Phương hay Thuốc quý

Chua me đất

.

Chua me đất có hai loài khá phổ biến, thường gặp quanh vườn nhà, mọc chen với các chậu cây cảnh, có thể vừa làm rau, vừa làm thuốc. Đó là Chua me đất hoa hồng và Chua me đất hoa vàng.

Phân biệt Chua me đất hoa hồng và Chua me đất hoa vàng. Ảnh: P.C.T
Phân biệt Chua me đất hoa hồng và Chua me đất hoa vàng. Ảnh: P.C.T

Chua me đất hoa hồng - Oxalis corymbosa DC. (O. martiana Zucc.), thuộc họ Chua me đất - Oxalidaceae. Tiếng Hán gọi là Đồng chùy thảo(铜锤草) hay Hồng hoa tạc tương thảo (红花酢浆草).
Chua me đất hoa hồng (CMĐHH) là cây thảo nhỏ, cao 20-30cm, phần dưới đất có nhiều vẩy xếp sít nhau. Lá mọc thành hoa thị, có 3 lá chét hình tim rộng, lõm ở đầu, có lông, mặt dưới có tuyến hơi đen; cuống lá mảnh, dài, có lông.

Cụm hoa mọc thẳng từ phần dưới đất, cao hơn lá, thành ngù hay tán; hoa màu hồng; lá đài hình mác, có hai tuyến kéo dài ở ngọn, nhẵn ở phía dưới, có lông cứng ở phía ngoài; cánh hoa nhẵn, nhị 10, chỉ nhị xù xì; bầu dài có lông. Quả nang dài, có đài tồn tại. Mùa hoa quả tháng 3-4.

Cây gốc ở Mexico, nay phát tán trên đất hoang phì nhiêu, mát, hơi chịu bóng, nhất là quanh các làng, dưới tán các cây gỗ. Cây mọc hoang sống nhiều năm nên người ta không trồng mà chỉ hái lá khi cần. Lá có vị hơi chua và dịu, có thể nấu canh chua hay luộc ăn. Lá nghiền ra hãm trong nước sôi vài giờ, hoặc toàn cây sắc uống có tác dụng giải nhiệt.

Theo Đông y, toàn cây có vị chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ tiêu thũng, điều kinh. Rễ có tác dụng thanh nhiệt, bình can, định kinh phong.

Dùng toàn cây làm thuốc trị viêm bể thận, đái đục, xích bạch lỵ, viêm họng, đau răng; phụ nữ kinh nguyệt không đều, bạch đới; trẻ em sốt cao co giật. Giã đắp ngoài trị vết bỏng, ung nhọt, đòn ngã tổn thương, rắn độc cắn.   

Liều dùng 15-30g sắc hoặc giã vắt nước uống. Lưu ý phụ nữ có thai không được dùng.

Bài thuốc:

- Trị viêm amydan, sưng đau hầu họng: CMĐHH 50g, giã vắt nước pha mật ong hoặc sữa mẹ uống. Hoặc dùng: CMĐHH 100g, Lá rẻ quạt 10g, Bồ công anh 20g, Cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

- Đau nhức răng, viêm sưng họng: CMĐHH 60-100g, sắc nước ngậm nuốt từ từ.

- Chấn thương đau nhức do đụng dập: CMĐHH 40g sắc uống, ngày một thang. Có thể dùng giã nát đắp tại chỗ sưng đau.

- Viêm bể thận: CMĐHH 40g, rửa sạch giã nhuyễn trộn trứng gà nướng chín ăn, ngày 1 lần.

- Đái đục do cặn sỏi: CMĐHH 30g, Kim tiền thảo 30, Giun đất 15g. Sắc uống ngày một thang.

- Viêm tiết niệu, tiểu không thông: CMĐHH, Mã đề mỗi thứ 40g, dùng tươi, giã vắt nước cốt, thêm đường uống. Hoặc dùng: CMĐHH 40g, Mã đề 20g, Râu bắp 20g. Sắc uống ngày một thang.

- Trĩ: CMĐHH, Rau sam, mỗi thứ 40g tươi, Bồ kết 1 quả giã nhỏ, nấu nước ngâm rửa, ngày 3 lần. Đồng thời dùng CMĐHH hầm với ruột già heo ăn.

- Bối ung (nhọt trên lưng): CMĐHH và cơm nếp, giã nhuyễn, hấp nóng, đắp lên.

- Bỏng: CMĐHH tươi, lá sống đời, lượng bằng nhau, giã nát, đắp lên vết bỏng.

- Khí hư bạch đới: CMĐHH tươi, rễ Cỏ xước, rễ Củ gai (sao) mỗi thứ 20g, rễ bấn 16g sao. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

- Trẻ em kinh phong: CMĐHH 20g, Hài nhi cúc 12g, sắc uống.

- Lỵ: CMĐHH tươi 100g nấu canh hay giã vắt nước uống. Có thể thêm Rau sam, cỏ Phượng vĩ mỗi thứ 20g  sắc uống, ngày 1-2 lần.

Ngoài cây CMĐHH, còn có cây Chua me đất hoa vàng - Oxalis corniculata L., tiếng Hán gọi Tạc tương thảo (酢浆草)cũng thuộc họ Chua me đất - Oxalidaceae.

Chua me đất hoa vàng có vị chua, tính mát, không độc, có tác dụng giải nhiệt, kháng sinh, tiêu viêm, làm dịu, làm hạ huyết áp và lợi tiêu hóa. Thường được dùng trị: Sổ mũi, sốt, ho viêm họng; Viêm gan, viêm ruột, lỵ; Bệnh đường tiết niệu và sỏi; Suy nhược thần kinh; Huyết áp cao. Dùng ngoài  cũng trị chấn thương bầm giập, rắn cắn, bệnh ngoài da, nấm da chân, nhọt độc sưng tấy, eczema và trị bỏng.

Trong bài viết “Vài kinh nghiệm dùng thuốc nam” trên Đà Nẵng cuối tuần ngày 28-10-2012, chúng tôi đã giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm: “Ngậm chua me đất hoa vàng/ Họng viêm, cổ rát, giọng khàn... hết ngay!”.

Đáng lưu ý là hai cây Chua me đất trên đều chứa nhiều acid oxalic, nếu dùng dài ngày có thể gây bệnh sỏi thận, cho nên người đã có sỏi thận hạn chế dùng.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.