây là hươu chứ đâu phải ngựa. Triệu Cao bèn quay hỏi các đại thần, rằng đây là con gì. Những kẻ bợ đỡ, xu nịnh, muốn nhân cơ hội sau này có dịp nhờ vả Triệu Cao liền nhao nhao nói đó là con ngựa. Chỉ có một số ít người khảng khái dám nói thẳng đó là hươu chứ chẳng có gì giống ngựa.

Nghe số đông nói thế, Tần Nhị Thế tưởng là ngựa thật, nghĩ mình loạn óc, bèn vào Vọng Di cung trai giới. Còn những người nói thật là hươu đều bị Triệu Cao để bụng, về sau tìm cách trả thù.
PGS.TS Phạm Văn Tình đề cập thành ngữ này trong bài viết “Chỉ hươu nói ngựa” kẻ nịnh gặp thời đăng trên baophunuthudo.vn (Báo Phụ nữ Thủ đô) ngày 20-7-2017 và bình luận như sau:

“Trong cuộc sống, nhiều người vì ham lợi lộc mà bất chấp phải trái, sẵn sàng đổi trắng thay đen miễn là mọi việc chiều theo ý mình. “Chỉ hươu nói ngựa” chính là một thành ngữ dùng để nói về những chuyện như thế…

Người đời sau dùng tích “chỉ lộc vi mã” (chỉ hươu nói ngựa) để tạo nên thành ngữ nhằm diễn tả một nội dung ngữ nghĩa: Không ít người vì lợi riêng mà nhắm mắt nói sai sự thật. Thật là một thái độ xu thời, cơ hội”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.
.