Di tích vào tour

.

Đà Nẵng hiện có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp thành phố; 3 di sản phi vật thể trong danh mục Di sản quốc gia là Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, nghề đá Non Nước và lễ hội Cầu Ngư; một hệ thống các bảo tàng và bộ sưu tập - trưng bày có giá trị; cùng hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc khác, tạo nên bản sắc văn hóa và đặc sản du lịch cho thành phố.

Sở Du lịch thành phố đang nghiên cứu đưa các điểm di tích lịch sử, nhà cổ khác vào hoạt động du lịch. Nhưng một trong các vấn đề tồn tại hiện nay, là các di tích, điểm đến dù đã được đầu tư nhưng chưa kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và khai thác, cơ sở hạ tầng còn thiếu, nhận thức về phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa… phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển du lịch còn rất thấp.

Theo các hãng lữ hành, muốn di tích Hải Vân quan trở thành điểm đến hấp dẫn, cần kết hợp với nhiều dịch vụ khác để trở thành sản phẩm độc đáo.  Ảnh:  NGỌC HÀ
Theo các hãng lữ hành, muốn di tích Hải Vân quan trở thành điểm đến hấp dẫn, cần kết hợp với nhiều dịch vụ khác để trở thành sản phẩm độc đáo. Ảnh: NGỌC HÀ

Nơi đông khách, chỗ đìu hiu

Đà Nẵng có nhiều điểm di tích, danh thắng hấp dẫn du khách như Hải Vân quan, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thu hút khách châu Âu và các nước phương Tây. Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nơi có nhiều ngôi chùa nổi tiếng cũng đón gần 800.000 lượt khách trong 6 tháng đầu năm nay (năm 2016 nơi đây đón hơn 1,2 triệu lượt khách).

Bảo tàng Đà Nẵng và di tích thành Điện Hải tính đến tháng 6-2017 đã đón lượng khách cao hơn cả năm 2016 gần 8.400 người. Anh Trần Văn Chuẩn, Phó phòng Trưng bày - Đối ngoại của bảo tàng cho biết, bảo tàng bắt đầu triển khai bán vé đồng giá 20.000 đồng/khách từ cách đây 2 năm, thì lượng khách cũng tăng theo từng năm. Lượng khách đến đây đông nhất lần lượt là khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật và khách nội địa.

Đà Nẵng hiện có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 47 di tích xếp hạng cấp thành phố, mang nhiều giá trị lịch sử to lớn. Nhưng trong thời gian qua, chỉ có một số di tích là sản phẩm du lịch đúng nghĩa, được các đơn vị lữ hành đưa vào các tour, tuyến, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Nhiều di tích lịch sử như đình làng Túy Loan, đình làng Hải Châu, nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và đền thờ Thoại Ngọc Hầu… lượng khách biết và tìm đến tham quan còn rất hạn chế, hầu như chưa được đưa vào các tour, tuyến của các đơn vị khai thác lữ hành.

Anh Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho rằng, các đình làng, một số chùa ở Đà Nẵng nếu so về độ dày lịch sử, độ hoành tráng hay sức hấp dẫn thì không bằng các di tích cùng loại ở miền Nam hay miền Bắc nên ít du khách nội địa quan tâm. Bản thân các di tích chưa đủ độ thu hút và hấp dẫn để so sánh và cạnh tranh với các điểm lân cận.

Một vấn đề nữa là nếu ghé thăm các di tích kể trên sẽ tốn thêm nhiều thời gian trong chương trình tour, đội chi phí tour lên; một số di tích không có chỗ đậu xe; ngoài thăm di tích thì không có sản phẩm phụ trợ đi kèm để khách ưng ý; nhu cầu và mức độ quan tâm của du khách chưa có nên các hãng lữ hành chưa mấy mặn mà với những điểm đến đó.

Lấy di tích làm trung tâm khi xây dựng tour, tuyến

Di tích hấp dẫn, thu hút du khách đến đâu còn là câu chuyện mà chính quyền, ngành du lịch cần xây dựng, hoạch định lâu dài, chứ bản thân một di tích không thể làm nên chuyện. Ví dụ như Hải Vân quan lâu nay chỉ thu hút được một ít khách quốc tế, do hạ tầng giao thông có sẵn nhưng không phải là con đường huyết mạch như ngày chưa có hầm đường bộ Hải Vân để ai cũng ước muốn một lần dừng chân.

Ở di tích này cũng không có thuyết minh, không có tài liệu cho du khách, đã nhiều năm xuống cấp chưa được tôn tạo và kiến thức của hướng dẫn viên cũng không có nhiều để giới thiệu một cách sâu sắc điểm đến.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, nếu có sự kết hợp khai thác giữa cảnh quan, đường đèo ngoạn mục cùng các dịch vụ đi kèm để phục vụ khách ở Hải Vân quan thì di tích cũng mới chỉ hấp dẫn một phần.

Trong khi Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn, nằm giữa các di sản, có tài nguyên đa dạng nhưng để thu hút khách bền vững và tăng thời gian lưu trú, thì cần có giá trị văn hóa bản địa làm giá trị níu kéo, để người ta quan tâm.

Như tour đi Hải Vân quan nếu kết hợp được việc thăm làng nghề nước mắm Nam Ô, xem người dân làng chài sống và sinh hoạt như thế nào, họ khai thác và chế biến hải sản làm sao và khách có thể mua về làm quà, thì lúc đó giá trị di tích mới được nâng tầm. Hay nếu ở Ngũ Hành Sơn có những cụm làng thuần Việt, có làng chài, có làng nghề điêu khắc đá, có danh thắng Ngũ Hành,… bổ trợ cho nhau thì sản phẩm du lịch đó mới hoàn hảo.

Cũng đã có ý tưởng đề xuất sau khi di chỉ Chăm Phong Lệ được khai quật, là mở tour đường sông từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đi Phong Lệ trên một con thuyền của người Chăm xưa, tại đây xem những tháp Chăm được phục dựng, có thể tái hiện cuộc sống và những nghề truyền thống của người Chăm…, mới có thể thu hút được du khách. Muốn làm được điều đó cần có sự định hướng của chính quyền, và các nhà đầu tư vào khai thác, mở tour. Nhưng ý tưởng này đến nay không còn ai nhắc đến.

Theo ý kiến của những người làm chuyên môn du lịch, thì một đình làng, một di tích trơ trọi và không có sự liên kết với các giá trị tài nguyên khác thì không thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Chỉ có thể đầu tư một cách bài bản, lấy di tích làm trung tâm, liên kết các dịch vụ, phát huy được bản sắc văn hóa địa phương thì sản phẩm đó mới phát triển bền vững, hấp dẫn du khách. Khi di tích có những giá trị hiện hữu, làm thế nào để khai thác và kết nối được là bài toán không khó và cần làm ngay để giá trị di tích có thể phát huy tác dụng.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.