Chộn rộn phiên chợ cuối năm

.

Những ngày cuối năm, chợ bắt đầu hoạt động từ rất sớm và kéo dài tới tận tối. Không chỉ người bán hàng phải tranh thủ đi từ tờ mờ sáng để có thể tìm cho mình một chỗ ngồi nho nhỏ bày hàng, mà ngay cả người mua sắm cũng có mặt ở chợ từ sớm để có thể lựa chọn thực phẩm tươi, ngon. Dạo khắp các chợ, từ những “địa chỉ” lớn như chợ Đầu mối Hòa Cường và Thọ Quang, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới… cho đến những chợ nhỏ nằm sâu trong khu dân cư, nơi nào cũng đông vui, nhộn nhịp, hối hả.

Chợ Hàn luôn là điểm thu hút khách mua sắm trong những ngày giáp Tết nhờ phong phú hàng hóa. Ảnh: Đ.L
Chợ Hàn luôn là điểm thu hút khách mua sắm trong những ngày giáp Tết nhờ phong phú hàng hóa. Ảnh: Đ.L

Dọc các con đường ở xung quanh chợ, trước ngày rằm tháng Chạp, những chiếc xe bò chở đầy cát trắng đổ về, như một dấu hiệu đầu tiên báo hiệu các phiên chợ Tết bắt đầu rục rịch. Dù trời lạnh cắt da cắt thịt nhưng chị N.T.L (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) vẫn có mặt từ sáng sớm ở góc đường Trưng Nữ Vương-Hoàng Diệu. Chị chia sẻ, chị lấy cát từ quận Liên Chiểu kéo về đây bán. Mỗi bao cát nhỏ giá 10.000 đồng. Nếu bán không hết thì sẽ kéo về lại rồi ngày mai lại đi bán tiếp cho đến hết ngày 30 tháng Chạp mới nghỉ. Dẫu vậy, chị N.T.L vẫn còn may mắn hơn những người bán cát khác bởi vẫn có rất nhiều người kéo xe bò cát trắng từ Hà Lam, huyện Thăng Bình ra Đà Nẵng vào 4 giờ sáng giữa tiết trời lạnh lẽo, mưa phùn. Lúc bán nhanh thì chiều có thể về nhưng bán chậm thì tối mịt mới về tới nhà. Nhiều người phải tranh thủ chợp mắt trên vỉa hè vào giờ nghỉ trưa vắng khách.

Chung quanh khu vực chợ cũng bắt đầu xuất hiện những chiếc xe chở các loại hoa, cây cảnh và cả hoa làm thủ công như những chiếc chợ di động, làm cho đường vào chợ thêm tấp nập. Các quầy hàng ở hai bên đường Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu dẫn vào chợ Mới bày bán la liệt các loại đồ cúng như giấy tờ vàng mã, hạt nổ, hương đèn, cau trầu và các loại hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lay ơn... Nhiều chị bán hàng tạp hóa còn tranh thủ bán cả xôi, chè để những người bận rộn không có thời gian nấu, mua về cúng ông Công, ông Táo và cúng Tất niên. Nhiều loại quả chỉ xuất hiện nhiều vào dịp Tết như phật thủ cũng được đưa về bày bán.

Những phiên chợ cuối năm cũng bắt đầu tấp nập bày bán những mặt hàng quê. Có lẽ những gì ngon nhất, tinh túy nhất mà người dân nông thôn vất vả chắt chiu, dành dụm trong nhiều tháng, thậm chí cả năm qua chỉ để dành mang ra phố bán.

Bà H.T.T ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang đến từ sáng sớm và chọn cho mình một góc nhỏ bên cạnh chợ Mới. Bà H.T.T cho biết, vào những ngày cuối năm, khách mua đông hơn ngày thường nên bà phải đi từ sáng sớm. Bà bán đủ các loại chuối nhưng khách vẫn thích mua chuối quê trồng ở đồi núi xã Hòa Phú. Trái chuối quê chín đều, đẹp mắt và ăn ngon hơn một số loại chuối khác. Trên tất cả các lối vào chợ, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những nông sản được mang từ quê ra bày bán la liệt như các loại rau dền, rau cải, rau lang, rau tầng ô, rau muống; các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu phụng, đậu cô ve; các loại bí đao, bí đỏ… Hầu hết các loại rau củ quả này được người dân ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và các địa phương của tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An… mang ra bán để mua về các thứ hàng hóa họ cần phục vụ cho những ngày Tết. Vì vậy, họ chỉ tranh thủ ngồi bán ở các vỉa hè xung quanh khu vực chợ, càng làm cho ngôi chợ của những ngày cuối năm phình to hơn ngày thường.

Có lẽ hoạt động sớm nhất và náo nhiệt nhất vẫn là chợ Đầu mối Hòa Cường. Sau 0 giờ, hàng trăm xe tải chất đầy ắp hàng nối đuôi nhau rầm rập đổ về đây, cung cấp thực phẩm cho cả thành phố và khu vực lân cận. Nơi đây có hơn 1.300 hộ kinh doanh với khoảng 7.000-8.000 người làm việc. Vào giờ cao điểm, khoảng 2-3 giờ sáng, có khoảng  40 xe tải lớn và 200 xe tải nhỏ vận chuyển hàng rau, củ, quả đỗ xung quanh các cổng chợ, chờ phu chợ đến bốc hàng. Bên trong chợ, điện sáng trưng như ban ngày, các hộ kinh doanh đã bắt đầu có mặt đông đủ chuẩn bị nhận hàng nhập về. Dù chợ hoạt động 24/24 giờ nhưng thời gian sôi động và nhộn nhịp nhất vẫn là lúc nửa đêm về sáng. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban Quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết vào khoảng 10 ngày trước Tết, lượng hàng hóa lên tới 800-900 tấn/ngày đêm, gấp 3-4 lần ngày thường.

Trong khi chợ Đầu mối chủ yếu bán sỉ rau, củ, quả và thưa dần khách vào ban ngày, thì chợ Cồn và chợ Hàn lại đa dạng các chủng loại hàng hóa. Nhiều loại bánh kẹo, mứt phục vụ cho ngày Tết cũng tăng cao. Sự xuất hiện những loại bánh đặc sản do người Quảng Nam, Đà Nẵng làm như bánh tổ, bánh đậu xanh nhân thịt Hội An, bánh da, bánh tráng, bánh khô mè, bánh lăn, bánh bỏng gạo, bánh cam… như thổi không khí Tết vào các chợ, gợi bao ký ức tuổi thơ của cả người dân thành thị lẫn nông thôn. Vào những ngày cuối năm, chợ Hàn và chợ Cồn không chỉ đông bởi người mua và người bán mà còn bởi khách du lịch và người thân đến phụ giúp bán hàng. Chị N.T.T, bán gia vị ở chợ Cồn cho hay, ngày thường chỉ cần một mình chị là đủ, nhưng càng cận Tết khách đông, chị phải “huy động” thêm con cái trong nhà ra phụ mới kịp việc.

Cho dù cuối năm giá cả các mặt hàng có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng phiên chợ những ngày giáp Tết không có tiếng trả giá, hay nặng nhẹ bấc chì như ngày thường. Dường như mọi người đã chuẩn bị tinh thần cho những phiên chợ Tết. Chỉ có tiếng nói, cười, tiếng chặc lưỡi “đồng tình” của người bán với người mua. Thỉnh thoảng lại chen vào vài lời thăm hỏi nhau giữa những cuộc mua - bán như những người thân thiết… Mặc dù cách sống của thời hiện đại đã có nhiều thay đổi, nhưng đi chợ truyền thống vào những ngày giáp Tết vẫn là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc và có một sức hấp dẫn kỳ lạ. “Đi chợ cuối năm không đơn thuần chỉ là mua sắm, mà còn là một thú vui để thưởng thức không khí náo nức của mọi người dân và xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của sản vật quê hương được trưng bày trong dịp Tết cổ truyền. Có lẽ ngoài trao đổi mua bán, ở chợ còn là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ nên có nhiều người tìm đến như tìm đến một địa điểm văn hóa cộng đồng”, chị H.T.V, ở đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu chia sẻ.

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.