.

Giải pháp cho giao thông đô thị

.

Những năm trở lại đây, phương tiện ô-tô, xe máy tại thành phố Đà Nẵng tăng mạnh, gây áp lực cho giao thông thành phố, nhất là việc kẹt xe cục bộ tại các ngã ba, ngã tư vào các giờ cao điểm. Để giải quyết tình trạng này, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông; trong đó đặc biệt là lắp hệ thống camera giám sát, lắp đặt các tín hiệu giao thông có tính khoa học.

1. Đà Nẵng có hơn 100 tín hiệu giao thông lắp đặt tại các ngã ba, ngã tư. Qua tình hình thực tế, việc lắp đặt các tín hiệu giao thông đã được ngành giao thông khảo sát, bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông ở nhiều tuyến đường phức tạp.

Tín hiệu đèn giao thông ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Văn Linh là một trong những điển hình. Nút giao thông này trước đây là một bùng binh lớn, hằng ngày, tình hình giao thông rất hỗn loạn, nhất là hướng vào sân bay  giờ cao điểm, khiến lực lượng chức năng hết sức vất vả khi tổ chức điều tiết giao thông. Để giải quyết vấn nạn này, ngành Giao thông vận tải đã nghiên cứu, lắp đặt tín hiệu giao thông thay cho bùng binh.

Khảo sát thực tế, nút tín hiệu giao thông này được lắp đặt khá khoa học. Đi từ nút hầm chui Nguyễn Tri Phương (đang thi công) về phía Nguyễn Hữu Thọ, ngành giao thông phân 5 làn xe chạy, trong đó 2 làn chạy thẳng, 2 làn rẽ trái và một làn rẽ phải. Tín hiệu giao thông đều được đặt lệch thời gian, nên phương tiện lưu thông rất thuận lợi.

Đơn cử, nếu phương tiện chạy từ hầm chui Nguyễn Tri Phương về để rẽ qua đường Nguyễn Văn Linh được phân vào hai làn bên trái của tuyến đường Nguyễn Tri Phương; phương tiện đi thẳng được phân vào hai làn kế. Nếu làn bên trái dừng thì làn giữa xe được lưu thông và ngược lại.

“Khi dừng chờ đèn để rẽ trái về Nguyễn Văn Linh hoặc dừng từ Nguyễn Văn Linh đi qua sân bay hoặc ngược về Nguyễn Tri Phương theo hướng Cẩm Lệ đều không xảy ra tình trạng kẹt xe như trước đây”, chị Nguyễn Hoài Thương (trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) chia sẻ.

Được biết, để lắp đặt được hệ thống giao thông này, ngành giao thông đã phải quan sát thực tế rất nhiều thời gian mới sắp xếp, phân bố các tín hiệu giao thông để không bị xung đột. Chánh Văn phòng Ban an toàn giao thông thành phố Nguyễn Hữu Cường nhìn nhận:

“Chưa bao giờ thấy có một nút giao thông được tổ chức khoa học như thế. Đây được đánh giá là nút giao thông điển hình nhất từ trước đến nay. Về lâu dài cũng phải tổ chức triển khai nút giao thông theo kiểu này tại một số khu vực phức tạp để bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Nút tín hiệu giao thông tại ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Văn Linh thể hiện sự khoa học trong quản lý giao thông ở Đà Nẵng. Ảnh: N.P
Nút tín hiệu giao thông tại ngã tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Văn Linh thể hiện sự khoa học trong quản lý giao thông ở Đà Nẵng. Ảnh: N.P

2. Để chống ùn tắc cục bộ tại các tín hiệu giao thông, Sở Giao thông vận tải cũng đã nghiên cứu, lắp đặt nhiều tín hiệu giao thông cho phép rẽ phải khi có đèn đỏ và chạy thẳng ở làn bên phải ở tuyến đường không có ngã tư. Hiện nay, có hàng chục nút giao thông được ngành giao thông bố trí được phép rẽ phải khi có đèn đỏ.

Thực tế dọc đường Trần Phú với các tuyến đường cắt ngang tuyến đường này cho thấy, phương tiện giao thông thông thoáng hơn rất nhiều so với các tín hiệu không cho phép rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, nhiều người tham gia phương tiện đi thẳng đã dừng chờ đèn đỏ ngay tại làn đường được phép rẽ phải, nên những người muốn tham gia giao thông cũng không thể rẽ sang được. Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố nhìn nhận:

“Nếu người dân tham gia có ý thức thì việc được phép rẽ phải sẽ giảm ách tắc giao thông rất nhiều, nhất là trong giờ cao điểm”. Nhằm chống tình trạng người tham gia giao thông lấn chiếm làn đường này, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, cần phải tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Ngoài ra, cần phải mở rộng lề đường góc cua. Tuy nhiên, việc này khá khó vì lề của chúng ta rất nhỏ.

3. Trong những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông, chống ùn tắc giao thông đó là việc UBND thành phố đầu tư, giao Sở Giao thông vận tải thành phố triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số tuyến đường, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Việc giám sát camera hỗ trợ tích cực trong thực thi pháp luật, nó có sức lan tỏa lớn, tác động đến ý thức của người tham gia giao thông. Hầu hết người điều khiển phương tiện giao thông đều chấp hành tốt. Theo những người tham gia giao thông có trách nhiệm, thì khi việc tham gia giao thông còn thiếu  ý thức, thiếu văn hóa, thì việc tiếp tục đầu tư mở rộng lắp đặt hệ thống camera giám sát ở nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là điều rất cần thiết, là một biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin mang tính bền vững, hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy, cái khó của việc xử lý qua camera hiện nay là xác minh địa chỉ của phương tiện. Các phương tiện khi mua xe thì đăng ký ở một phường, nhưng sau đó họ bán nhà đi nơi khác ở. Không chỉ vậy, việc xử lý xử phạt hành vi qua camera hiện nay cũng mới thực hiện ở phương tiện ô-tô, còn xe máy vẫn chưa triển khai xử lý được.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Hữu Cường cho rằng, đa phần xe máy mua đi bán lại đều không sang tên, đổi chủ nên việc xác minh rất khó. Trong tương lai, nếu chúng ta xử lý 20-30% trong tổng số phương tiện xe máy vi phạm cũng đã là thành công rồi.

Có thể nói rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Qua đó, trật tự an toàn giao thông đã từng bước thiết lập một cách bền vững, tai nạn giao thông đã giảm trên 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương…

Thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện nay, thành phố đã đầu tư, lắp đặt camera giám sát tại 18 vị trí với tổng số 68 camera. Trong đó có 2 camera quan sát giao thông, 4 camera giám sát tốc độ, 62 camera giám sát xử lý vi phạm như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi không đúng phần đường, làn đường.

Phòng Cảnh sát giao thông thành phố được trang bị thiết bị để xử lý vi phạm qua hệ thống camera. Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, quá trình triển khai thực hiện từ ngày 1-11-2016 đến tháng 7-2017, tổ giám sát camera của Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện hơn 10.100 trường hợp vi phạm (trong đó có hơn 6.500 ô-tô, hơn 500 mô-tô); trong đó có gần 7.000 trường hợp chạy quá tốc độ, hơn 3.200 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Đến nay, đã lập biên bản xử lý 3.543 trường hợp vi phạm, chuyển Kho bạc Nhà nước thu hơn 4,7 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe hơn 1.000 trường hợp.

HOÀNG SA

;
.
.
.
.
.