Bách bộ chẳng phải sâm đâu…

.

Dạo quanh đường phố Đà Nẵng, thỉnh thoảng bắt gặp những chiếc xe máy bán dạo một thứ củ tươi mập mạp trắng trẻo trông rất bắt mắt, được người bán gọi là “Sâm đất”, “Sâm cao (cau) Kon Tum”,... với lời quảng bá là một loại sâm trên núi Ngọc Linh dùng ngâm rượu uống sẽ “tăng cường sinh lực”. Chúng tôi đã quan sát và xác định được đó chính là củ Bách bộ, một loài có tên trong sách Cây độc ở Việt Nam của PGS.TSKH. Trần Công Khánh.

“Bách bộ chẳng phải sâm đâu/ Dùng nhiều ngộ độc, nhắc nhau dè chừng”.
“Bách bộ chẳng phải sâm đâu/ Dùng nhiều ngộ độc, nhắc nhau dè chừng”.

Một lần đi điều tra cây thuốc ở Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), chúng tôi được một chủ trang trại chuyên nhân giống cây thuốc cho biết có một số người ngoại tỉnh đến thuê nhà ở khu vực này, thường vào núi đào “Củ ba mươi” đem xuống phố bán dạo. Hóa ra nguồn dược liệu này đã được khai thác tiêu thụ tại chỗ chứ không phải mang từ Kon Tum xuống như người ta ngoa truyền.

Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam, Bách bộ, còn có tên Củ ba mươi (vì đào một dây có thể thu đến 30 củ), tên khoa học là  Stemona tuberosa Lour thuộc họ Bách bộ - Stemonaceae. Đây là loài dây leo có thân mảnh, nhẵn, dài đến 6-8m, ở gốc có nhiều rễ củ mọc thành chùm, 20-30 củ, có khi tới gần một trăm củ, dài 15-20cm, đường kính đến 1,5-2cm. Lá mọc đối hay so le, giống lá Củ nâu, nhưng đặc biệt có hệ gân ngang dày song song với các gân chính hình cung, dài 10-15cm, rộng 4-7cm, chóp lá nhọn kéo dài. Cụm hoa ở nách lá, có cuống dài 2-4cm, mang 1-2 hoa to. Bao hoa có 4 bộ phận, dài 5cm, rộng 4mm, mặt ngoài màu vàng lục, mặt trong màu đỏ tươi, có mùi thối; 4 nhị dài 4-5cm. Quả nang chứa nhiều hạt. Cây ra hoa tháng 3-6, có quả tháng 6-8.

Bách bộ thường mọc hoang trên đất có nhiều mùn, trên nương rẫy, núi đồi, ven rừng, ven suối, có phân bố từ Hà Giang, Bắc Cạn đến Đồng Nai, An Giang. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines.

Để làm thuốc người ta thu hoạch củ vào mùa xuân hoặc mùa thu. Cắt bỏ rễ con, rửa sạch, nhúng trong nước sôi, hoặc đồ vừa chín. Loại nhỏ để nguyên, loại to bổ dọc dài, phơi nắng hoặc sấy khô.
Theo Đông y, củ Bách bộ có vị đắng, tính hơi ấm, hơi có độc, có tác dụng nhuận phế, giảm ho, sát trùng, diệt sâu, trừ ngứa. Thường dùng trị: viêm khí quản, lao phổi, ho gà; lỵ amip; bệnh giun móc, giun đũa, giun kim; tình trạng ngứa ngáy da, eczema, viêm da.

Thành phần chủ yếu trong Bách bộ là stemonin, có tác dụng làm giảm tính chất hưng phấn của trung khu hô hấp của động vật, có tác dụng ức chế phản xạ của ho, còn làm cho giun bị tê liệt, làm chết rận rệp và có tác dụng kháng sinh đối với vi khuẩn đường ruột, vi trùng bệnh lỵ, bệnh phó thương hàn.
Ngày dùng 4-12g, dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc bột, uống liều 4-6 ngày. Dùng ngoài, ngâm trong cồn, đun sôi trong nước, hoặc nấu cao để bôi, hay nghiền bột mà dùng.

Nhân dân còn dùng Bách bộ sắc nước thêm đường cho ruồi ăn chết tới 60%. Dung dịch 1/20 giết chết bọ gậy 100%. Rắc bột Bách bộ vào hố phân, giòi chết 100%. Đốt rễ củ hơ khói để diệt ruồi, muỗi, bọ chó, rận. Nước sắc dùng gội đầu, ngâm quần áo diệt được chấy rận.

Ðơn thuốc:

1. Hen khí quản: Bách bộ, Tử uyển, Hạnh nhân, mỗi vị 10g, Bối mẫu 6g, sắc uống.

2. Ho gà: Bách bộ, Hạ khô thảo, mỗi vị 10g sắc uống.

3. Lao phổi: Bách bộ 20g, Hoàng cầm, Đơn bì, Đào nhân đều 10g. Sắc uống ngày 1 thang, liệu trình 3 tháng.

4. Chữa viêm họng mạn tính: Bách bộ 500g, sắc 3 lần, đem cô đặc, pha thêm mật ong thành xi-rô,mỗi lần uống 1 muỗng canh, ngày 2-3 lần.

5. Tẩy giun kim: Bách bộ 30g sắc lấy nước thụt lưu đại tràng trong 2-3 tối.
6. Trị bệnh mũi đỏ: Bách bộ 50g, ngâm trong 100ml cồn 95o, sau 10 ngày dùng bôi 3 lần, liệu trình trên 1 tháng.

Lưu ý:  Quý ông nào lỡ mua “sâm” Bách bộ ngâm rượu cần lưu ý, chớ “nhậu tới bến” rất nguy hiểm. Bởi lẽ dùng nhiều Bách bộ sẽ ngộ độc, gây tê liệt trung khu hô hấp, có thể tử vong. Khi ngộ độc nhẹ, có thể giải độc bằng nước ép gừng tươi thêm một ít giấm ăn. Trường hợp nặng, phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

PHAN CÔNG TUẤN


 

;
.
.
.
.
.