Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà ngày ấy

.

Những năm 1966-1967, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà được giao sứ mệnh xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn nghệ thuật nhằm phục vụ, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến của dân tộc. Đoàn luôn bám sát tuyến trước, luồn sâu vào vùng địch để tổ chức biểu diễn, góp phần tuyên truyền, động viên nhân dân bám đất, bám làng, cán bộ bám sát phong trào, đấu tranh giằng co chống lại kế hoạch xúc dân vào các khu tập trung của địch.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trong thời gian này, rất nhiều nghệ sĩ từ Khu V và Trung ương đã về giúp Đoàn xây dựng chương trình, tiết mục như đạo diễn Ngọc Anh, Trần Chức; biên đạo múa Phương Thảo, Phương Anh; nghệ sĩ Thanh Đính… Nhờ vậy, các tiết chương trình kịch mục của Đoàn đa dạng và phong phú, chiếm được nhiều tình cảm của người xem.

Từ nỗi đau trên đất Gò Nổi

Cuối năm 1967, nhận được sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà di chuyển về Gò Nổi, Điện Bàn để dàn dựng, tập luyện chương trình tiết mục để chuẩn bị phục vụ tiếp quản những vùng mới giải phóng. Đến tháng 1-1968, Đoàn về đóng quân ở thôn Vân Ly, xã Điện Hồng (nay là xã Điện Quang, thuộc vùng Gò Nổi, thị xã Điện Bàn). Từ những tháng trước, Gò Nổi đã sớm trở thành tọa độ lửa, thành cái túi hứng bom, pháo bầy. Đêm nào tàu soi cũng có mặt để xả đại liên vào các lùm cây hai bên triền sông. Tàu trinh sát L19 đi đâu về cũng không quên trút những quả rocket cuối cùng xuống cầu Kỳ Lam.

Lúc 8 giờ sáng ngày 24-1-1968, cán bộ diễn viên của Đoàn tập trung tại nhà bác Huyên (một cơ sở trong thôn) để nghe phổ biến kế hoạch mới. Anh chị em chưa đến đông đủ thì một loạt bom tọa độ thả trúng ngôi nhà, 8 đồng chí hy sinh: Nhạc sỹ Văn Cận ở Khu V về công tác; anh Trịnh Thành - Chính trị viên kiêm nhạc công; anh Tân Nhân - tác giả của Đoàn; anh Hoàng Duy Nghĩa - Phó Đoàn; anh Nguyễn Minh Châu - Đội trưởng đội kịch; anh Nguyễn Văn Tỷ - Bí thư chi đoàn, đội trưởng đội ca; chị Yến Nhi - diễn viên; anh Hoàng Văn Trung - diễn viên; anh Thế Ngô - cán bộ văn hóa huyện Điện Bàn vừa mới lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Tỷ, bị thương nặng, biết mình không thể qua khỏi, trong giây phút sinh ly tử biệt đã nắm tay người yêu - diễn viên Ngọc Lan mà nói trong tiếng nấc “Anh không thể sống tiếp để cùng em và Đoàn đi phục vụ đồng bào, chứng kiến quê hương mình giải phóng. Em ở lại cùng anh em cố gắng lo cho chi đoàn”.

Hoàng Ngọc Lan và Nguyễn Văn Tỷ cùng ở trong Ban Chấp hành Chi đoàn. Họ yêu nhau, đã báo cáo tổ chức, dự định nếu mùa xuân ấy quê hương được giải phóng sẽ xin phép gia đình và tổ chức để làm lễ cưới. Nhưng bom đạn chiến tranh đã cướp đi ước mong tốt đẹp của họ cũng như bao lứa đôi khác. Đây là nỗi đau, sự mất mát lớn nhất của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà. Các đồng chí ấy đã nằm lại với mảnh đất Gò Nổi “địa linh nhân kiệt”, lòng người son sắt thủy chung đã nuôi nấng đùm bọc cho Đoàn trong những ngày tháng ác liệt nhất.

Sau Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi lùi về hậu cứ, vừa tham gia sản xuất, vừa tập luyện những vở diễn mới. Có khi chia tách thành từng tổ nhỏ để dễ hoạt động. Đến đầu năm 1973, Đoàn tập trung trở lại và dựng vở, tập luyện, biểu diễn nhiều hơn. Đoàn chúng tôi đã thực hiện chuyến lưu diễn dài ngày suốt vùng nông thôn, miền núi Quảng Đà với địa hình hiểm trở, thời tiết rất khắc nghiệt. Trên lưng mỗi người luôn cõng theo hàng chục ký đạo cụ, nhạc cụ, trang phục biểu diễn và đồ dùng cá nhân.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ ấy, chúng tôi đã sáng tác, dàn dựng được nhiều tiết mục ca, kịch. Một số vở diễn đặc biệt là loại hình kịch nói và dân ca Khu V được dàn dựng biểu diễn kịp thời động viên cổ vũ quân và dân ta sản xuất và chiến đấu.

Rất nhiều vở kịch đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: “Một mạng người”, “Nổi gió” của Đoàn Hồng Cẩm; “Đội kịch chim chèo bẻo” của Nguyễn Văn Niêm; “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Nguyên Vũ; “Bà mẹ Gò Nổi” Phan Ngạn, “Chiều cuối năm” của Tân Nhân; kịch vui “Cơ quan trên đầu gối, hậu cần sau lưng”; “Trên tuyến đầu chống Mỹ” của Nguyễn Trường Hoàn…

Những ngày ấy, tôi vừa tham gia sáng tác, tập luyện cùng với Đoàn vừa tham gia Phân hội Văn nghệ giải phóng Quảng Đà được thành lập trong năm 1967 do nhà văn Đoàn Xoa làm phân hội trưởng. Phân hội đã tập hợp được nhiều cây bút ở địa phương như: Hồ Hải Học, Hoài Hà, Trần Văn Anh,
Triều Phương, Nguyễn Đình An, Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê…

Phân hội có tờ tạp chí Văn nghệ giải phóng Quảng Đà để in các tác phẩm thơ, văn xuôi, hội họa, âm nhạc… của các cây bút Quảng Đà. Trong năm này, Phân hội văn nghệ giải phóng Quảng Nam cũng được thành lập do nhà thơ Chí Cao làm phân hội trưởng. Phân hội đã tập hợp nhiều cây bút như Chí Cao, Vũ Dương, Vũ Minh (Lý Anh Minh), Hoàng Hương Việt, Huỳnh Phan Lê (văn học) rồi Phạm Hồng, Lê Văn Thìn (hội họa). Tạp chí Văn nghệ giải phóng Quảng Nam  cũng ra đời để in những sáng tác của các tác giả.

Cùng với những hoạt động sôi nổi của Đoàn văn công, văn nghệ cũng phát triển. Thơ ca, kịch, bài hát yêu nước, trở thành vũ khí sắc bén tấn công địch, động viên cổ vũ tinh thần của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta. Chiến trường Quảng Đà cũng là nơi đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ của Khu V, của Trung ương về công tác như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Cao Phương, Dương Hương Ly, Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Thanh Quế, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông (văn học); Phan Huỳnh Điểu, Văn Cận, Thanh Đính (nhạc); Nguyễn Thế Vinh, Hà Xuân Phong, Giang Nguyên Thái (hội họa)…

Trải qua hơn một năm thi hành Hiệp định Paris, từ chỗ đánh địch lấn chiếm có tính chất tự vệ, ta tiến lên mở chiến dịch tấm công tổng hợp. Trong tình hình đó, Đoàn chúng tôi có thể di chuyển dễ dàng hơn. Lúc bấy giờ, ngoài đi lưu diễn các địa phương, chúng tôi thường có các buổi biểu diễn cho các lớp học bồi dưỡng chính trị sơ cấp, trung cấp và các hội nghị quan trọng của Đặc Khu ủy Quảng Đà.

Những ngày cuối tháng 3 năm 1975 lịch sử, chúng tôi được lệnh phối hợp với các mũi công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận, bắc loa cơ động kêu gọi đồng bào hưởng ứng lệnh khởi nghĩa, kêu gọi binh lính đầu hàng đứng về phía quân giải phóng. Tiếp đến, Đoàn thực hiện những chuyến lưu diễn  phục vụ các huyện lỵ vừa mới được giải phóng, điểm đến đáng nhớ nhất là An Hòa - Dục Đức. Khi chúng tôi đến nơi vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn, tan tác của một cuộc tháo chạy của quân ngụy như vừa mới xảy ra. Những đồn bốt, hàng rào kẽm gai, xác những chiếc ô-tô hỏng bị bỏ lại vẫn chỏng chơ, những đám cháy vẫn còn âm ỉ. Chúng tôi được địa phương bố trí ăn ở tại khu chỉ huy của quân ngụy vừa rút đi.

Đến niềm vui Đà Nẵng

Bao năm ở rừng xanh núi đỏ, giờ về thành phố Đà Nẵng, một đô thị vừa được giải phóng đối với chúng tôi lúc đó quả thật choáng ngợp. Ngợp không chỉ vì sự phồn hoa của phố phường mà còn vì niềm vui sướng ngất ngây của ngày giải phóng. Đà Nẵng hồi ấy còn nhỏ và không đẹp như bây giờ, nhưng đối với chúng tôi hồi đó thì nó thật lung linh và sầm uất. Xe chở chúng tôi đi qua sân bay Nước Mặn vẫn còn nguyên cảnh hoang tàn của một cuộc tháo chạy, cả một vùng đầy nắng, gió và cát, cỏ mọc hoang vu. Khi xe qua cầu Trịnh Minh Thế vào thành phố, nhìn cảnh người dân đi lại tấp nập, cờ hoa rợp trời, chúng tôi vẫn không tin là mình đã về đến Đà Nẵng.

Cuộc sống của những ngày đầu ở Đà Nẵng là những ngày lao động khẩn trương để chuẩn bị cho kế hoạch biểu diễn dày đặc tại rạp hát Trưng Vương. Những buổi diễn này đánh dấu một bước trưởng thành của Đoàn chúng tôi bởi ngoài các tiết mục mới, chúng tôi còn được hỗ trợ bởi các phương tiện hiện đại như hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ mới, phông màn đẹp và đặc biệt chương trình biểu diễn là nghệ thuật tổng hợp ca, múa, nhạc, kịch lớn nhất từ trước đến giờ của Đoàn.

Vở kịch “Chiều cuối năm” của Tân Nhân lại một lần nữa gây xúc động mạnh mẽ cho người xem. Đoàn chúng tôi là một trong những đơn vị nghệ thuật giải phóng đầu tiên có mặt và biểu diễn ở Đà Nẵng. Sau đó, có một số đoàn của Trung ương và quân đội từ miền Bắc vào phục vụ. Có lẽ vì thế mà tình cảm và sự ưu ái của nhân dân Đà Nẵng dành cho chúng tôi nhiều hơn. Sau đêm diễn có nhiều khán giả tâm sự: “Chúng tôi cứ nghĩ bên giải phóng các anh chỉ biết đánh trận, ai dè múa hát cũng hay, kịch cũng rất hay!”. Những tháng tiếp theo là những đêm diễn phục vụ cho bà con nhân dân ở ngoại ô như: Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà đã vượt qua những khó khăn gian khổ, vượt qua những khốc liệt của đạn bom, vượt qua những cơn sốt rét rừng và những năm đói cơm, lạt muối để mang lời ca tiếng hát, mang nghệ thuật cách mạng đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở những nơi ác liệt nhất, khó khăn nhất của Khu V, tiếp thêm sức lực tinh thần để họ vượt qua chông gai đi đến ngày chiến thắng. Trong suốt chặng đường ấy, cả Đoàn đã có 12 đồng chí hy sinh trên đường đi công tác, trong khi đang làm nhiệm vụ, 31 đồng chí hiện là thương binh.

NGUYỄN TRƯỜNG HOÀN

Nguyên Trưởng Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà

;
.
.
.
.
.