Nỗi lo học phí

.

Một người mẹ đang phát quang trồng rừng trên núi Quắp (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang), nghe hàng xóm lên báo tin con đậu đại học, bà quăng chiếc rựa xuống đất, quệt mồ hôi trộn với nước mắt, thở dài: tiền đâu cho con vào đại học?

Bà Huỳnh Thị Thu Hằng (phải) nhận tiền vay sinh viên cho con tại buổi giải ngân của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu sáng 28-9-2017. Ảnh: V.T.L
Bà Huỳnh Thị Thu Hằng (phải) nhận tiền vay sinh viên cho con tại buổi giải ngân của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu sáng 28-9-2017. Ảnh: V.T.L

Đó là bà Nguyễn Thị Cơ, ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Chồng đi bộ đội về, không nghề ổn định. Tất cả trông chờ vào 5 sào ruộng đất cát bạc màu. Hai đứa con trai đòi nghỉ học đi phụ hồ để dồn tiền cho chị mình vào đại học. Hội Khuyến học xã giúp, hàng xóm láng giềng góp kẻ ít người nhiều động viên “sĩ tử” duy nhất làng mình được vào đại học để giữ tiếng thơm. Người không tiền bước vào giảng đường chẳng dễ chút nào!

Giờ thì sinh viên và gia đình không còn vướng bận nhiều lo toan như hoàn cảnh của cô gái con bà Nguyễn Thị Cơ trong câu chuyện trên xảy ra 12 năm trước.

Chính sách nhân văn

Bà Huỳnh Thị Thu Hằng là chủ một hộ nghèo ở tổ 10 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Hai vợ chồng bà đều làm công nhân, thu nhập không đủ trang trải cho mức sống trên nghèo của 4 người trong nhà theo chuẩn thành phố Đà Nẵng. Gần 2 năm trước bà đã trả xong cả vốn lẫn lãi gói vay 50 triệu đồng diện hộ nghèo cho Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Liên Chiểu. Năm rồi, con trai Đoàn Hồng Quang đậu đại học, bà tiếp tục làm đơn xin vay theo diện cho con học đại học. Sáng 28-9 vừa qua, bà là một trong những phụ huynh diện này đến hội trường phường Hòa Khánh Bắc để nhận vốn vay do Phòng Giao dịch NHCSXH quận Liên Chiểu giải ngân.

Chị Lê Thị Kim Huệ, cán bộ phụ trách công tác xã hội phường Hòa Khánh Bắc, cho biết UBND phường là đơn vị tín chấp cho sinh viên đi vay theo 3 chế độ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất; Hội LHPN phường là đơn vị nhận ủy thác từ NHCSXH lập hồ sơ cho sinh viên được vay qua hộ gia đình. Nếu được duyệt cho vay, mỗi năm sinh viên được nhận tối đa 15 triệu (giải ngân từng năm một) cho đến hết khóa học của sinh viên; mỗi tháng trả lãi 0,5% (không trả vốn gốc).

Bà Lưu Thị Nhi, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH quận Liên Chiểu, nói rõ hơn: “Sinh viên có hộ khẩu tại Đà Nẵng sẽ được xét vay, sinh viên các tỉnh khác nếu được nhà trường xác nhận sẽ được xét vay tại NHCSXH nơi sinh viên thường trú. Trường hợp sinh viên mồ côi học ở trường nào thì NHCSXH sẽ cho vay ngay tại trường chứ không phải tại địa phương”.

Cho sinh viên vay tiền đi học là một chính sách rất nhân văn. Bà Hằng đã có kinh nghiệm khi vay vốn hộ nghèo, giờ không phải lo lắng gì nhiều khi vay cho con học đại học. Đối với nhiều bậc làm cha mẹ, lo nhất là sau khi con ra trường một năm phải có kế hoạch

trả nợ vay ngân hàng. Sinh viên ra trường xin việc rất khó, NHCSXH chỉ gia hạn tối đa 6 tháng nên khả năng trả nợ rất mong manh, nhất là các hộ nghèo lại thêm ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, bà Nhi giải thích, nếu các hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả thì trả nợ không khó. Đơn cử như một hộ nọ có 2 sinh viên đại học, 1 sinh viên cao đẳng, mỗi năm vay được 45 triệu đồng (15 triệu x 3), biết tổ chức làm ăn, dành dụm được một số tiền, lần lượt từng đứa con ra trường là trả nợ được ngay.

Quẳng gánh lo đi và... gắng học

Ngoài vay tiền NHCSXH, sinh viên còn được các tổ chức, cá nhân tạo điều kiện cho mình được yên tâm ngồi trên ghế giảng đường.

Em Ngô Thị Thùy My, ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), sinh viên năm hai Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn, cho biết lúc mới vô trường em đóng học phí học kỳ một trên 3,4 triệu đồng. Ba mất hơn 10 năm trước, tháng 4 vừa rồi mẹ mất vì bị điện giật. Trước hoàn cảnh đáng thương này, theo ông Lê Viết Trương, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của trường, nhà trường đã quyết định miễn học phí cho em đến hết khóa học. Kỷ niệm 15 năm thành lập trường, nghe hoàn cảnh My, một cựu sinh viên của trường cũng đã tặng quà cho My với lời cầu chúc em vượt qua số phận và học tập tốt.

My chia sẻ: “Anh trai em nghỉ làm trong Sài Gòn về nhà kiếm việc và nuôi 2 đứa em út sinh đôi ăn học. Em ở ký túc xá của trường, thỉnh thoảng được các thầy, cô giúp để trang trải sinh hoạt phí. 4 anh em đều được nhận chế độ bảo trợ xã hội ở địa phương nên cũng qua ngày và yên tâm học tập”.

Ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, có hai sinh viên hoàn cảnh khó khăn, được Tổ chức Pacific Links Foundation (tên tiếng Việt là Tổ chức Vòng Tay Thái Bình, một tổ chức phi chính phủ Mỹ được thành lập vào năm 2001 với mục đích hoạt động từ thiện hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng Việt Nam) trao học bổng Chương trình “Phát triển Giáo dục và Kỹ năng” (Scholarship Program to Elevate Education and Develop Skills, gọi tắt là SEEDS University).

Em Phạm Thị Thanh Hoa, năm nhất ngành Dược, Trường Đại học Y dược Huế, cũng nhận học bổng SEEDS University với mức 16 triệu/năm. Ba em đã bị liệt nửa người lại hở van tim, không lao động được. Một mình mẹ em làm nông nuôi ăn cả gia đình 5 người và nuôi học 3 người là em, anh trai (đang học cao đẳng) và em gái (đang học THCS).

Em Ngô Văn Nhân, sinh viên năm nhất ngành Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhận học bổng SEEDS University với 16 triệu/năm. Ba mẹ ly dị, Nhân sống với mẹ, anh trai và bà ngoại. Sức khỏe yếu, với thu nhập chính từ nghề làm bánh tráng, mẹ em chỉ đủ sức mang lại một mức sống dưới ngưỡng nghèo khó cho cả nhà. Anh trai em đã phải bỏ học từ năm lớp 10 để phụ mẹ.

Ông Nguyễn Thiện Khiêm, Quản lý chương trình SEEDS University, cho biết thành phố Đà Nẵng có 23 sinh viên được nhận học bổng của chương trình, trong đó có 19 em đang học tại Đà Nẵng. Ngày 7-10 tới, Hội Khuyến học Đà Nẵng sẽ phối hợp với Tổ chức Vòng Tay Thái Bình tổ chức trao học bổng cho 19 sinh viên này. Mỗi sinh viên sẽ được nhận mỗi năm 16 triệu đồng trong suốt 4 năm học đại học, với điều kiện là các em phải cam kết đạt mức học lực từ trung bình trở lên.

Khác với sinh viên vay tiền đi học, sinh viên được học bổng không phải lo lắng đến khoản trả nợ sau khi tốt nghiệp đại học. Em Ngô Văn Nhân hào hứng: “Cái lo của sinh viên được nhận học bổng SEEDS University như em hiện nay là phải chú tâm vào việc học để được “vay” mà không lo trả”.

Ngày 18-9, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) về việc hỗ trợ tiền lãi cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo, SV mồ côi cha mẹ có vay vốn chương trình tín dụng đối với HS-SV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại NHCSXH.

Tất cả các đối tượng trên đều được hỗ trợ, bắt đầu từ khóa 43K, tuyển sinh năm 2017. Thời gian hỗ trợ theo chương trình đào tạo (không quá 4 năm). Dự kiến có khoảng 150 SV khóa 43K được nhận hỗ trợ này. Đồng thời, nhà trường tiếp tục hỗ trợ cho các SV thuộc diện chính sách theo các hình thức: miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định. Song song với đó, nhà trường sẽ tiếp tục giúp đỡ các SV bằng các chính sách như trích từ nguồn kinh phí của nhà trường và huy động tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các thế hệ cựu SV để cấp học bổng...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.