Bên mâm cơm mẹ nấu

.

Người Việt tâm niệm, ngày thường ăn uống sao cũng được, Tết nhứt mọi sự khác hẳn. Mọi thứ trên mâm cơm không chỉ đẹp về hình thức mà còn phải tốt về chất lượng. Tết đến, ngay cả cái bàn ăn cũng được trải khăn đẹp, điểm xuyết lọ hoa tươi.

Mâm cơm cúng ông bà luôn được bày biện những thực phẩm tinh túy nhất mà con cháu đã sắm sửa. Ảnh: Q. T
Mâm cơm cúng ông bà luôn được bày biện những thực phẩm tinh túy nhất mà con cháu đã sắm sửa. Ảnh: Q. T

Bữa cơm chiều cuối năm

Với mỗi người con đất Việt, bữa cơm chiều cuối năm là bữa ăn ngon nhất trong năm. Bữa cơm ấy luôn phải đủ đầy các thành viên trong gia đình. Nhiều nhà chờ cho người cuối cùng (ở xa) về mới tổ chức bữa cơm tất niên sum họp. Trong bữa cơm ấy, những người phụ nữ thường dành nhiều tâm sức, sự cẩn trọng, để không chỉ bỏ công chế biến những món ăn hợp khẩu vị cho từng thành viên trong gia đình, mà còn là mâm cơm thành kính dâng cúng ông bà.

Nhiều người còn nói, bữa cơm 30 là bữa cơm cốt lõi, tinh túy nhất của gia đình ngày Tết. Thêm nữa, người Việt có tính hiếu khách. Ngoài việc nhắm đến món ăn gì, cũng sẽ nghĩ đến dọn bày khách thế nào cho ưng ý.

Món ăn nào mình chưa ăn qua, chưa đánh giá được ngon, dở sẽ không dám mời khách. Chai nước mắm nhĩ mẹ mua để dành ăn Tết cũng được lấy ra ăn thử trong bữa cơm 30. Cũng thứ nước mắm cá cơm sánh vàng, thêm chút ớt, tỏi giã nhuyễn ấy mà ai cũng xuýt xoa khen ngon. Con cá thu mua từ độ 26, 27 Tết cũng được đem ra… ăn thử phần đầu, đuôi xem cá có tươi ngon không. Hũ dưa kiệu, tợ thịt mẹ mới mắm vài ngày trước cũng được bày ra dĩa…

Dẫu đã bày dọn tươm tất, đủ đầy, vậy mà người nấu vẫn chưa yên lòng. Trong suốt bữa cơm, mẹ theo dõi nét mặt từng thành viên trong gia đình để xem “tay nghề” của mình năm nay thế nào. Nếu cả nhà vừa ăn vừa gật gù khen ngon, hẳn mẹ sẽ rất vui lòng vì đó là điềm báo một năm tới tròn trịa, suôn sẻ.

Chị Quỳnh Phương (đường Nguyễn Thiện Kế, quận Sơn Trà) kể lại, dù năm nào, mâm cơm chiều cuối năm cũng bày biện hàng chục món quen thuộc nhưng chị và các chị em trong gia đình chẳng bao giờ chán.

Bởi đó là món mẹ nấu, là món ăn truyền thống phải có mỗi dịp Tết về. Đó là tô canh khổ qua, đĩa ram chả, lát cá thu chiên, tợ thịt mắm, đĩa giò thủ mẹ gói từ hôm cúng đầu heo… Vậy mà ngon, mà ấm áp. Bữa cơm ấy mẹ luôn đong gạo rộng tay để cơm dư lại một ít trong nồi với ý nghĩa “năm cũ liền qua năm mới sẽ có cơm ăn”. “Có rất nhiều việc nhỏ nhặt mẹ làm mà ngày ấy tôi cho là mê tín, không cần thiết. Ví dụ ngày Tết mẹ kiêng mua tôm (thụt lùi), khế (chua chát), lươn (trơn trượt)…

Rồi sau khi nấu ăn, dọn dẹp, mẹ tranh thủ xay tiêu (tránh qua năm mới mà phải… tiêu), nồi niêu soong chảo đều được mẹ đậy nắp lại… Vậy mà từ ngày lấy chồng, tôi lại học theo nếp của mẹ. Bởi tôi biết, những việc mẹ đã và đang làm chỉ với một mong ước duy nhất là mong cho năm đến, gia đạo sẽ gặp may mắn, bình an”, chị nói.

Tấm lòng thành kính

Cách đây vài tuần, phim ngắn “Mẹ chỉ mong Tết về” của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả vì những cảm xúc thật, chứa đựng trong lời bài hát nhẹ nhàng, nhưng gợi nhớ ký ức sâu sắc. Trong hoài niệm của chàng trai trẻ, những ngày Tết là mẹ thật bận bịu, vầng trán luôn ướt đẫm mồ hôi nhưng đôi tay vẫn cứ thoăn thoắt, hết cuốn ram đến mắm thịt, muối dưa...

Từ miếng thịt, bó rau, hoa quả chưng đều phải chăm chút kỹ lưỡng từng chút một. Có lẽ, bất kỳ đứa con nào cũng nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình trong bộ phim ấy. Hình ảnh nổi bật nhất trong bộ phim có lẽ là hình ảnh người mẹ tỉ mẩn lau chùi bộ chén bát gốm sứ in hình nhành mai. Ngày Tết, người Việt có lệ mời (cúng) cơm người đã khuất.

Rước ông bà và đưa ông bà ngày Tết. Con cháu quây quần bên mâm cơm thì trên bàn thờ gia tiên các món ngon vật lạ cũng đuợc bày biện để tỏ lòng thương kính người đã khuất. Không chỉ mâm cao cỗ đầy là đủ, những thứ tưởng như vụn vặt như bộ chén bát mới, bó đũa mới, bình hoa tươi thắm… là những tiểu tiết nhưng thể hiện sự tinh tế, chỉn chu của người phụ nữ trong gia đình.

Chị Huỳnh Thu Trang (tổ 26, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), rưng rưng nhớ lại, hơn 20 năm sống cùng bố mẹ là chừng ấy năm chị đón cái Tết bình yên, sum vầy cùng gia đình. Chị vốn là đứa ít để ý nhưng lại nhớ thật lâu những điều mẹ làm.

Bởi những điều ấy được lặp đi lặp lại qua hàng chục năm. Mẹ luôn nhắc nhở, có một ngày lấy chồng, con cũng phải tự tay làm như thế, mẹ đâu thể ở mãi bên con, làm thay con được… “Tôi nhớ nhất là những chiều 30, sau khi đã tất bật nấu mâm cơm cúng, mẹ mở ngăn tủ bếp phía trên cùng, lấy ra bộ chén bát đã mua mới từ hồi nào, rồi tỉ mẩn lau chùi. Mẹ bảo, Tết mình sắm quần áo, vật dụng mới thì cũng phải sắm sửa đồ dùng mới cho ông bà. Như vậy mới thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, sự trân trọng gia đình”, chị nói.

Sau bữa cơm chiều cuối năm, kết hợp rước ông bà, người phụ nữ trong gia đình sẽ bận bịu với bếp núc cả ba ngày Tết. Mỗi ngày là mỗi mâm cơm với đủ đầy cá, thịt, canh… Ông Hòe (đường Lê Đại Hành, quận Cẩm Lệ) trầm ngâm:

“Ngày xưa không có quán xá gì nhiều. Lũ trẻ có đi đâu chơi rồi cũng phải ghé về nhà ăn cơm. Mâm cơm vì thế luôn đủ đầy thành viên trong gia đình. Giờ đâu đâu cũng có quán xá, tụi nó đi chơi, tiện đâu ăn đó. Thành ra, ba bữa cơm ngày Tết cũng chỉ lủi thủi hai ông bà già. Mình thì quan niệm, khi đã rước ông bà về thì phải cùng ăn cơm với ông bà, không thể bỏ đi đâu được. Sáng ra có việc đi đâu thì cũng phải tranh thủ trước giờ trưa về để thắp cây hương. Đó là lệ rồi, không thay đổi được”.

Bữa cơm ngày xuân, bữa cơm lòng thành ấy chính là bữa cơm cả nhà quây quần đoàn tụ. Những món ngon mà mẹ làm ra để dâng lên đấng sinh thành là những món ngon mẹ chắt chiu cho chồng, con thưởng thức, thay cho bữa cơm thanh đạm ngày thường. Nhìn mâm cơm mẹ nấu, những đứa con trong gia đình sẽ hiểu, trong cuộc sống, lòng thành càng chặt mới mong nhận được sâu.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.