Thần nữ linh ứng truyện

.

Lăng Bà Chợ Được ở xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hiện còn lưu một văn bản chữ Nho có tên “Thần nữ linh ứng truyện” được hoàn thành vào ngày 26 tháng 12 năm Khải Định thứ tư (1919). Truyện gồm hai phần: Phần chính là những chuyện kể có liên quan đến “Bà Chợ Được” một nhân vật huyền thoại được thờ kính trong lăng nói trên; phần phụ lục là 6 bài thơ vịnh của một danh sĩ Quảng Nam đương thời về một số chi tiết chính được mô tả trong truyện.

Nghi lễ cúng Bà tại Lăng Bà Chợ Được.  Ảnh: Internet
Nghi lễ cúng Bà tại Lăng Bà Chợ Được. Ảnh: Internet

Tên họ và địa vị xã hội của tác giả được ghi ở hai chỗ. Một ở cuối truyện, nguyên văn “Hậu học nguyên tòng Tỉnh cử học sinh Đông châu Nguyễn Bội Bảo (Lộ) biên tập” (Kẻ hậu học này là học sinh, nguyên được cử đi học ở trường Đốc của tỉnh; là người ở vùng đông phủ Thăng Bình; có tên là Nguyễn Bội Bửu - còn gọi là Lộ, tập hợp và biên soạn truyện này). Một chỗ ở cuối phần chép 6 bài thơ chữ Nho: “Quảng Nam, Thăng Bình, Lễ Dương, Hưng Thạnh hạ tổng, Hưng Thạnh đông xã: Hậu học nguyên Học sinh Nguyễn Bội Bảo (Lộ) phụng tả” (Phụng tả: Kính vâng và chép lại).

Qua các dòng trên có thể biết tác giả bản “Thần nữ linh ứng truyện” là người ở ngay địa phương có Lăng Bà Chợ Được tọa lạc - đối chiếu với địa giới hiện nay chính là vùng xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bản truyện có kết cấu như sau:

Trang đầu ghi tên truyện cùng danh hiệu mà nhân vật chính được triều đình phong sắc: “Thần nữ linh ứng truyện - Sắc phong: Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần - gia tặng Trang Huy Thượng Đẳng Thần”. Mười dòng tiếp theo trong trang 2 và 3 giới thiệu tổng quát về vị thần nữ và lý do khiến tác giả kính cẩn kể về thần tích của bà này.

Tiếp đó là phần “Khải linh” gồm hơn 6 trang kể về lịch sử cô Nguyễn Thị Của (Bà Chợ Được) - người đã linh hiển thành thần vào năm 18 tuổi. Phần này bao gồm các chi tiết về họ tên, quê quán, gia cảnh, cốt cách, chuyện ăn mặc, cư xử, sở thích, đạo đức… của nhân vật chính; cuối cùng là những chi tiết linh ứng sau khi cô thiếu nữ này qua đời.

Phần kế gồm 3 trang kể chuyện thần nữ cứu nạn các thuyền buôn trên biển và trừng phạt những người khinh mạn đối với thần. Việc xây mộ và cải táng mộ, lập miếu thờ cùng quá trình làm đơn trình và được triều đình phong sắc cũng được kể trong các trang kế. Qua phần này có thể biết tên tuổi của nhiều quan lại địa phương đương thời có tham gia vào việc tôn vinh sự linh ứng của Bà Phường Chào (tên gọi khác của Bà Chợ Được).

Phần quan trọng nhất - ở những trang tiếp - kể việc “vân du” đến thôn Phước Ấm, hóa thành một thiếu nữ thạo buôn bán, mở đầu cho việc lập một ngôi chợ mà dân địa phương ghi công gọi là “chợ Bà” (Bà thị); sau cải là “chợ Được”. Trong phần này, việc ẩn thân trong một “xác” người hầu đồng để giúp cho dân cũng được kể lại một cách sinh động.

Cuối cùng tác giả chép lại 6 bài thơ của tiến sĩ (hiệu) Nam Châu (tên) Hồ Mộng Truân (tức là ông Hồ Trung Lượng) - lúc này đã hưu trí ở quê nhà Duy Xuyên. Ông tiến sĩ này cũng là người đứng tên “duyệt chính” bản truyện này. Đây là một tập quán nhờ người có khoa cử bảo chứng cho giá trị của văn bản thời xưa.

Trong khi kể chuyện “Thần nữ linh ứng”, tác giả - xưng tên là Lộ - cho biết vào tháng 3 năm Thành Thái thứ sáu (1904) ông là người trực tiếp được hào lý và dân chúng ở địa phương “xã thị” (xã có chợ) Phước Ấm - nơi có ngôi miếu thờ bà thần nữ - ủy nhiệm mang đơn trình lên phủ rồi lên tỉnh và cuối cùng lên gặp các quan ở Bộ Lễ nhằm trình bày việc linh ứng của thần nữ xã chợ để từ đó xin triều đình phong sắc cho Bà này. Ông Lộ cũng cho biết: Vào năm trước đó (Thành Thái ngũ niên - 1903), ông đã tìm đến người điệt tôn của Bà (thần nữ) là Nguyễn Thực ở châu Phiếm Ái (thuộc tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn) “kính vấn” (kính cẩn hỏi thăm) để xác nhận ngày tháng năm sinh (Giáng sinh nhật) và ngày tháng năm mất (Tẩm hóa nhật) của Bà. Từ đó, ông Lộ đề nghị các nơi có miếu thờ Bà (châu Phiếm Ái và xã Phước Ấm) lấy hai ngày đó để hành lễ kính viếng hằng năm.

Vào ngày 20 tháng 9 năm Thành Thái thứ sáu (1904), triều đình chính thức sắc phong cho Bà Chợ Được thần vị “Thần nữ linh ứng Nguyễn Thị tôn từ” và thần sắc “Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Sắc phong được giao cho ông Hà Đình Nguyễn Thuật - khi ấy đang là Hiệp tá Đại học sĩ giữ chức Thượng thư bộ Binh “phụng đạt” (vâng mệnh chuyển giao) đến hai địa phương có miếu thờ Bà. Cùng lúc đó, cung Gia Thọ của bà Thái thái Hoàng thái hậu Từ Dũ (vợ vua Tự Đức) cũng tặng hai tấm kim bài có tên “Tam Thọ” và “Tứ Mỹ” giao cho thái giám của cung này là Nguyễn Cư “phụng nghinh” đến hai miếu thờ Bà. Lúc này, hai miếu đó đã được phong tên mới là “Trai Thục Dực Bảo Trung Hưng Thần Nữ Từ”. Đến ngày 23 tháng 12 năm ấy, chủ cung Gia Thọ lại sai viên thái giám nói trên mang đến ban tặng thêm “xích nhiễu cân” (khăn nhiễu đỏ) và “cẩm đới” (đai gấm) “đồng tâm đới” (?) cùng ngân tiền… Qua các lời kể về các nghi thức ban tặng, có thể thấy vào lúc đương thời, ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu vào trong nội cung của triều đình khá đậm nét.

Cũng theo lời kể trong truyện, vào năm Thành Thái thứ mười bốn (1914), ông Lộ đã cử một người có tên là Nguyễn Bá Trân ngồi hầu đồng. Sau khi làm đủ mọi thủ tục trai giới, tắm gội thanh khiết, ông Trân đến miếu khấn cầu và may mắn được Thần nữ chọn làm xác để nhập (hạnh đắc thành Đồng). Từ đó, qua “xác đồng” này, thần nữ ẩn thân, ra tay cứu nhân độ thế, xa gần đều nghe tiếng; ai mang lễ đến cầu xin đều được thỏa nguyện.

Ở trang cuối của bản truyện, một thời gian sau, có mấy dòng viết thêm cho biết vào dịp lễ mừng Tứ tuần của vua Khải Định (1924), triều đình gia tặng bà Chợ Được thần hiệu “Trang Huy Thượng Đẳng Thần” và vào tháng 9 năm Bảo Đại thứ sáu (1931), mộ Bà lại được dời về xứ Gò Muồng (tự dạng chữ Nôm là mộc 木 + môn 門) thuộc địa phận xã Hóa Mỹ (cả hai địa danh này đều chưa khảo xét nay thuộc nơi nào).
Gác qua một bên những nội dung có liên quan đến huyền thoại và tín ngưỡng, đây là một tư liệu quý giúp người đời sau tìm hiểu thêm về nhiều nét lịch sử, địa lý, phong tục, văn hóa có liên quan đến vùng đất đông nam tỉnh Quảng Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.