.

Dân số già có đáng lo?

.

Nghiên cứu mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng GDP của Nhật Bản sẽ giảm 1% từ năm 2020 tới năm 2050 vì dân số già. Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và Hong Kong cũng chịu tác động nhẹ hơn một chút với mức 0,5% mỗi năm.

Trung Quốc hiện có tới 200 triệu người cao tuổi, nhiều hơn tất cả các nước thuộc EU gộp lại; thêm nữa, lực lượng lao động cũng sẽ giảm xuống còn 170 triệu người trong vòng ba thập niên tới. Tỷ lệ người già ở Nhật Bản là 43,3/100 người; Úc là 23/100; Hàn Quốc là 18/100, Singapore là 16/100, Trung Quốc là 13/100. Ba yếu tố gồm giảm tỷ lệ sinh, tăng tuổi thọ và tỷ lệ tử vong giảm khiến cho dân số châu Á được dự báo già nhanh nhất thế giới trong những thập niên tới mà con số người già lên tới 923 triệu vào năm 2050. Hệ thống lương hưu của Trung Quốc sẽ thâm hụt vào năm 2030, Thái Lan vào năm 2041…

Người già ở châu Á.
Người già ở châu Á.

IMF kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cải cách thị trường lao động như việc làm linh hoạt hơn, khuyến khích lao động nhập cư, tăng lượng lao động phụ nữ, mở rộng cơ sở chăm sóc trẻ em nhằm tránh rủi ro cho người già (chăm con cháu). Tất cả những biện pháp khuyến cáo của IMF đã được Nhật Bản triển khai nhưng họ không nhập cư ào ạt. Chính 150.000 người nhập cư trong năm 2016 đã giúp bù một lượng lớn dân số giảm sút của Nhật Bản trong năm.

Nhà kinh tế giàu kinh nghiệm Richard Yetsenga tại trung tâm nghiên cứu ANZ cho rằng không hẳn dân số già sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm sút vì chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội tăng mạnh. Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu được nhiều nước đang tính tới nhưng Yetsenga đưa ra một số khuyến cáo hữu ích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với dân số già.

Đổi mới công nghệ mà đi đầu là sử dụng người máy (robot) sẽ lấp đầy khoảng trống lực lượng lao động thiếu hụt; thậm chí, robot làm việc còn hiệu quả hơn cả con người! Chẳng hạn như chương trình SkillsFuture của Singapore giúp đào tạo cho công nhân lớn tuổi tiếp cận công nghệ thông tin để thích ứng với môi trường làm việc mới. Giáo dục nắm phần căn bản hơn bởi vì như thế thanh niên được học hành đầy đủ sẽ là lực lượng lao động có trình độ cao nhằm bù đắp cho sự sụt giảm dân số.

Nhập cư là giải pháp quan trọng thứ ba. Chính sách này không chỉ giải quyết tạm thời sự thiếu hụt nhân công ngay tức thời mà có thể tăng số lượng trẻ sơ sinh. Các quốc gia Úc, New Zealand, Hong Kong và Singapore tận dụng lao động nhập cư như là “bơm ý tưởng và chuyên môn để tăng cường các lĩnh vực quan trọng cho tương lai của một quốc gia”. Singapore tăng cường sự đổi mới trong các ngành công nghiệp như không gian, thiết bị y sinh học và hoạt hình số.

ANH THƯ (Theo Diplomat)

;
.
.
.
.
.