.
Nghĩ

Sức ép dư luận

.

Cô bạn thân của tôi cưới chồng đã gần 2 năm nhưng chưa có con. Chồng bạn là con trai duy nhất của gia đình, cháu đích tôn của dòng họ nên chuyện con cái của vợ chồng bạn luôn nhận được sự quan tâm nhiệt tình từ mọi người. Người thân, người quen, hàng xóm mỗi khi gặp bạn đều mở đầu bằng câu hỏi: “Đã có gì mới chưa?”. Sự quan tâm với những câu hỏi đi sâu vào đời tư khiến bạn hạn chế giao tiếp, trầm lắng hẳn. Nhiều đêm, bạn điện cho tôi khóc nức nở chỉ vì sự quan tâm quá mức của một ai đó. Vô hình chung, bạn tự tạo sức ép cho mình và cho cả chồng, lặn lội đi điều trị vô sinh hết chỗ này đến chỗ kia. Chỉ đến khi quá mỏi mệt với những lần hy vọng rồi thất vọng, bạn mới từ bỏ điều trị. Động viên vợ, chồng bạn dẫn bạn đi du lịch. Dần dà, bạn thả lỏng tinh thần và bỏ ngoài tai lời đàm tiếu của nhiều người. May mắn, chỉ một thời gian sau, bạn hạnh phúc mang thai đứa con đầu lòng.

Những ngày vừa qua, quán quân Giọng hát Việt 2015 Đức Phúc là cái tên “nóng” nhất mạng xã hội. Chàng trai 21 tuổi bỗng dưng trở thành đề tài bàn tán của dư luận xã hội không phải vì giọng hát - ước mơ Phúc đang theo đuổi - mà vì gương mặt sau phẫu thuật thẩm mỹ của mình. Đáng nói, nguyên nhân khiến Đức Phúc quyết định “thay da đổi thịt” lại xuất phát từ áp lực của dư luận, từ những lời chê bai ác ý của cộng đồng mạng đối với chàng sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Như một vòng luẩn quẩn, Đức Phúc vì dư luận nên quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cuối cùng vẫn trở thành tâm điểm của dư luận, gánh chịu nhiều ý kiến trái chiều hơn. Không bàn đến câu chuyện ngoại hình, rõ ràng, Đức Phúc đã thua cuộc trong cuộc đua thoát khỏi dư luận xã hội.

Không riêng cô bạn của tôi hay Đức Phúc, bất cứ ai cũng có thể từng là nạn nhân của dư luận. Tuy nhiên, mỗi người lại có một cách thức khác nhau để đối mặt với dư luận. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng vượt qua sức ép dư luận. L.L - một người chuyển giới, đã từng muốn tự tử vì bị mọi người kỳ thị sự khác biệt của bản thân. Nữ diễn viên Hàn Quốc Choi Jin Sil đã tự kết thúc cuộc đời của mình chỉ với khao khát tìm lại sự trong sạch giữa những lời đồn thổi và sức ép nặng nề của dư luận. Những lời chỉ trích tưởng chừng vô thưởng vô phạt của dư luận cũng đã đẩy nữ diễn viên Lee Eun Joo đến lựa chọn lìa xa thế giới. Cách đây vài năm, nữ sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng cũng đã uống thuốc tự tử nhưng được người nhà phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân xuất phát từ việc em bị một tài khoản trên Facebook viết bài vu khống và nhận nhiều lời chỉ trích, xúc phạm thậm tệ từ cư dân mạng.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ đã từng gặp nhiều trường hợp thanh niên tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý để cầu cứu vì không biết làm cách nào để thoát khỏi những áp lực đến từ dư luận, đôi khi là cả những tin đồn thất thiệt không thể phân bua. Và còn rất nhiều cái chết tức tưởi vẫn đang lặng lẽ diễn ra từng ngày chỉ vì dư luận.

Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của dư luận xã hội. Nhưng cũng có đôi khi, chúng ta lại chính là cá thể trong mạng lưới dư luận đang vô tình gây áp lực cho một ai đó chỉ bằng một câu nói chưa kịp suy nghĩ thấu đáo. Mỗi lời nói của chúng ta đều ẩn chứa sức mạnh vô hình. Một lời động viên đúng lúc có thể giúp cho những người đang trong cơn bế tắc lấy lại tinh thần và vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói mang lực sát thương lớn, trở thành “hung khí” vô hình có thể hủy hoại tinh thần và tính mạng.

Người xưa đã nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, “Lời nói gói vàng”; “Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”… Giá mà, mỗi người học được cách cẩn trọng và có trách nhiệm với ngôn từ để lời nói luôn phát huy được sức mạnh tích cực. Để mỗi sáng thức giấc, lật giở tờ báo, không còn tin tức một ai đó đang là nạn nhân của dư luận xã hội. Và để người với người sống yêu thương nhau nhiều hơn…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.