Họ hiểu mình chơi bóng vì điều gì

.

Tự mỗi cầu thủ phải hiểu mình chơi bóng vì điều gì; đừng để đến khi kết thúc trận đấu mới tỏ ra hối tiếc, phân trần là điều dặn dò thường trực của huấn luyện viên Park Hang Seo với các cầu thủ U23 Việt Nam trước mỗi lúc ra sân.

Nói với các học trò xứng tuổi con tuổi cháu mình điều tâm huyết này, người đàn ông Hàn Quốc vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam hơn hai tháng nay chắc chắn không xem những Quang Hải, Tiến Dũng… như những thanh niên vừa từ giã khoảng trời niên thiếu để chập chững bước vào đời mà là những người đàn ông thực thụ.

Trong mắt ông, các cầu thủ ấy không còn trẻ thơ ngây dại nữa; họ đã trưởng thành và đang nhận lãnh sứ mạng thiêng liêng tạo dựng niềm tin cho biết bao người, đang giữ phần hệ trọng quyết định buồn vui cho hàng triệu gia đình.

Cầu thủ U23 Việt Nam mừng vui chiến thắng U23 Qatar sau màn thi đấu luân lưu 11 mét.
Cầu thủ U23 Việt Nam mừng vui chiến thắng U23 Qatar sau màn thi đấu luân lưu 11 mét.

Hiểu mình vào sân vì điều gì- trong suy nghĩ của ông Park- chính là tự chịu trách nhiệm về đóng góp của bản thân mỗi khi xung trận. Khi người thầy nhắc nhở học trò về trách nhiệm của mỗi người trong từng phút có mặt trên sân, đó là sự tôn trọng tuyệt đối của nhà cầm quân đối với từng thành viên trong cái tập thể đòi hỏi rất cao về tính tự chủ và tinh thần bình đẳng.

Trên sân Thường Châu của Trung Quốc chiều 23-1, các cầu thủ Việt Nam thể hiện rõ điều đó khi đối đầu với đối thủ Qatar ở trận bán kết giải vô địch U23 châu Á. Trước đó, họ cũng làm được điều này một cách chững chạc trong các trận gặp Irak, Syria. Khi Quang Hải điềm nhiên chỉnh bóng trước dàn hậu vệ cao to của Qatar ngay vạch 16,50 mét rồi cứa đường bóng uốn lượn vào góc cao khung thành, không ai còn trịch thượng gọi anh là “cậu nhỏ” dù anh mới qua tuổi 21.

Cũng vậy, phải có trái tim dũng cảm và bản lĩnh của người trưởng thành thì Tiến Dũng mới lạnh lùng đẩy được các cú sút mang tính quyết định từ chấm đá luân lưu. Đang nóng lên các bàn luận đầy cảm hứng về dáng đứng trang nghiêm trước khi òa vỡ của Văn Thanh sau cú sút 11 mét đưa anh và đồng đội vào trận chung kết giải đấu đỉnh cao của châu lục.

Không riêng là hình ảnh ăn mừng ngẫu hứng của một cá nhân cầu thủ, khoảnh khắc ấy cô đọng bóng dáng của một nền bóng đá trưởng thành, khao khát vượt thoát khỏi bóng tối trì trệ để góp tiếng nói bình đẳng với cả cộng đồng rộng lớn ngoài kia.

Chơi bóng vì niềm hạnh phúc của đồng bào mình, vì khát vọng sánh vai, hòa nhập sòng phẳng với bầu trời bóng đá tiên tiến đương đại, các cầu thủ của chúng ta đã dốc cạn tâm lực trên tư cách của người trưởng thành, ý thức sâu sắc trách nhiệm phải xứng đáng với sự tin cậy, tin yêu. Họ vào sân trong tư thế của những chàng trai mạnh mẽ với khát vọng chân chính, hiểu rõ cái đích hướng tới.

Vậy thì, xin đừng xem họ là những người trẻ non dại, chập chững vào đời, đừng tiếp tục đối xử với họ như con như cháu, cả trong cách xưng hô và cách nhắn nhủ dặn dò. Ông chuyên gia bóng đá nào đó ơi, dù ông thuộc thế hệ đàn anh đàn chú và từng có thành tích sân cỏ năm xưa, thật chẳng phải nếu ông cứ mải xem họ như những đứa con đứa cháu chưa đủ vững vàng, đừng cả giọng xem họ là cây non còn mình là cổ thụ. Hãy công bằng và sòng phẳng với trình độ, bản lĩnh và thành quả của lớp cầu thủ hiện nay và công tâm chờ đợi niềm vui từ các bước tiến mới của thế hệ này.

Như người thầy dặn dò, họ lại vào sân và hiểu mình phải chơi bóng vì điều gì…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.
.