"Liều thuốc" đàn tranh cho Linh Thảo

.

Sinh ra trong một gia đình hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ đàn tranh Phạm Đỗ Linh Thảo (SN 1992) đến với đàn tranh từ tuổi lên 10, gắn bó với các loại nhạc cụ dân tộc đến nay đã được 15 năm.

Linh Thảo biểu diễn tiết mục độc tấu “Sang xuân” cùng vũ đoàn Hoàn Vũ.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Linh Thảo biểu diễn tiết mục độc tấu “Sang xuân” cùng vũ đoàn Hoàn Vũ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật dân tộc, ba là NSƯT Đỗ Linh, chị gái là ca sĩ Đỗ Quyên, từ bé Phạm Đỗ Linh Thảo đã yêu thích ca hát và mơ ước trở thành ca sĩ. Cô được ba mẹ cho theo học piano. Tuy nhiên, dòng máu dân ca bài chòi luôn cuộn chảy trong tâm hồn, cha cô luôn mong muốn con gái đi theo con đường của mình. Ông đã mua tặng con một cây đàn tranh. Niềm đam mê của cô bé bắt đầu từ đó và theo cô đến tận bây giờ.

Cha cô kể lại rằng, năm lên 2, trong lúc vui đùa, Linh Thảo đã bị ngã đập đầu vào tủ. Sau đó, cô bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu, thường bị ngất xỉu, gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nhưng, tiếng đàn tranh thánh thót, dịu dàng lại trở thành một liều thuốc kỳ diệu chữa bệnh cho Linh Thảo. Linh Thảo chia sẻ: “Mọi vui buồn mình đều trút lên tiếng đàn tranh; vì thế, tiếng đàn lúc vui lúc buồn như diễn đạt hộ lòng mình. Cũng chính từ những vui buồn đó mà tay nghề của mình dần phát triển”.

18 tuổi, lần đầu tiên Linh Thảo theo ba lên sân khấu biểu diễn. Khán giả như lặng đi khi tâm hồn cô cất tiếng. Trước sự yêu mến của khán giả và những bó hoa vây quanh, giây phút đó Linh Thảo nhận ra mình không thể nào rời sân khấu. Đó cũng là động lực để cô rèn luyện trau chuốt tiếng đàn của mình đêm ngày. Đến nay, Thảo chơi và biểu diễn các nhạc cụ gồm đàn tranh, đàn guzeng, đàn t’rưng và sắp tới là đàn bầu.

Với vai trò là một trong những nghệ sĩ chính ở CLB Nghệ thuật Dân tộc, Linh Thảo biểu diễn cùng cha  trong chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát Trưng Vương và nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố. Cô tự điều chỉnh dây đàn để điệu ngũ cung phù hợp với nhạc tây phương trong những dịp biểu diễn phục vụ du khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc với những bài: Nữ nhi tình, Người đến từ Triều Châu, Bến Thượng Hải, Con đường dưới chân anh...

Do điều kiện sức khỏe, mỗi khi đi biểu diễn ở đâu, bên cô luôn có người cha theo sát. “Trong một lần đi biểu diễn độc tấu chương trình “Mùa xuân cho em” do Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng truyền hình trực tiếp tại Nhà hát Trưng Vương, mọi thứ đều chuẩn bị xong còn khoảng năm phút nữa ghi hình thì Thảo báo mệt, mắt lờ đờ. Lúc đó gia đình đứng trong sân khấu mà ai nấy như chực khóc, chỉ biết cầu trời. Rồi như phép nhiệm mầu, Linh Thảo khỏe lại và hoàn thành tốt tiết mục của mình. Sau đêm đó, chương trình quyên góp được gần 2,5 tỷ đồng để làm từ thiện. Thảo rất vui”, NSƯT Đỗ Linh xúc động nhớ lại. Song hành với Linh Thảo, còn có những người chị, bạn bè đồng nghiệp bên Thảo trong những đêm diễn để kịp hỗ trợ, xử lý những cơn đau ập đến vô chừng.

Vượt qua bệnh tật, trở thành một nghệ sĩ đàn tranh, Linh Thảo còn nhận học viên để giảng dạy đàn tranh, đàn guzeng tại nhà.  Lớp đàn của cô có khá nhiều học viên nam, trong đó có cả người Đài Loan.
Lưu Công Bút, sinh viên năm ba Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng rất đam mê đàn tranh; trước đây Bút từng theo học đàn nhưng không mấy tiến bộ. Tình cờ xem  video biểu diễn của Linh Thảo, Bút liền tìm cách liên lạc để xin theo học. Được hơn một năm, Bút  đã có thể biểu diễn trên sân khấu hội diễn của khoa, với sự hỗ trợ của cô giáo và NSƯT Đỗ Linh. Bút kể lại đầy vẻ tự hào: “Không bao giờ em quên được  lần đầu tiên lên sân khấu, chỉ là một tiết mục giao lưu thôi nhưng những tràn pháo tay và sự ngưỡng mộ của mọi người em sẽ ghi nhớ đến suốt cuộc đời”.

Cũng một đam mê đàn tranh và được bạn bè giới thiệu đến học tại lớp đàn của Linh Thảo, Mai Kim Tuyền  hào hứng: “Theo học ở đây là một quyết định đúng đắn của em, học ở đây vui vẻ, thân thiện lắm, cảm giác như ở nhà vậy. Gặp  cô Thảo và NSƯT Đỗ Linh là một may mắn vì được chỉ dạy rất tận tâm. Học đàn tranh cũng khiến em thay đổi về lối sống, đúng chất “sống chậm lại” chứ không vội vã; rèn tính kiên trì, và được truyền cảm hứng từ cô giáo”.

Vi Diệu

;
.
.
.
.
.
.