Đà Nẵng cuối tuần

Hạnh phúc đến từ… ống nghiệm

08:06, 11/03/2018 (GMT+7)

Hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn trở nên hạnh phúc rạng ngời với những “em bé ống nghiệm” chào đời khỏe mạnh sau khi tìm đến chữa trị tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tỷ lệ thành công ngày càng cao

Trong số những cặp vợ chồng dẫn con đến Khoa Hiếm muộn thăm các bác sĩ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay, tôi cảm nhận được niềm vui sướng và lòng biết ơn của gia đình chị T. (xin được giấu tên, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Không giấu được xúc động, chị T. cho biết, trước đây chị bị vô sinh và đã chạy chữa trong một thời gian dài ở nhiều nơi. Ai bày cách gì chị cũng cố gắng thử để mong sao có được đứa con cho gia đình nội ngoại vui lòng.

Và niềm hạnh phúc đã đến với gia đình chị khi được các bác sĩ Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Nhìn cháu bé vui vẻ và khỏe mạnh, gia đình chị cảm thấy biết ơn các bác sĩ nơi đây rất nhiều.   

“Hôm 27-7, nhiều cặp vợ chồng dắt con lên khoa thăm. Mình rất hạnh phúc và cảm thấy được nghề mình chọn thật là cao quý. Mình tự hào khi được tham gia vào ngành y và đóng góp cho đời khi nhìn thấy niềm vui sướng hiện hữu trên gương mặt của các ông bố, bà mẹ và những đứa con đáng yêu”, BSCK II Nguyễn Thị Phương Lê, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vui mừng chia sẻ.

Còn nhớ, cách đây chưa đầy 4 năm, vào ngày 25-12-2014, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã thực hiện mổ đẻ cho ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công đầu tiên. Bé trai Đ.T.P chào đời khỏe mạnh trong niềm hân hoan của cả gia đình và đội ngũ y bác sĩ.

Cưới nhau hơn 5 năm và nhiều lần điều trị vô sinh nhưng thất bại, cuối cùng vợ chồng chị P.T.T (sinh năm 1981, quận Hải Châu) cũng vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi đón đứa con đầu lòng chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Trước đó, khi biết không thể có con tự nhiên được, cả hai vợ chồng chị P.T.T đã đi chữa trị khắp mọi nơi. Thậm chí, đã nhiều lần thực hiện thụ tinh nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đều bị thất bại. Chưa hết hy vọng, vợ chồng chị P.T.T đã đi tìm các phương pháp đông y để điều trị vô sinh nhưng vẫn không thành công. Đến khi Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng triển khai thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng chị P.T.T đã đăng ký và thành công ngay từ lần đầu tiên.

Từ đó đến nay, Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản - Nhi đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công với tỷ lệ đậu thai 42%. Đến nay đã có 370 bé ra đời khỏe mạnh và khoảng 100 ca đang mang thai.

BS Nguyễn Thị Phương Lê cho biết: “Các trường hợp hiếm muộn đến đây chữa trị chủ yếu ở độ tuổi từ 25-37. Trong đó, đối với nam là do yếu tinh trùng, không có tinh trùng, rối loạn về sinh lý; còn đối với nữ là tắc vòi trứng, u lạc nội mạc tử cung, buồng trứng đa mang, nhân sơ tử cung và không rõ nguyên nhân…

Bệnh nhân cũng có nhiều dạng, có trường hợp sau khi cưới 5-6 tháng chưa thấy có thai thì trông ngóng nên tới khám, có trường hợp đi điều trị hơn 10 năm ở nơi khác không thành công rồi quay về Khoa Hiếm muộn làm tiếp”.

Chia sẻ về những ca đặc biệt từng được điều trị, BS Nguyễn Thị Phương Lê cho biết, có một chị (xin được giấu tên), 38 tuổi ở thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) có số lượng trứng suy giảm do lớn tuổi. Chị đã điều trị  ở Huế 3 lần nhưng thất bại.

Đến lần thứ 4, Bệnh viện Trung ương Huế đành ngưng điều trị vì nhận thấy tỷ lệ thành công thấp. Khi đến Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, dù đã được giải thích là tỷ lệ thành công rất thấp nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định theo đuổi.

Dù đã được tư vấn nên đi xin trứng để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn nhưng chị ấy vẫn chấp nhận làm tiếp với trứng của mình. “Sau khi tiến hành các biện pháp kích thích buồng trứng, chị ấy chỉ lên được 2-3 trứng và bác sĩ lại khuyên ngưng điều trị. Tuy nhiên, cả hai vẫn quyết tâm làm tiếp. May mắn, trong số đó có một phôi duy nhất. Sau khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, chị ấy đã có thai và sinh được một bé khỏe mạnh”, BS Phương Lê kể.

Giải pháp mang tính nhân văn

Cách đây khoảng 7 năm, hầu như nam giới không chịu đi khám vì họ cho rằng sinh lý bình thường thì sức khỏe sinh sản bình thường. Khi biết mình không có tinh trùng do tắc nghẽn, nhiều người đàn ông rất tự ti. Có trường hợp khi đến Khoa Hiếm muộn khám, phát hiện ra mình không có tinh trùng, họ bỏ về một mạch và trở nên bê tha rượu chè, gây gổ vợ.

Tuy nhiên, bây giờ nhận thức của nam giới và nữ giới đã có nhiều thay đổi nhờ tiếp cận nhiều kênh thông tin. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã hiểu biết hơn và cùng nhau đi khám. Khi xét nghiệm không có tinh trùng thì cả hai đều chấp nhận điều trị.

“Hiện nay, trường hợp vô sinh ở nam giới có hai dạng chủ yếu: Thứ nhất, không có tinh trùng do bẩm sinh, tinh hoàn không sinh tinh, do đó phải xin tinh trùng. Thứ hai, không có tinh trùng do bệnh lý như không có ống dẫn tinh, tắc nghẽn ống dẫn tinh.

Đối với trường hợp này thì phải chọc hút, lấy sinh thiết trong tinh hoàn để thụ tinh trong ống nghiệm bằng phương pháp PESA ICSI. Nếu những trường hợp này thành công thì họ rất hạnh phúc vì từ con số không là không có tinh trùng và cảm thấy hoang mang bởi không có giải pháp gì thì nay nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, họ đã có con. Đây là giải pháp cho những ca mắc bệnh nặng”, BS Phương Lê nhấn mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiếm muộn ngày càng cao, trong thời gian quan, Khoa Hiếm muộn đã được thành phố và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, khoa cũng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TS Vương Thị Ngọc Lan (Đại học Y Dược  TP. Hồ Chí Minh), ThS Hồ Mạnh Tường (Bệnh viện Mỹ Đức) giảng dạy, huấn luyện chuyên môn và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ y bác sĩ của khoa. Hằng năm, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng còn tổ chức tư vấn hiếm muộn miễn phí, trao đổi trực tiếp với các bệnh nhân để giúp họ có sự lựa chọn giải pháp điều trị tốt nhất.                    

“Trước khi chưa có Khoa Hiếm muộn ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân đã rất tốn kém chi phí đi lại, ăn ở khi chữa trị ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, có trường hợp chấp nhận mất việc để chạy chữa trong một thời gian kéo dài. Nhưng sau khi Khoa Hiếm muộn ra đời đã tạo điều kiện khám chữa bệnh cho người dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

Thụ tinh trong ống nghiệm là một giải pháp mang tính nhân văn. Nhờ tỷ lệ thành công cao, nhiều người đã tìm đến với khoa điều trị ngày càng tăng”, BS Phương Lê nhấn mạnh.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.