Đào tạo đủ kiểu, vẫn thiếu!

.

5 năm trở lại đây, nguồn cung lao động được đào tạo ở Đà Nẵng tăng 4 - 4,2%/năm, cao hơn nhiều mức trung bình của cả nước. Nhưng nguồn lao động vẫn thiếu ở một số ngành, nghề, dù các cơ sở đào tạo nghề ngày càng mở rộng, nâng cấp về quy mô, chất lượng cũng như loại hình đào tạo.

Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: T.T
Thực hành nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng. Ảnh: T.T

Trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, tính đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 6 trường cao đẳng nghề, 15 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp nghề, 2 trường trung cấp chuyên nghiệp, 12 trung tâm dạy nghề và 26 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề, có năng lực tuyển sinh gần 50.000 chỉ tiêu với tổng cộng 164 ngành, nghề khác nhau.

Tính trung bình khoảng 5 năm gần đây, nguồn cung cấp lao động của Đà Nẵng tăng 4 - 4,2%/năm, cao hơn mặt bằng chung của cả nước ở mức 3,2 - 3,5%/năm. Trong vòng 10 năm gần đây, thành phố đầu tư khá nhiều kinh phí, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ người dân ở vùng quy hoạch, chỉnh trang đô thị chuyển đổi ngành nghề.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2015, thành phố đào tạo miễn phí cho gần 7.000 lao động đặc thù, lao động hệ ngắn hạn và gần 16.000 lượt bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho các đối tượng trong diện chính sách, giải tỏa đền bù. Đà Nẵng cũng là địa phương được rất nhiều người lao động phổ thông lẫn lao động đã qua đào tạo từ khắp nơi đổ về tìm kiếm việc làm, qua đó tạo nên một nguồn cung khá dồi dào cho thị trường lao động.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ở một số ngành nghề, nguồn cung lao động vẫn thiếu. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, nếu các trường, cơ sở đào tạo nghề - nơi cung cấp nguồn lực chủ yếu cho thị trường lao động tại Đà Nẵng và miền Trung, tuyển sinh đủ, đồng đều các ngành nghề, chắc chắn sẽ cung ứng tương đối đầy đủ nhân lực cho thị trường lao động. Tuy nhiên, nhiều trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề chỉ tuyển sinh trên 50% năng lực, có cơ sở còn đứng trước nguy cơ xóa sổ một số ngành.

Ông Hồ Viết Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng - một trong những cơ sở dạy nghề có truyền thống, tuyển sinh khá ổn định cho biết, dù chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 so với năm 2015 đã tăng 105 chỉ tiêu, với gần 1.500 học sinh nhập học ở 27 ngành nghề; song, ở nhiều ngành như hàn xì, cơ khí nặng nhọc, số lượng người học vẫn còn quá khiêm tốn so với năng lực tuyển sinh của trường. Riêng các ngành sẽ hoạt động trong lĩnh vực du lịch như quản trị khách sạn, nhà hàng, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch thu hút khá đông số lượng người học.

Năm học vừa qua, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng cũng chỉ tuyển sinh trên 50% năng lực. Các nghề thuộc khối kinh tế như quản trị, kế toán…, người học mấy năm nay hầu như “không màng” tới. Người học đổ xô vào các ngành khách sạn, nhà hàng, chế biến, bảo quản lương thực thực phẩm…

Thiếu trầm trọng lao động ngành du lịch và xây dựng

Trong bức tranh thiếu nguồn cung lao động chung, hai lĩnh vực thiếu nhiều lao động nhất, vẫn là du lịch và xây dựng. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Nhân sự và Đào tạo, Furama Resort Đà Nẵng cho biết, ở hầu hết các bộ phận từ nhà hàng, buồng phòng, đến lễ tân, một số vị trí quản lý tại khu nghỉ dưỡng đều không dễ tuyển người, hoặc có tuyển cũng khó đạt yêu cầu. Đặc biệt, thiếu trầm trọng là nhân viên kinh doanh, nhân viên có trình độ tại bếp (bếp phó trở lên).

Phòng nhân sự của khu nghỉ dưỡng cũng đã tính tới phương án tuyển nhân lực từ hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, song, cũng không khả thi. Theo bà Tâm, cái thiếu nhất của các học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp xin vào làm việc tại khu nghỉ dưỡng là trình độ tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, định hướng chuyên sâu về nghề nghiệp. Đây chính là những điều các cơ sở đào tạo nghề cần lưu ý thay vì đào tạo chung chung.

Quản lý khách sạn 4 sao Eden Plaza Đà Nẵng vài năm trở lại đây cũng luôn “đau đầu” khi tuyển người tại hầu hết các vị trí buồng phòng, lễ tân, quản lý nhà hàng… Nhân lực cho các hoạt động du lịch tại khách sạn này luôn thiếu từ 20 - 30%. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều khách sạn, bởi số lượng khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát của Đà Nẵng tăng nhanh thời gian qua. Trong khi nhân lực được đào tạo để làm việc trong lĩnh vực này dường như chưa kịp. Số sinh viên ra trường được tuyển vào hằng năm phần lớn chưa đáp ứng ngay được yêu cầu công việc và phải qua đào tạo lại.

Theo dự đoán của ngành du lịch, đến năm 2018, số lượng nhân lực cần cho các hoạt động du lịch của thành phố lên đến 20.000 người. Tuy nhiên, số nguồn cung mỗi năm hiện nay tại 17 cơ sở dạy nghề du lịch là gần 4.000 học sinh, sinh viên/5.000 sinh viên được tuyển sinh (trong khi quy mô tuyển sinh vào khoảng 8.000 học sinh, sinh viên) ở các cấp, trình độ.

Theo lý giải, một trong những nguyên nhân khiến nguồn lao động du lịch bị thiếu, phải đào tạo lại là do chưa có sự gặp gỡ giữa các đơn vị đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp. Mặt khác, một số lượng đáng kể nhân lực du lịch thường đổ đi các tỉnh, thành có thời tiết thuận lợi làm du lịch quanh năm như Nha Trang, Phú Quốc để làm việc. Vì vậy, người lao động du lịch ở Đà Nẵng đã thiếu lại càng thiếu.

Trong lĩnh vực xây dựng, theo phân tích của đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khi số lượng công trình được ồ ạt xây dựng trên thành phố hiện nay, thật khó có đủ lao động để đáp ứng yêu cầu. Tại các công trình xây dựng lớn, lao động phổ thông đang trực tiếp xây dựng chủ yếu là lao động ngoại tỉnh.

Các chủ thầu xây dựng dù đã tìm mọi cách giữ chân người lao động nhưng số lượng người lao động vẫn liên tục biến động. Anh Nguyễn Tiến Hoan (người Hà Tĩnh) cùng hơn 10 lao động cùng quê  làm việc tại công trình phức hợp Hòa Bình Xanh (đường Lê Văn Duyệt, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã bỏ hẳn về quê sau 2 tháng theo công trình. Dù họ bị nhà thầu giữ 15 ngày lương, cùng 20% tiền sản phẩm công trình (để giữ chân), số tiền còn lại mang về nhà chẳng bao nhiêu, nhưng theo anh Hoan, họ quyết định về quê là do công việc vất vả, bị giám sát khắt khe, còn tiền công vừa đủ trang trải chi phí.

Theo nhiều ý kiến, để giữ chân người lao động, các nhà thầu cần chăm sóc tốt hơn đời sống các nhân công, đối với những nhân công ngoại tỉnh, xa nhà, nên có chế độ riêng. Tuy nhiên, về phía người lao động do phần lớn đều là người làm nghề tay ngang, không được đào tạo bài bản nên ý thức kỷ luật kém, thích thì làm, không thích là nghỉ cũng là thực tế khiến các nhà thầu lao đao tìm người. Chỉ khi hai vấn đề này được giải quyết, mới mong phần nào giải bài toán thiếu nhân lực trên.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.