Phố ngày bão về

.

Sài Gòn đang say giấc, bỗng nghe những tiếng gió rít, sấm ì ùng vọng ngoài cửa sổ. Phải mất vài giây mới nhận ra không phải mình mơ. Mưa lạt xạt xào xạc trên mái tôn. Thoáng chốc mưa ầm ào đuổi nhau cuộn cuộn. Sáng tinh mơ thấy mình không thể ngủ lại khi tình cờ lướt mạng thấy tin mưa bão về miền Trung. Bão về miền Trung thì có chi lạ mà mất ngủ nguyên đêm? Mà mất ngủ có ngăn bão được không? Nhớ lần ở ký túc xá, cô bạn cùng quê, sinh ở Đăk Nông hỏi tôi như vậy. Những đứa bạn cùng phòng trách bạn vô tâm, tôi không trả lời. Bạn không sinh ra ở miền Trung, bạn sẽ khó hiểu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mùa bão về, chẳng phải là nhớ mà là thương. Nhất là những kỷ niệm với mẹ và bà…

Mùa bão về, nhớ những dãy tập thể vắng tiếng trẻ con. Đám nhỏ theo chân các ông bà già đến những tòa nhà kiên cố ở các cơ quan trú bão. Đám trẻ lớn một chút ở nhà phụ mẹ cơm nước. Trong khi đó, các bố các mẹ vịn thang leo lên mái lợp lại những chỗ ngói vỡ, xộc xệch dột tạt ướt suốt đêm qua. Những nhà vắng bố như nhà tôi vẫn thường được các chú hàng xóm nhiệt tình sửa hộ. Căn bếp nhỏ nghi ngút khói vì than ẩm, củi ướt thổi cay sè mắt tới tận bây giờ mỗi khi nghĩ tới. Chú hàng xóm vừa sửa giúp mái nhà xong ghé bếp, mở vung nồi kiểm tra thấy bữa cơm chỉ toàn dưa nhút liền chạy về nhà bê nồi cá qua “đổi”, không quên cầm theo bó củi thông khô đượm lửa. Chú nói đùa, bây giờ dưa nhút là đặc sản, cá thịt là bình thường, khiến mấy đứa con nít hồn nhiên tưởng thật. Món cá nục kho sả với mật mía dậy mùi thơm phức gian phòng nhỏ. Bữa cơm ngày bão tinh tươm vì tình hàng xóm.  

Nhớ nhất những ngày bão vẫn là những cái trở mình của mẹ. Nhà một mẹ một con, hẳn nhiên gánh lo toan sẽ nặng gấp đôi khi có người san sẻ. Những đêm bão mẹ hầu như thức trắng, hết gài chặt cửa nẻo, lại lo ngay ngáy xem nước dột chỗ nào để lấy xô lấy chậu hứng, lo kéo giường xê ra. Nỗi lo ấy khiến mẹ mất ngủ, phải đem cuộn len cất trong hộc tủ ra đan. Dạo bé, tôi không hiểu sao những ngày bão mẹ vẫn thường đan len. Mãi tới khi trưởng thành, mới hiểu đó là cách mẹ giấu nỗi âu lo, giấu cả những cơn buồn ngủ của mình trong từng mũi len bé nhỏ để canh bình an sau từng cơn bão.

Cậu bạn chung tiểu học ngày xưa kể, ngày đó nhà bạn qua một cơn hoạn nạn hiếm đứa nhỏ nào phải chịu: Bố mẹ bạn vào Nam mưu sinh. Con còn nhỏ thì mẹ đã mất vì tai nạn giao thông, ba tháng sau bố mất luôn vì buồn quá mà chết chìm trong rượu. Ba anh chị em ở cùng bà, một nách bà ngoại nuôi ba đứa tuổi ăn tuổi lớn bằng sạp bán dép nhỏ ở chợ. Ngày cả đám lẽo đẽo theo về nhà bà ở Trung Đô đúng vào mùa bão. Cả mấy chị em bạn sinh ra ở miền Nam, chưa bao giờ chứng kiến mưa bão nên ấn tượng mãi. Mỗi sáng mỗi trưa dường như chỉ ngóng khi mưa bớt nước lại có các cô bác hàng xóm ghé tới hỏi han tình hình bà cháu. Đêm nằm nghe ổi rụng, gió rít trên mái nhà mà cả đám nép kín trong hai cánh tay gầy trơ xương của bà. Con nít vô tư, nhất định không cho bà đi đâu ra khỏi nhà, cứ nói: Bà ơi bà đừng chết nha bà. Bà chết không ai nuôi bọn con.

Bà thương cháu, suốt mấy ngày bão nổi không bước chân ra khỏi nhà, chỉ ăn cơm trứng. Cũng may nhà có mấy con gà mái vẫn chăm chỉ đẻ cả những ngày mưa gió. Cô hàng xóm còn cho thêm mấy quả cà chua, lại có thêm món canh trứng cà chua…

Bạn ở Trung Đô nên ấn tượng nhất mùa bão lại là những khu vườn. Những thân cây nhìn tựa như run rẩy dầm mình trong nước sông Lam ngập dâng. Những cành cây oằn mình nứt gãy trong gió bão. Và khi bão rút, những khu vườn hoang hoải, xác xơ. Mấy bà cháu cùng nhau dọn dẹp khu vườn, thấy những âu lo cũng đã qua đi, dù trong nhà lúc ấy thùng gạo cũng sắp cạn, chợ cũng chưa họp lại, chỉ lác đác dăm ba hàng quán vắng vẻ. Mà dẫu chợ có họp lại đi nữa thì cũng mấy ai nghĩ tới chuyện đi mua dép sau ngày bão để bà cháu có tiền đong gạo đâu?

Vất vả vậy đó, mà tới giờ, bạn cũng như nhiều cô cậu người Trung xa quê, vẫn biết ơn cả những ngày bão lũ khó nhọc đã nuôi mình cứng cáp, trưởng thành hơn.  

Phố sau bão, những vạt hoa tóc tiên lại nhanh chóng hồi sinh, vô tư nở hồng trên những lối nhỏ. Mẹ vẫn nhắc tôi hãy nhìn những loài cây bé nhỏ để thấy sức gượng mình vượt qua khó khăn. Thứ hoa thân cỏ mềm như sương như nắng, tưởng úng tàn trong mưa bão lại bất ngờ tỉnh thức như mang theo sức sống về phố. Những vạt hoa dại xuyến chi, trâm ổi ven núi Quyết, ven những con đường nhỏ… lại chúm chím nụ mới, bung xòe khoe hoa thắm ngời đủ màu đủ sắc. Những cánh đồng nho nhỏ ngoại thành ngập nước, bỗng sáng kia hồng tươi hoa súng. Chuồn chuồn ớt lại vô tư thả cánh mỏng trong vườn nhà. Những bà những chị lại cắt những ngọn rau muống tươi xanh vượt nước lũ về thành phố bán, những rổ ốc rổ cua lại ăm ắp đầy, lao xao góc chợ. Và người ở phố chẳng bao giờ nỡ trả giá khi đi chợ gặp những món quê sau mùa mưa bão.

Sau những ngày mưa bão, dẫu mệt nhoài những ông bố vẫn ngồi tỉ mẩn mài lon sữa bò, lon bia cắt hình lồng đèn, bỏ nến sáng lung linh và buộc dây cẩn thận cho con chơi rước đèn đợi mùa trung thu sắp tới. Những bà mẹ lại học làm một bánh nhân đậu thơm phức để chuẩn bị đón trăng. Và những cơn mưa bão đã đi qua phố nhỏ, chỉ còn những bình yên trong mắt trẻ trong veo lung linh ánh đèn ông sao, cá chép đủ màu.

Phố ngày bão về. Không vì những cơn giông bão vồ vập ngoài kia, những yêu thương ở lại khiến lòng mình thao thức.

KHÔI NGUYÊN THẢO

;
.
.
.
.
.