Chúc Tết thời công nghệ số

.

Đã qua rồi cái thời cặm cụi đi nhà sách tìm mua những tấm thiệp đẹp, vài cây bút bi màu mang về nhà nắn nót ghi vài dòng chúc nhau, cũng qua rồi cái thời chúc Tết bằng… tin nhắn, ngồi bấm mỏi tay mới hết danh sách người cần gửi. Với nhiều bạn trẻ, chuyện chúc Tết bây giờ “tiện” lắm, chỉ cần một status (dòng trạng thái) kèm vài hình ảnh dễ thương, xinh tươi trên mạng.

Những phong bao lì xì  năm 2018.  Ảnh: T.Y
Những phong bao lì xì năm 2018. Ảnh: T.Y

1. Thời gian trôi, Tết mỗi năm một khác. Với người trẻ miền Trung, Tết bây giờ đơn giản hơn nhưng rộn ràng theo cách mình muốn. Đó là chờ khi tiết trời sang xuân, điểm trang môi hồng má phấn, tìm đến gánh hàng hoa, đôi khi chẳng phải tìm mua, mà chỉ để chụp hình “khoe” facebook.

Anh Đinh Lơ, một tay máy chuyên chụp ảnh chân dung tại Đà Nẵng cho biết, thông thường trước Tết từ một đến hai tháng, một số bạn trẻ đã “đặt hàng” anh chụp ảnh chân dung với mùa xuân, với hoa cúc, hoa mai.

Cứ thế, hễ chợ hoa Đà Nẵng bắt đầu hoạt động, thì những tà áo dài, váy áo cách tân bắt đầu xuống phố, xúng xính xinh tươi. Ảnh chụp về chưa kịp chỉnh sửa, bạn trẻ đã hân hoan “tung lên mạng” và chờ đợi những lời chúc Tết từ bạn bè, người thân. Tết vì thế cũng đến sớm hơn với phố phường, và với chính họ.

Nếu để ý, sẽ thấy những năm gần đây, cứ dịp Tết Nguyên đán, trên các trang mạng xã hội đều tràn ngập sắc xuân. Trong “ngôi nhà mạng” đó, thân chủ cũng làm động tác dọn dẹp sao cho thật bắt mắt.

Như chuyện “lọc” lại danh sách bạn bè, thay đổi hình ảnh, câu chúc đầu năm, chia sẻ hình ảnh mới nhất hay đúc kết một năm qua mình đã làm được gì, phấn đấu ra sao trong năm tới. Tết trở thành cái cớ để họ thay đổi hình ảnh, tân trang lại chính mình.

Người ta cũng không còn thấy những tấm thiệp giấy tự tay làm, thay vào đó là thiệp điện tử. Chị Mai, bán hàng tại Nhà sách Bạch Đằng cho biết, vài năm trở lại đây hầu như rất ít người hỏi mua thiệp chúc Tết, có chăng là những em học sinh khối tiểu học, trung học cơ sở mua thiệp chúc Tết thầy cô. Vì thế, thị trường này ít được nhà sản xuất chú ý, chất lượng thiệp giấy do đó cũng giảm đáng kể, không có nhiều mẫu mã đẹp, độc đáo như vài năm trước.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, kéo mọi người xích lại gần nhau.

Chị Nguyễn Thị Minh (quê Nghệ An), nhân viên bán hàng tại Khu ẩm thực Indochina Foods Court Đà Nẵng cho biết, năm nay chị quyết định làm thêm trong Tết nên không thể về quê. Tuy nhiên, bằng những ứng dụng, facebook sẽ giúp chị kết nối với gia đình, chia sẻ những khoảnh khắc đầu năm mới.

“Tết trên facebook cũng rộn ràng không kém ngoài đời. Hình ảnh, lịch trình vui xuân được cập nhật liên tục, từ lúc phố phường bắt đầu vào xuân đến khoảnh khắc chào đón giao thừa, đi viếng mộ, chúc Tết. Cũng nhờ facebook, mọi người có thể nhìn thấy Tết ở mọi miền đất nước, mọi thứ gần đến nỗi cứ tưởng giơ tay ra là đã có thể kết nối với tất cả mọi người”, chị Minh chia sẻ.

Những tiện ích mà công nghệ mang lại là điều không thể phủ nhận, sự kết nối là hữu hạn, không biên giới nhưng không phải vì thế mà Tết kém vui bởi những giá trị ngoài thực tế. Nguyễn Thị Thu Hồng (21 tuổi), tổ 90, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho rằng, nhờ công nghệ hay sở thích “sống ảo” trên mạng mà Tết ngoài đời thực cũng đẹp và lộng lẫy hơn bởi ai cũng thích mình lên hình thật đẹp, không thua kém bạn bè trong những buổi tiệc gặp gỡ, liên hoan ngày đầu năm mới.

Hồng chia sẻ: “Đầu năm đi chúc Tết ông bà, mình cũng thích ghi lại hình ảnh những vòng tay ôm, những câu chúc và nụ cười hiền dịu của ông bà. Sự lưu lại ấy, theo thời gian sẽ rất quý giá và mình nghĩ, ông bà sẽ rất vui khi thấy con cháu cười nói, quây quần”.

3. Những thiết kế mới lạ, độc đáo, gắn liền với hình ảnh chú cún dễ thương, hóm hỉnh được cải biên trên phong bao lì xì Tết Mậu Tuất 2018. Trào lưu này không mới, bởi nó xuất hiện từ Tết Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên, điểm gây ấn tượng chính là sự hòa quyện giữa Tết xưa (chất liệu phong bao) với Tết nay (thiết kế nổi bật, hài hước, kèm những câu chữ ngộ nghĩnh, tươi vui của giới trẻ).

Đơn cử, trên chiếc phong bao lì xì năm 2018, có những dòng chữ như “Năm con chó, tiền đầy kho”, “Thích thì lì xì, sao phải xoắn”, “Cả nguồn sống bỗng chốc thu bé lại bằng chiếc bao lì xì”, “Cô là ai, cháu không biết, cô lì xì cháu đi”… Có lẽ, chỉ giới trẻ mới có thể nghĩ ra những câu viết hài hước, tiếu táo như thế với mong muốn Tết sẽ vui hơn, hứng khởi hơn.

Có thể nói, Tết của giới trẻ muôn màu, muôn vẻ, cả truyền thống và hiện đại xen lẫn vào nhau tạo nên những mảng màu tươi vui, độc đáo. Với những người say mê thư pháp như Nguyễn Hữu Pháp, Chủ tịch CLB Thư pháp trẻ Đà Nẵng, Tết là dịp để anh viết những câu đối tặng bạn bè, người thân. Theo anh, đó cũng là cách anh chia sẻ tình yêu thư pháp đến mọi người và đặc biệt là tiếp thêm niềm say mê đến các bạn trẻ yêu thư pháp ở Đà Nẵng, để Tết xưa và Tết nay luôn hòa quyện, nhiều niềm vui.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.
.