Giới thiệu sách

Nhà văn trẻ và mạng xã hội

.

Diện mạo một vùng đất văn học đất Quảng đã được hình thành, kể từ thời Hà Đình Nguyễn Thuật, Phạm Phú Thứ... các nhà văn chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Khôi... rồi các nhà thơ mới Nam Trân, Hằng Phương, Thái Can..., các nhà văn gốc Quảng của Tự Lực văn đoàn; rồi đến thế hệ các nhà văn sau 1945 và sau 1954 như Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Nguyên Ngọc, Trinh Đường, Phan Tứ, Bùi Giáng, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Vũ Hạnh... cho đến thế hệ các nhà văn Đất Quảng sau 1975.

Rõ nhất về sự nối tiếp chặt chẽ, gần gũi giữa các thế hệ là “khúc giao mùa” giữa các nhà văn sau 1945, sau 1954 và thế hệ sau 1975 với một tổ chức rất có ý nghĩa tập hợp chọn lọc đội ngũ nhà văn của thời kỳ này là Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội Văn nghệ địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Nhà văn trẻ 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: N.K.H
Các đại biểu tham dự Hội nghị Nhà văn trẻ 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: N.K.H

Ở Quảng Nam và Đà Nẵng, sự quan tâm của các nhà văn lớp  trước như Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Bổng, Trinh Đường, Phan Tứ, Lưu Trùng Dương, Thu Bồn, Thanh Quế, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Hoàng Minh Nhân... đối với các nhà văn trẻ sau 1975 là những tấm gương lớp trước tận tâm tận lòng với lớp sau, giúp đỡ chí tình và cảm động.

Nhiều chuyện các anh động viên, giới thiệu, hướng dẫn các thế hệ sau mình yêu văn chương, viết văn làm thơ, trở thành anh em thật sự thân thiết đã là những câu chuyện và cả những giai thoại đẹp trong làng văn đất Quảng.

Nhưng với các nhà văn đất Quảng sau 1975 và hôm nay, là thời của thế hệ các nhà văn @ và khi tác phẩm luôn được xuất bản tức thời, lan tỏa tức thời trên Facebook, gần như ta rất ít thấy có mối quan hệ nối tiếp gần gũi thân thiết này, hoặc nếu có cũng không thấy được nét ảnh hưởng sâu sắc đậm đà nào trong mối quan hệ giao lưu giữa các thế hệ gần gũi nhau về thời đại nhất này, cả tập thể tổ chức lẫn cá nhân. Vì sao? Và lỗi tại ai? Hay do mạng xã hội, giờ các nhà văn chỉ giao lưu cùng nhau và phổ biến trao đổi tác phẩm trên mạng và không thấy cần thiết phải có sự gặp gỡ chia sẻ ngoài đời thực nữa?

Hội Nhà văn Việt Nam nói chung và Hội Nhà văn Đà Nẵng nói riêng, dù có thể không còn quá thiêng liêng và có sức cuốn hút các nhà văn trẻ gia nhập như trước, lại đang chịu nhiều điều tiếng phê phán chỉ trích trên mạng xã hội, nhưng vẫn là một tổ chức nghề nghiệp văn chương chính quy, có bề dày truyền thống văn hóa, quy tụ được gần như tất cả các tên tuổi văn học lớn từ khi thành lập.

Và đặc biệt, các Hội luôn có chủ trương và kế hoạch hằng năm do Ban Văn học trẻ phụ trách để thu hút, tập hợp vào Hội các nhà văn trẻ tài năng, theo kịp thời đại mà việc tổ chức Hội nghị các Nhà văn trẻ nhiều năm qua và Hội nghị Nhà văn trẻ 2017 này của Hội Nhà văn Đà Nẵng là một minh chứng rõ ràng nhất.

Nhưng thái độ, tình cảm, nguyện vọng vào Hội của các nhà văn trẻ hôm nay hầu như có thể nói là rất mờ nhạt, hầu như đáp lại thiện chí trên là một sự hờ hững đáng kể của thế hệ các nhà văn trẻ hôm nay. Do các tổ chức Hội Nhà văn, Hội Văn học-Nghệ thuật không còn đủ sức hấp dẫn nữa, do tổ chức và hoạt động của các Hội hình thức, quan liêu và lạc hậu, không còn có ý nghĩa nữa với các nhà văn trẻ hay vì thời đại công nghệ thông tin ồ ạt, náo động và ầm ĩ ngày nay đã cuốn hút hết tâm tư tình cảm nhu cầu của các nhà văn trẻ?

Các tổ chức Hội có còn cần thiết nữa hay không trong thời đại sôi động thông tin toàn cầu, trong thế giới đầy biến động mỗi phút giây này? Hội Nhà văn phải làm gì, hoạt động như thế nào để các nhà văn trẻ quan tâm, tha thiết xin gia nhập hội như thời vàng son xa xưa của nó? Nếu không kết nạp được các nhà văn trẻ, thì trong tương lai không xa các Hội Nhà văn có tồn tại được hay không, có cần thiết tồn tại nữa hay không?

Những năm 80, 90 của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, việc xuất bản các tác phẩm của các nhà văn trẻ rất mạnh mẽ, đôi lúc gần như là môt cuộc thi đua, cạnh tranh vui vẻ giữa các nhà văn trẻ. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, hầu hết các nhà văn trẻ đều có tác phẩm xuất bản trong giai đoạn đó, và thành thật mà nói, đã làm nên ấn tượng một thời đại trẻ sôi động trong văn chương đất Quảng với những tên tuổi hầu hết sau này đều gắn bó với văn chương như:

Nguyễn Tam Mỹ, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Tấn Sĩ, Lê Trâm, Huỳnh Minh Tâm, Tiêu Đình, Phan Chín... ở Quảng Nam; Đà Linh, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, Trần Kỳ Trung, Quế Hương, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Xuân, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Minh Khôi, Nguyễn Minh Hùng, Trần Trung Sáng, Võ Kim Ngân, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thu Thủy, Ngô Thị Thục Trang, Nguyễn Thị Anh Đào,... ở Đà Nẵng.

Hiện nay, điều kiện xuất bản cũng như các phương tiện, hình thức xuất bản tác phẩm văn học thuận lợi, đa dạng phong phú vô cùng. Nhưng rất dễ nhận thấy, các tác giả trẻ hầu như ít quan tâm chú trọng việc xuất bản tác phẩm qua các nhà xuất bản chính quy, truyền thống mà rất say mê, nhạy bén với việc xuất bản, phổ biến tác phẩm trên mạng xã hội. Do tính tức thì, sự lan tỏa chia sẻ ngay lập tức đôi khi rất “hot”, rất sôi động và cũng nhiều trường hợp rất thành công của nó, nhất là sự hấp dẫn mạnh mẽ do tính cập nhật phổ biến toàn cầu của mạng xã hội, vì vậy, nhiều tác giả trẻ có tài, năng nổ đã mở rộng phổ biến, xuất bản tác phẩm của mình ra các trang văn học mạng, các nhà xuất bản nước ngoài. Nhưng ngoài những mặt hấp dẫn kể trên, việc trình làng các “tác phẩm” trên mạng có đặc trưng rất rõ là rất ngẫu hứng, tự do thoải mái, đôi khi khá tùy tiện, tràn lan, gây nên sự thiếu nghiêm túc và cả sự bão hòa, nhàm chán ở bạn đọc! Dễ nhận thấy, nó phần lớn thiếu sự chọn lọc công phu, ít tính hệ thống và không dễ để đánh giá giá trị nội dung cũng như phong cách nghệ thuật một tác giả với cách “trình làng” tác phẩm ồ ạt thoải mái và thường xuyên thay đổi này.

Nên chăng, các tác giả trẻ cần suy nghĩ lại vấn đề và chú trọng in ấn, xuất bản tác phẩm của mình theo cách xuất bản truyền thống – xuất bản sách giấy – tại các Nhà xuất bản có uy tín để việc phổ biến và đánh giá những tác phẩm văn học của mình chính quy, chọn lọc và có hệ thống bài bản hơn, việc đóng góp tác phẩm và hoạt động văn học của mình dễ được các nhà phê bình văn học có điều kiện tìm đọc và chính thức ghi nhận hơn?

NGUYỄN KIM HUY

;
.
.
.
.
.